Giải thưởng UIA là một giải thưởng thường niên được tổ chức 3 năm một lần dành cho các hiệp hội kiến trúc sư quốc gia là thành viên của UIA (International Union OF Architect - Liên minh quốc tế Kiến trúc sư) để công nhận và vinh danh các chuyên gia có tài năng, hay những hoạt động có tầm ảnh hưởng quốc tế trong một khía cạnh cụ thể của ngành kiến trúc.

Giải thưởng Không gian Thân thiện và Hòa nhập UIA được thành lập để khuyến khích và vinh danh những kiến ​​trúc sư trong việc tạo ra những không gian công cộng và tòa nhà thân thiện, hòa nhập và dễ sử dụng. Các tác phẩm dự thi phải thể hiện được khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn về thiết kế toàn cầu và hòa nhập; và các thiết kế khi được thực hiện hóa sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người sử dụng.

Giải thưởng được chia làm 4 hạng mục: Công trình mới, Không gian công cộng, Tái sử dụng hoặc cải tạo tòa nhà cũ và Công trình nghiên cứu. Các tác phẩm được đánh giá qua 2 vòng: Vòng sơ khảo do ban giám khảo quốc tế năm khu vực của UIA tiến hành đánh giá và Vòng chung khảo do một ban giám khảo quốc tế khác trong đó có tác giả đã từng thắng giải trước đây.

Công trình Nhà trẻ “Farming Kindergarten”.

Năm 2017 đã có tổng cộng 76 bài tham dự, từ 28 quốc gia ở 5 lục địa. Ban giám khảo đã rất ấn tượng với số lượng dự án lớn và đa dạng, cũng như tiêu chuẩn và chất lượng của các tác phẩm được chọn lọc.

Kết quả đã có 14 giải thưởng được trao, gồm có 3 giải Huy chương và 11 giải Danh dự. Việt Nam có 2 tác phẩm được giải thưởng danh dự, trong đó có Nhà trẻ “Farming Kindergarten” của công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa.

Những năm gần đây, các khu công nghiệp phát triển mạnh tại các tỉnh thành như Đồng Nai hay Bình Dương, số lượng lớn công nhân đã tập hợp đến đây để làm việc và sinh sống; do vậy rất cần thiết xây dựng nhiều nhà trẻ cho trẻ em.

Một nhà trẻ dành cho 500 trẻ em để phục vụ đời sống cho các công nhân tại đây.

Với nhu cầu xây dựng nhà trẻ cho con của 23.000 công nhân ngay cạnh nhà máy làm việc của họ, Công ty Pou Chen Vietnam tại tỉnh Đồng Nai đã đặt ra yêu cầu cần xây dựng một nhà trẻ dành cho 500 trẻ em để phục vụ đời sống cho các công nhân tại đây.

Ở Việt Nam, các thành phố lớn như Hồ Chí Minh đang mất dần diện tích cây xanh, như vậy trẻ em sẽ không có nhiều không gian để vui chơi và bị thụ động (theo thống kê của Viện Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh năm 2012, có tới 75% trẻ em bị thụ động), báo động nhiều mặt về môi trường sống cho trẻ cũng như môi trường sống nói chung.

Nhà trẻ được xây dựng và vận hành với một chi phí thấp bằng việc trồng rau trên mái.

Hơn nữa, Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng cũng đang gặp phải nhiều vấn đề về biến đổi khí hậu như nhiều vùng bị nhiễm mặn, bị hạn hán hay bị lũ lụt làm cho các vùng đất nông nghiệp tại đây bị ảnh hưởng một cách trầm trọng.

Với ý tưởng thiết kế một công trình xanh, bền vững, Nhà trẻ Farming Kindergarten đã giải quyết được những vấn đề trên, giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của nông nghiệp cũng như tăng diện tích vui chơi cho trẻ.

Do đây là nhà trẻ dành cho con của những công nhân làm việc tại nhà máy nên nhà trẻ cần được xây dựng và vận hành với một chi phí thấp bằng việc trồng rau trên mái để cung cấp thực phẩm rau sạch cho các bữa ăn kết hợp với việc trồng hoa giun tại các lam đứng tạo lớp cách nhiệt, môi trường xanh mát, trong lành cho trẻ em mà không cần sử dụng điều hòa.

Công trình không những tạo ra không gian vui chơi linh hoạt cho trẻ qua ba sân trong cho trẻ và mái xanh chạy dài liên tục mà còn cho trẻ em năng động, hiểu rõ về thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên để tồn tại trong thế kỷ 21.






Theo Dân trí