|
|
Anh Vũ Minh Ngọc tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc nhưng lại khởi nghiệp với nghề làm giấm trên quê hương - NVCC |
Anh Ngọc cho biết từ năm 2017, khi kết thúc quá trình học tập ở Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, anh quyết định về quê hương để khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm “Giấm mơ trà xanh” tại làng.
Anh Ngọc chia sẻ, với mong muốn phát huy những giá trị truyền thống sẵn có để gia tăng giá trị cho nông sản địa phương và chế biến sâu nông sản sẵn có là quả mơ tại vùng rừng Tây Bắc và trà xanh ở vùng Vụ Bản, anh đã quyết định về quê làm giấm, đồng thời làm tiền đề phát triển phong trào thanh niên nông thôn làm kinh tế, tạo bản sắc riêng cũng như xây dựng làng nghề bền vững với sứ mệnh “Từ sinh kế tới sinh thái”.
Hành trình vươn ra khỏi lũy tre làng
Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, là kỹ sư ngành kỹ thuật nên khi bước vào mảng nông nghiệp là một thách thức lớn đối với anh Ngọc. Trong tay anh ngoài công thức gia truyền thì không có gì khác. Hơn nữa, trong tâm thức người Việt, giấm ăn chỉ được xem là một thứ gia vị thứ yếu trong bữa cơm gia đình; việc sử dụng giấm trái cây như một thức uống giải nhiệt, bảo vệ sức khỏe hay để làm đẹp cho phụ nữ lại chưa phổ biến. Bên cạnh đó, anh còn phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều của những người thân trong gia đình.
Dù vậy, anh Ngọc quyết tâm gây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm và thành lập Công ty TNHH nông sản Cô Tâm, với một xưởng sản xuất nhỏ ngay tại gia đình. “Lúc đầu mọi người khá e ngại, vì bản thân mình là kỹ sư, từng là chiến sĩ thông tin Lữ đoàn 134, lại đi về làm giấm. Vốn không có, quan hệ không có, lại là một mảng hoàn toàn mới so với ngành học, tuy nhiên với sự quyết tâm, mình đã được gia đình đồng ý”, anh Ngọc bộc bạch.
|
|
Anh Vũ Minh Ngọc giới thiệu sản phẩm tại một hội chợ nông sản |
Để duy trì doanh nghiệp, thời gian đầu, anh vừa sản xuất, vừa tự nghiên cứu, học hỏi, tìm đọc tài liệu về quy trình lên men giấm. Đồng thời đem mẫu sản phẩm đi thẩm định, đánh giá chất lượng, xin tư vấn của chuyên gia tại các viện thực phẩm, các trường đại học, các nhà máy bia… để chuẩn hóa quy trình sản xuất và hoàn thiện nhãn mác “Giấm Cô Tâm” cho sản phẩm truyền thống của gia đình. Vừa trực tiếp sản xuất, anh vừa rong ruổi mang sản phẩm đến các cửa hàng thực phẩm sạch, hoa quả sạch ở hầu khắp các tỉnh, thành phố để chào hàng và học thêm kinh nghiệm bán hàng, xây dựng chuỗi cung ứng cho sản phẩm.
Sau 4 năm nghiên cứu, xây dựng, ổn định sản xuất và phát triển thương hiệu, các sản phẩm từ làng của anh đã và đang được khách hàng đánh giá cao và đi ra khỏi “lũy tre làng”. Đến nay, sản phẩm “Giấm mơ trà xanh” đã có mặt tại chuỗi cửa hàng thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh, các cửa hàng thực phẩm sạch, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc với sản lượng khoảng 1.000 chai/tháng.
Ngoài ra, các sản phẩm nước cốt mơ truyền thống, tiêu xanh ngâm giấm, đã cho doanh thu của công ty năm 2021 đạt gần 2 tỉ đồng và tạo việc làm cho 35 lao động thường xuyên và thời vụ.
Nâng tầm nông sản Việt
Chưa dừng lại ở đó, từ quả mơ rừng Tây Bắc và công thức ngâm ủ gia truyền, anh Ngọc đang ấp ủ chế tạo ra sản phẩm vang mơ đặc trưng theo cách chiết kết hợp với công thức sản xuất rượu vang nho phương Tây (dòng balsamic của Pháp). Đồng thời hướng người tiêu dùng sử dụng giấm kết hợp với mật ong dưới dạng là đồ uống, thực phẩm làm đẹp, thanh nhiệt, giải độc, ổn định huyết áp và chăm sóc da, tốt cho sức khỏe.
Anh cho biết bước sang năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp do dịch Covid-19, các ngành nghề còn gặp nhiều khó khăn, nhưng anh luôn xác định lấy khó khăn làm động lực để phát triển. “Mình tập trung mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm đặc sản. Đầu tư trang thiết bị tự động hóa trong công đoạn chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như sự đồng đều chất lượng”, anh Ngọc chia sẻ.
Đồng thời, chàng trai trẻ mong muốn sẽ chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tại làng Bách Cốc; đưa sản phẩm về các hộ gia đình tại làng để nhân rộng mô hình, xây dựng làng nghề giấm truyền thống tại quê hương, mang chỉ dẫn địa lý.
Anh Ngọc cũng cho biết sẽ tập hợp các bạn trẻ tham gia sâu sát vào các khóa tập huấn kiến thức về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất và thương mại nhằm trang bị và thúc đẩy phong trào thanh niên nông thôn làm kinh tế tại làng Bách Cốc, xây dựng kế hoạch “Từ sinh kế đến sinh thái” tại làng.
Chia sẻ về mong ước của mình, anh Ngọc nói: “Mình muốn nâng tầm gia vị VN lên một tầm cao mới, khẳng định thương hiệu Made in Vietnam với bạn bè quốc tế. Giá trị cốt lõi mà mình theo đuổi là 4 chữ T: Tâm - Tài - Tầm - Tín, trong đó Tâm là khởi sự từ tâm, lấy chất lượng là hàng đầu; Tài là tập hợp sức mạnh đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; Tầm là lãnh đạo tiên phong, nhân viên cởi mở, phát triển độc đáo khác biệt; Tín là mãi mãi lòng tin với khách hàng”.
Với những nỗ lực của mình, anh Ngọc đã trở thành một trong 57 nhà nông trẻ xuất sắc năm 2021, được T.Ư Đoàn tuyên dương trao tặng giải thưởng Lương Định Của vào đầu năm 2022.
Theo thanhnien