Từ trung tâm huyện Đông Hòa về xã Hòa Vinh, dễ dàng nhận biết một làng nghề truyền thống làm gốm với những sản phẩm gốm đỏ au được phơi hai bên đường. Vào sâu trong làng, một không gian đặc trưng với mùi của đất, của gốm mới ra lò lại càng cho thấy sức sống của một làng nghề gốm truyền thống dù xã hội đang ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa.

Trải qua nhiều thế hệ làm gốm, làng gốm Trường Thịnh hiện vẫn còn 34 hộ với hơn 100 lao động còn giữ nghề, nhà nào nhiều thì 5 đến 6 người, nhà ít thì 2 đến 3 người. Nguyên liệu làm gốm được người dân khai thác ngay tại địa phương, hiện đã có máy lọc để đất được nhào nhuyễn, giúp sản phẩm gốm đạt chất lượng hơn. Tuy vậy, vẫn có một người làm thêm công đoạn làm tơi đất rồi vẩy thêm nước, giúp cho nguyên liệu đất thực sự đạt yêu cầu trước khi làm gốm.

Gốm Trường Thịnh sản xuất nhiều từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm vì khoảng thời gian này thời tiết có nắng, rất thuận lợi cho công đoạn phơi gốm. Thời gian còn lại trong năm, gốm làm không đều vì còn tùy thuộc vào thời tiết nắng mưa thất thường. Sản phẩm gốm truyền thống Trường Thịnh thường là các vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày như: ấm nước, lu, ống khói, bọng giếng… Sản phẩm làm ra làng nghề thường chủ yếu đưa đi tiêu thụ ở Bình Định, Khánh Hòa… và các tỉnh Tây Nguyên.

Đất làm gốm được tưới nước tạo độ kết dính.

Tạo hình cho gốm từ đất nguyên liệu.

Làng gốm Trường Thịnh chú trọng sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ, phù hợp vơi thị hiếu khách hàng.

Công đoạn làm mịn gốm bằng bàn xoay.

Sản phẩm gốm truyền thống Trường Thịnh phục vụ trong sinh hoạt thường ngày.

Bếp lò, một sản phẩm gốm dân dụng sản xuất ở Trường Thịnh.

Gốm Trường Thịnh hiện chú trọng sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ cung cấp ra thị trường.

Ở làng gốm Trường Thịnh hiện vẫn còn 34 hộ sản xuất với hơn 100 lao động còn giữ lửa nghề.

Gốm thành phẩm ra lò.

Chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Chiên, một nghệ nhân có thâm niên hơn 20 năm theo nghề và rất tâm huyết với nghề gốm. Chị Chiên cũng chính là người đầu tiên làm gốm mỹ nghệ của làng nghề gốm Trường Thịnh. Ngoài làm những sản phẩm truyền thống, chị Chiên đã học hỏi, mày mò làm tượng, chậu hoa, đèn ngủ ốp tường, đồ trang trí trong nhà… bằng gốm để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề. Từng tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình làm gốm tại nhiều địa phương trên cả nước, chị Chiên có nhiều mong muốn để làng gốm Trường Thịnh luôn được duy trì và phát triển những thế mạnh của mình. Chị cùng bà con trong làng nghề mong chính quyền có định hướng quy hoạch để sớm đưa làng nghề phát triển theo hướng hội nhập, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, ở đây là sản phẩm gốm mỹ nghệ.

Năm 2010, sản phẩm gốm của chị Trần Thị Chiên và nhiều nghệ nhân gốm ở Trường Thịnh đã tham gia "Festival Gốm Sứ Việt Nam" tổ chức tại tỉnh Bình Dương. Đây là dịp để gốm Trường Thịnh có cơ hội quảng bá sản phẩm truyền thống của mình cùng các làng nghề gốm sứ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Qua đó, các nghệ nhân làng gốm Trường Thịnh cũng có cơ hội được giao lưu, tiếp cận với thị trường, tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng để có sự điều chỉnh phù hợp cho hoạt động sản xuất gốm của làng nghề.

Thực tế, sản phẩm gốm mỹ nghệ, quà lưu niệm bằng gốm luôn hấp dẫn du khách và có giá cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm bình thường. Đó là động lực để bà con làm gốm đầu tư thêm vốn đầu tư sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho cuộc sống. Hiện làng nghề gốm Trường Thịnh bắt đầu có những đoàn du khách ghé thăm và hầu như đều thích thú với sản phẩm gốm mỹ nghệ. Mong muốn của bà con làng nghề gốm Trường Thịnh là thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Phú Yên sẽ mở thêm các tour đưa khách tham quan đến các làng nghề truyền thống, trong đó có làng gốm Trường Thịnh để sản phẩm gốm có nhiều cơ hôi được tiếp cận với du khách trong nước và quốc tế, góp phần giúp làng nghề phát triển một cách bền vững.

Theo Báo ảnh Việt Nam