Được mệnh danh là thủ phủ dừa, Bến Tre hấp dẫn khách du lịch bằng nhiều sản phẩm làm từ dừa như cổ hũ dừa, đuông dừa, các loại chè bánh và đặc biệt là món kẹo làm bằng nguyên liệu chính từ phần cơm dừa.

Kẹo dừa xuất thân từ huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, tương truyền loại kẹo truyền thống đã có mặt trên bàn trà nước từ vài chục năm trước. Viên kẹo ban đầu chế biến khá đơn giản vắt nước cốt dừa với đường rồi nấu cô đặc kiểu làm mạch nha của người miền Trung. Tuy nhiên càng về sau này, cách làm kẹo dừa càng có nhiều sáng tạo hơn. Dừa được hái làm kẹo là loại dừa đã già, cơm dừa dày và cứng. Quả được bóc bởi dao dài cắm xuống đất.

Không nạo tay và vắt bằng tay như vài chục năm trước, nay dừa được nạo lấy cơm bằng máy, sau đó cho vào túi rồi ép cũng bằng máy. Nước cốt dừa có vị béo được dùng làm kẹo dừa, sau phần nước cốt, bánh cơm dừa được ép tiếp để lấy dầu dừa, loại dầu tự nhiên rất có lợi cho sức khỏe và được xem như mỹ phẩm tốt cho tóc và da.

Nước cốt dừa sau đó được trộn với đường tán làm từ mía hoặc đường thốt nốt, rồi cho lên chảo đun. Thời xưa, người làm kẹo dừa phải chấp nhận đứng cạnh lò suốt nhiều giờ đồng hồ để khuấy kẹo, có người vì nghề mà mang bệnh do lao lực. Ngày nay, nước dừa được khuấy trộn bằng máy.

Lửa đun kẹo là phần gáo dừa phơi khô. Lửa gáo dừa là loại lửa cho nhiệt độ rất cao và rất dễ cháy.

Sau khi nấu, dừa và đường cô đặc lại thành khối gọi là kẹo dừa thô hay mạch nha kẹo dừa.

Với các chế biến tại chỗ, đầu bếp dùng khối mạch nha trộn với đậu phộng rang rồi cắt ra thành cục nhỏ để mời khách.

Viên kẹo dừa tươi vừa dẻo vừa béo vừa thơm. Vị béo của dừa kết hợp với cái béo của đậu phộng rang khiến món ăn trở nên hoàn hảo.

Để bảo quản được lâu, mạch nha dừa còn được cho vào khuôn gỗ rồi hong cho đến khi kẹo nguội và khô.

Mạch nha dừa sau đó được trộn với một ít bột chống dính rồi cho vào xắt thành cục.

Viên kẹo ngon phải đạt được độ khô nhưng dẻo, dẻo nhưng không dính răng khi nhai. Vị kẹo đạt chuẩn chỉ nên ngọt vừa để không bị ngán.

Thời trước, kẹo dừa được gói trong giấy, sau này thấy gói giấy viên kẹo dễ bị chảy làm hỏng lớp giấy bên ngoài, các cơ sở đã nghiên cứu ra loại bánh tráng mỏng và trong. Viên kẹo được gói trong bánh tráng rồi mới gói trong giấy. Nhiều người lột viên kẹo, thấy bên trong có lớp bánh tráng thì tưởng lớp nilon nên mở bỏ, thực ra đây là phần có thể ăn được.

Kẹo dừa thành phẩm được xếp ngay ngắn cho vào bao nilon. Ngày nay, ngoài kẹo dừa truyền thống, kẹo dừa còn được sáng tạo kèm thêm những nguyên liệu khác như sầu riêng, lá dứa, đậu phộng, cà phê... Ngon miệng nhưng không đắt đỏ, giá mỗi gói kẹo dừa chừng 300 gram chỉ ngoài 30.000 đồng

Theo ngoisao.net