Khoai deo từ lâu đã trở thành đặc sản gắn liền với lịch sử phát triển, đời sống văn hóa của người dân Quảng Bình. Khi du lịch Quảng Bình phát triển, món ăn độc đáo này cũng trở thành đặc sản song hành, góp phần quảng bá địa phương được mệnh danh là "vương quốc hang động".
Xã Hải Ninh (H.Quảng Ninh) là nơi sản xuất khoai deo với số lượng lớn nhất. Quy trình tạo ra món ăn này cũng rất phức tạp và tốn thời gian. Khoai được cắt lát mỏng, ủ chăn bông, phơi qua nhiều ngày nắng. Nắng càng lớn, khoai lại càng ngon ngọt, dẻo dai...
Thủ phủ sản xuất khoai deo này hiện có khoảng 250 hộ dân theo nghề, tập trung nhiều nhất tại 2 thôn Tân Định và Hiển Trung. Mỗi năm, địa phương làm ra gần 300 tấn khoai deo để phục vụ khách hàng khắp cả nước.
Bên cạnh việc sản xuất khoai theo phương pháp tự nhiên, nhiều hộ dân ở địa phương khác trong tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là TP.Đồng Hới, còn ứng dụng máy móc hiệu quả. Thay vì phơi nắng, họ sử dụng máy để sấy, sau đó đóng gói, hút chân không và xuất bán. Việc sấy khoai bằng máy giúp rút ngắn thời gian sản xuất, song chất lượng vẫn tương tự so với cách làm tự nhiên.
Anh Hoàng Huy Thành (32 tuổi, P.Đồng Hải, TP.Đồng Hới), chủ một cơ sở sản xuất khoai deo, cho biết hầu hết nguồn nguyên liệu gốc đều là khoai tươi được trồng trên đất cát tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh...
"Nguyên liệu gốc là khoai tươi được trồng trên đất cát nên rất thơm, có vị ngọt bùi. Dù khác nhau về phương pháp sản xuất nhưng sản phẩm tạo ra cũng không có quá nhiều khác biệt", anh Thành nói.
Hiện nay, du khách đến Quảng Bình không chỉ để khám phá các hang động kỳ bí mà còn tìm đến các chợ, các cửa hàng để mua khoai deo thưởng thức hay làm quà tặng. Giá bán dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, tùy theo thời điểm.
Giản dị và kinh qua nhiều công đoạn, món khoai deo hệt như tính cách của người Quảng Bình: bình dị, chịu khó và cho ra thành quả ngọt ngào. Dần dà, món ăn bình dị ấy được du khách khắp nơi yêu thích, xứng đáng vào top các đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng Việt Nam.
Theo Thanh niên