Nghề 400 năm tuổi
Mặc dầu cây cỏ tế xuất hiện sớm tại Lưu Thượng nhưng ban đầu nó chỉ là nguyên liệu để làm các đồ gia dụng, mỹ nghệ đơn giản. Người Lưu Thượng cũng chủ yếu làm nghề chẻ cỏ tế để bán tại địa phương và một số huyện, tỉnh lân cận, phục vụ cho nghề đan cỏ tế và làm nguyên liệu cho một số mặt hàng như nón, các loại rổ, rá, giỏ đựng cua, cá. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cỏ tế đã dần khẳng định được vị thế của mình, trở thành nhân tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển của một nghề truyền thống mà đem lại hiệu quả kinh tế cao: Nghề đan cỏ tế.
Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan cỏ tế có lịch sử hơn 400 năm. (Ảnh: vnexpress.net)
Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu rất đẹp). Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao.
Để có được một sản phẩm cỏ tế vừa đẹp, vừa bền, người thợ thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.
Đa dạng hóa sản phẩm hướng đến thị trường ngoài nước
Cũng như bất kỳ một làng nghề cổ nào ở Việt Nam, sự phát triển của Lưu Thượng cũng có lúc thăng lúc trầm. Nghề đan cỏ tế chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng từ năm 1990 trở lại đây, khi thị trường Việt Nam được mở cửa và nhiều doanh nghiệp, khách nước ngoài biết đến các sản phẩm của làng nghề Lưu Thượng.
Trước đây người ta chỉ lấy phần ruột của cây cỏ tế tách thành những sợi nho gọi là guột, dùng để nức rổ, rá, khâu nón... còn phần vỏ cứng bên ngoài chỉ để đun bếp... Vào thập kỷ 80 người dân Lưu Thượng đã sử dụng phần ngoài của cây cỏ tế này để đan lát một số dụng cụ sinh hoạt như làn, được gọi là mặt hàng cao cấp nhất của làng nghề guột tế. Những chiếc làn được đan xinh xắn đã đủ kích cỡ, bên ngoài được quang lớp dầu bóng, làm cho sản phẩm đẹp, bền. Thời kỳ đồ nhựa còn hiếm và đắt nên những chiếc làn này được bán chạy và bán rộng rãi trên thị trường các tỉnh miền Bắc.
Sang đến thập kỷ cuối của thế kỷ 20, người thợ làng nghề Lưu Thượng tiến lên làm nhiều mặt hàng hơn, như những con giống, lẵng hoa, xà bông, valy đủ kiểu, đủ loại trông rất đẹp mắt. Những mặt hàng đan từ nguyên liệu chính là cỏ tế được đưa ra nước ngoài giới thiệu, chào hàng và được nhiều nước ưa chuộng, ký hợp đồng mua với khối lượng khá lớn: từ đó các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu của Trung ương, của tỉnh về Lưu Thượng ký hợp đồng thu mua hàng ngày càng nhiều.
Về thăm Lưu Thượng bất kỳ thời điểm nào trong tuần, du khách đều dễ dàng bắt gặp những hình ảnh chuốt cỏ bình dị của các bậc cao niên. (Ảnh: vnexpress.net)
Trong mấy năm trở lại đây, nghề thủ công ở Lưu Thượng phát triển mạnh tạo cho làng xóm đổi thay, nhiều gia đình trở nên giàu có. Ở Lưu Thượng có 334 hộ thì có 320 hộ làm hàng thủ công, thu hút mọi người tham gia không chỉ có lao động ở trong làng mà hàng trăm lao động ở xã bạn, huyện bạn đến đây làm thuê. Hàng đan xong đều được sấy, hun, quang dầu nên không bị mối mọt, mốc và bóng đẹp. Nghề truyền thống đan hàng tế không chỉ bó hẹp trong làng Lưu Thượng mà đã lan sang 6 làng trong xã và nhiều địa phương ở xã bạn, huyện bạn. Ngoài Lưu Thượng, xã Phú Túc còn có 7 thôn nữa tham gia làm hàng guột tế. Cả xã có 1.846 hộ thì có 1.330 hộ làm nghề thủ công. Các thôn Trình Viên, Đường Làng, Phú Túc, Tư Sản, Lưu Động, Lưu Xá, Hoàng Xá đều có 50-80% số hộ làm nghề đan guột tế.
Bằng sự tìm tòi, sáng tạo, những người thợ Phú Túc còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre, bèo, bẹ chuối, cỏ lăn... để tạo ra 8 loại sản phẩm với hơn 2.000 mẫu mã. Điều đáng nói là nghề đan cỏ tế của Phú Túc hôm nay đã được chuyên môn hóa đến từng công đoạn và được tổ chức khoa học, hợp lý. Nhờ đó sản phẩm tạo ra đạt đến trình độ tinh xảo và ngày càng vươn xa ra châu lục và thế giới như khối EU, Đông Âu, Nhật Bản, Canada.
Những sản phẩm hoàn thiện được đem phơi dưới cái nắng vàng rực rỡ của miền bắc. (Ảnh: vnexpress.net)
Theo thegioidisan.vn