leftcenterrightdel
Chị Hoàng Thị Mỹ Nhung, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu Hạ Vy. 

Khởi nghiệp để "cứu thua"

Đến xã Phú Lý trong mùa nắng nóng, nhiều con suối đã cạn khô, trong các cuộc trò chuyện, người dân ở đây chủ yếu kể về làm nông nghiệp, về tìm nguồn nước tưới cầm chừng cho các loại cây trồng như xoài, bưởi... Thế nhưng, chị Hoàng Thị Mỹ Nhung lại kể một câu chuyện khác hẳn, đó là chuyện kinh doanh các sản phẩm như: Túi du lịch, túi xách nữ, bóp, ví, giày, dép, dây nịt được làm bằng da cá sấu, dòng sản phẩm da thuộc khá cao cấp trên thị trường hiện nay.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp với nghề khó, chị Mỹ Nhung nhớ lại: Năm 2009 gia đình chị cũng như một vài hộ dân xung quanh chuyên nuôi cá sấu và xuất bán cho thị trường Trung Quốc. Nhưng đến thời điểm dịch, năm 2020 thì cá sấu không xuất bán được, nếu bán trong nước thì giá lại càng thấp. Thời điểm được giá, một con cá sấu bán khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Năm 2020, giá cá sấu chỉ còn khoảng 500 nghìn đồng/con.

Chị Nhung phân tích: "Đợt đó, gia đình tôi nuôi khoảng 2000 con, nếu bán với giá 500 nghìn đồng/con thì thua lỗ lên đến tiền tỷ. Cái khó buộc mình phải tìm giải pháp nên gia đình tôi nghĩ đến việc làm các sản phẩm từ da cá sấu. Tôi bắt đầu lặn lội lên TPHCM tìm chỗ thuộc da (xử lý da), tôi đi ròng rã cả tuần mới tìm được đúng chỗ, vì không phải ai cũng chỉ chỗ cho ngay.

Khi đã tìm được chỗ xử lý da, tôi nhận về và bắt đầu nghiên cứu cách cắt, cách làm sản phẩm. Khi tìm được hướng đi mới này thì gia đình tôi đã xử lý hết cá sấu ở trang trại và mua thêm của các hộ vùng lân cận. Tôi không chỉ "cứu thua" cho gia đình mà còn nhận về lợi nhuận cao hơn khi bán cá sấu nguyên con lúc được giá".

leftcenterrightdel
Một số sản phẩm làm từ da cá sấu của chị Nhung. 

Chị Nhung cho hay, câu chuyện khởi nghiệp của chị là một câu chuyện dài và nhiều gian khó, nhiều lúc tưởng chừng phải dừng lại vì nhiều áp lực. "Đoạn đầu, tôi giống như bị trầm cảm, khó khăn cứ dồn dập. Khó từ nơi thuộc da cá sấu đến thử nghiệm làm các sản phẩm từ da cá sấu. Nghiên cứu cách thuộc da rất khó vì không có ai chỉ. Rồi công đoạn mổ cá sấu cũng không đơn giản, tôi phải trực tiếp hướng dẫn cho thợ mổ cá sấu đúng kỹ thuật, tránh thâm vô thịt, rách da. Vì là nữ nên nhìn cảnh mổ cá sấu tôi cũng rất sợ. Nhưng vì công việc, tôi phải cố gắng vượt qua nỗi sợ đó.", chị Nhung chia sẻ.

Chị Nhung cho biết, sản phẩm đầu tiên của chị là một chiếc ví nam, sản phẩm may bằng tay và được một cậu học trò mua ủng hộ. Chính những cảm xúc hạnh phúc này đã giúp chị có thêm động lực và không ngừng sáng tạo để thích ứng với khó khăn. "Bản thân tôi còn là một giáo viên nên thời gian chú tâm cho khởi nghiệp, kinh doanh còn hạn chế. Nói chung khó khăn nào cũng là nhất thời, theo từng giai đoạn. Nhưng chính sự tin yêu từ khách hàng, từ sự động viên, quan tâm của gia đình và các đoàn thể tại địa phương, tôi đã được tiếp thêm động lực để bước tiếp", chị Nhung bộc bạch.

Theo chị Nhung, trước giờ người tiêu dùng nghĩ sản phẩm da cá sấu thường có giá rất cao, kén chọn khách hàng. Nhưng sản phẩm của trang trại cá sấu Hạ Vy đã chủ động từ khâu nuôi đến đưa vào sản xuất nên có mức giá bán bình dân hơn nhiều, so với mặt bằng chung ngoài thị trường.

Tiếp tục sáng tạo để thích ứng

Giai đoạn đầu chị sáng tạo khởi nghiệp với các sản phẩm da thuộc từ da cá sấu thì hiện nay, chị tiếp tục đổi mới với mô hình du lịch trải nghiệm.

Chị Nhung cho biết: Khi làm ra sản phẩm, chị bán online rất chạy trong giai đoạn dịch. Nhưng sau dịch, tình hình kinh tế đi xuống, việc bán hàng bắt đầu chậm lại. Các shop bán ở khu du lịch lấy hàng ít hơn. Chị bắt đầu chuyển sang làm du lịch trải nghiệm. Với lợi thế vùng cách mạng Chiến khu D, mô hình du lịch vườn, rừng, hồ Trị An đang được địa phương đẩy mạnh phát triển, xã Phú Lý ngày càng thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Cơ sở cũng hướng đến đầu tư khu du lịch cắm trại ven hồ, tham quan khu nuôi cá sấu và chọn mua sản phẩm ngay tại nơi sản xuất. Mô hình mong muốn tạo hướng mới góp phần phát triển ngành du lịch địa phương và quảng bá sản phẩm đến nhiều người hơn.

leftcenterrightdel
Chị Nhung giới thiệu về mô hình khởi nghiệp của mình. 

Cụ thể, cơ sở đang cho khách tham quan trang trại chăn nuôi cá sấu và cơ sở sản xuất hoàn toàn miễn phí. Tổ chức thu tiền khi khách tham gia trải nghiệm làm sản phẩm đơn giản như móc khóa, dây đồng hồ (30.000/ khách). Khách hàng được mang sản phẩm về. Mô hình góp phần giúp người chăn nuôi cá sấu giải quyết đầu ra ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Hiện nay, cơ sở có 10 thợ chuyên, 5 thợ mổ thời vụ. Ngoài ra, tùy đợt hàng sẽ huy động thêm công nhân để làm phụ.

Bà Trần Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nhận xét: "Hằng năm, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc, nhiều chị em tham gia, tiếp thu, tiếp cận kiến thức và đã khởi nghiệp rất thành công. Điển hình như gương chị Hoàng Thị Mỹ Nhung với các sản phẩm làm từ da cá sấu. Năm đầu tiên, chị Nhung tham gia thì đoạt giải 3 cuộc thi khởi nghiệp. Sau đó, chị tiếp tục cải tiến sản phẩm, năm 2023 mô hình khởi nghiệp của chị Nhung đã giành giải nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Đây là điểm sáng cũng là tín hiệu cho phụ nữ Vĩnh Cửu phát huy tính sáng tạo, cần cù trong khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, sau đó là làm giàu cho xã hội. Chị Nhung còn là hội viên nòng cốt của Hội LHPN xã Phú Lý. Chị đã chung sức với cộng đồng, địa phương trong nhiều hoạt động từ thiện".

Liên hệ: Chị Hoàng Thị Mỹ Nhung, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu Hạ Vy.

Điện thoại: 0983.959.455

Địa chỉ: Ấp Bình Chánh, xã Phú Lý, Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Phạm Thương