Sinh ra trong gia đình có truyền thống về ươm tơ dệt lụa ở mảnh đất nổi tiếng về tơ tằm Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) nên từ lúc 6 tuổi bà Phan Thị Thuận đã được bố mẹ dạy cách làm trồng dâu nuôi tằm. Đến 1978, khi xã Phùng Xá chủ trương bỏ trồng dâu chuyển sang trồng lúa, bà Thuận đã cất công lên Hòa Bình để mua lá dâu về cho tằm ăn để duy trì nghề. Đến năm 1984, khi nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, bà lại tiếp tục bám trụ với nghề bằng việc quay sang ươm tơ, dệt lụa đem bán cho các làng lụa Vạn Phúc, Hàng Gai… Sau nhiều năm nỗ lực giữ nghề, bà đã nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên của một thương nhân từ Ả Rập Xê Út.

Bà Phan Thị Thuận chia sẻ: “Hồi đó, các sản phẩm chăn bông tơ tằm được ưa chuộng hầu hết đều làm theo kiểu truyền thống là kéo kén, ươm tơ, cào bông và khâu để tạo được một chiếc mền bông. Tuy nhiên những chiếc mền bông này sẽ bị xô, lệch sau một thời gian dài sử dụng”.

Kén tằm, nguyên liệu chính để làm sợi tơ thô để dệt các sản phẩm

Những con tằm tốt sẽ cho ra những sản phẩm tơ tằm chất lượng cao.

Công đoạn dệt lụa của công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức

Nhuộm kén tằm, khâu xử lý để tạo ra những tấm lụa mềm mại

Công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức cũng là nơi giải quyết việc làm nhiều lao động địa phương trong vùng

Từng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng luôn được kiểm tra cẩn thận tại công ty

Từ những trăn trở này, bà Phan Thị Thuận quyết tâm phải tìm cho được lối làm đơn giản mà mang đến sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Và rồi ý tưởng nảy sinh từ khi bà quan sát những con tằm đan kén. Bà Thuận đã bắt tay vào thử nghiệm lứa tằm đầu tiên bằng việc thử không làm tổ cho tằm mà để chúng nhả tơ một cách tự do và theo dõi quá trình hoạt động.

Nhận thấy vài chục con tằm do không có tổ nên không thể cuộn tròn lại quấn kén theo lối thông thường mà con này quấn vào con kia đan thành một lớp nang dày rất phẳng. Bà đã đem tẩy theo kỹ thuật truyền thống thì được tấm bông tơ tơi, xốp. Phát hiện ra kỹ thuật này đã tạo ra những chiếc chăn mền bông tiết kiệm được nhiều công đoạn như ươm, kéo tơ, cào bông, chần vải, đan, dệt mà lại có độ gắn kết bền chắc tự nhiên, bông không bị xô lệch sau khi sử dụng nên bà đã vận dụng để sản xuất ra các sản phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau để bán cho người dân xung quanh.

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm chăn mền bông tơ tằm tự dệt của bà Thuận ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Và đến năm 2010, bà thành lập Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức và mở nhà xưởng sản xuất với nhân công chủ yếu là các lao động địa phương đã từng kinh qua nghề tơ tằm trước kia với thu nhập từ 5 - 6 triệu/người/tháng.

Đến nay, Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức không chỉ có sản phẩm chăn mền bông tằm tơ mà còn có sản xuất nhiều chủng loại khác như các loại gối, khăn, túi và áo trẻ em… Những sản phẩm này được khách hàng ở các nước như Đức, Bỉ, Australia, Ả Rập rất ưa chuộng mang đến lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ/ năm.

Với những đóng góp của mình cho nghề tơ tằm Việt, bà Phan Thị Thuận đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu nghệ nhân. Hàng năm bà đi nhiều tỉnh, thành để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm mền bông tơ tằm tự dệt cho những hộ dân cũng làm nghề trồng dâu nuôi tằm.

Theo Báo Ảnh Việt Nam