Tô phở thập cẩm của người Việt nấu ở Hàn Quốc

Thế là xốc lại cái ba lô, tôi đi theo mùi hương.

Cũng phải 1 đoạn phố dài, tôi mới đến được quán ăn có mùi phở đang tỏa ra. Quán hình như cũng mới mở. Chủ là người Hàn, phục vụ cũng người Hàn, món phở bán cùng các món Hàn Quốc có chan nước khác. Họ đã cố ý dùng mùi hương thơm của phở để thu hút du khách. Trong quán cũng hơi đông khách. 

Tô phở to, nước dùng trong veo. Thịt bò xếp lớp. Thịt bò Hàn Quốc vốn nổi tiếng mềm và ngon. Nhưng rau ăn kèm chỉ là bó ngò gai xinh xinh và 1 cành rau quế.

Bằng Google dịch, tôi hỏi món giá. A, bưng ra ngay 1 dĩa giá trụng, nhưng cũng bé xíu xiu (đây là gọi thêm). Tương đen tương đỏ cũng là tương Hàn Quốc.

Tôi hơi buồn vì đó không phải là sợi phở tươi, mà là bánh phở khô (nghe nói là nhập từ Thái Lan). Nhưng có ăn là tốt rồi, kén cá chọn canh gì ở xứ người khi mà mình đi lạc chứ.

Năm đó, cũng là năm Việt Nam chiếu bộ phim truyền hình Mùi ngò gai, hợp tác Hàn - Việt. Tôi không phải là người mê phim, nhưng cũng nghe nói là bộ phim là hiệu ứng sau những thu hút đến từ hương vị của quán phở Việt tại Hàn, tại ra làn sóng ẩm thực tại Hàn.

Mà nghe đâu, hồi thế kỷ 20, có người trẻ Hàn Quốc đi du học ở Mỹ về mở quán phở đầu tiên ở Seoul, sau khi người này nghiện (đến thành ghiền) món phở của người Việt nấu bán tại xứ Mỹ.
Rồi phở Việt nhanh chóng chiếm vị trí cạnh các món mì Hàn, thành món độc tôn, ngon bổ khỏe, với nguyên vẹn cái chữ "pho".

Tô phở cháu tôi nấu bên Hàn Quốc - Ảnh: DIỄM NGUYỄN

Từ 1 thành trăm, nghe nói Seoul giờ có trên trăm quán phở, chủ bếp có người Hàn, người Việt. Thậm chí nhiều sao thần tượng cũng tay phải hoạt động nghệ thuật, tay trái chung vốn cùng bạn bè, gia đình mở quán phở.

Từ lạ thành quen, với trẻ người Hàn Quốc, phở là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Trong nhịp sống hối hả của thời đại kỹ thuật số, ăn phở tiết kiệm thời gian mà vẫn bổ, lại được thưởng thêm hương vị rất thơm, quyến rũ.

Rồi du lịch bùng nổ, du khách đến Hàn, nhất là du khách Việt, dạng ta balô như tôi, thế nào cũng phải một tô phở. Chưa kể du học sinh, thực tập sinh. Và những du khách nào muốn ăn một món vừa ngon vừa bổ, lại ấm bụng.

Nhưng mà, tô phở trên xứ Hàn tôi ăn hôm đó vẫn lạc điệu thế nào. Có lẽ do thiếu rau, thiếu giá, dù thịt bò mềm tan trong miệng, hương quế, hương hồi, hương gia vị sực nức. Giá cả thì mắc gấp 4 lần tô phở bên nhà.

Về đến nhà lúc trời tối, khi kể cho cô cháu (người Việt quốc tịch Hàn), cô cười giòn tan: "Phở nấu cực lắm. Muốn nấu con phải đặt bên nhà có ai sang, mang theo bánh phở tươi, rau thơm Việt Nam. Giá thì con phải tự ủ, còn ớt thì chịu, tại Hàn Quốc cấm mang ớt, chanh Việt Nam sang. Ở Hàn ăn cay không đã, vì ớt Hàn khác xa vị ớt Việt".

Rồi cô khoe: "Mỗi lần cuối tuần, con mà nấu phở thì nguyên khu nhà đều biết. Tại mùi phở thơm lắm".

Cuối năm ngoái, tôi có sang Hàn trước khi đại dịch bùng nổ. Trong hành lý ký gởi có rau thơm các loại (đã cắt rễ) bỏ trong hộp nhựa, tương ớt xay, tương đỏ tương đen đóng chai, bánh phở tươi ép chân không, hành củ Việt Nam, tiêu xay Việt Nam…

Đón tôi ở bến xe bus sau 1 ngày dài, cô cháu cười toét miệng: "Con mua sẵn xương, bỏ nồi hầm rồi. Thịt bò, thịt gà, quế, hồi đủ hết. Chờ hàng của cậu thôi".

Về đến nhà, gần hơn chục người Việt gần xa chờ sẵn, để lát nữa ăn phở.

Tô phở khuya đêm hôm đó, đêm mùa đông ở Hàn, đúng vị Việt, ngon thật là ngon. Giờ nhớ lại vẫn thấy ấm.

Tôi gọi điện sang cho cháu, cô nói: "Giờ rau mắc hơn thịt cậu ơi. Con cũng nấu, bỏ hộp đi giao. Ai mua về hâm nóng lại ăn. Nhưng rau thơm thì chỉ vài cọng cho có". Cháu gởi cho tôi hình những tô phở đầy ắp thịt, nhưng chỉ có tí rau.

Lại nhớ bó ngò gai xinh xắn, bé xiu. Cũng như dĩa giá bé tí mà năm xa xưa đó, tôi đi lạc trong con phố nhỏ, theo hương phở bay mà đến quán.

Theo dulich.tuoitre