Doanh nhân Đoàn Thị Hữu Nghị
Gần 30 năm trước, khi biết bà từ bỏ công việc ở Bộ Ngoại giao, một chuyên viên chuyên về biên dịch và phiên dịch cho các quan chức cấp cao sau nhiều năm đèn sách tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội để chọn hướng kinh doanh, nhiều người bảo bà gàn dở. Ấy thế mà với bà, đó lại là quyết định đáng tự hào.
Bà nói: "Dĩ nhiên khi mới hai mươi mấy tuổi, đi làm có xe đưa, tan sở có xe đón, trong những cuộc gặp giữa các cấp lãnh đạo của Việt Nam với các nước, bạn là người thông ngôn, có được việc làm như vậy, ai mà không thích, ai mà không tự hào. Thế nhưng, cái gì cũng có giá của nó. Tôi đã đổi tất cả để lấy sự "tự do". Vì vậy, tôi chẳng có gì để hối tiếc về quyết định của mình".
* Nói như bà thì có vẻ áp lực của nghề phiên dịch của một chuyên viên thuộc Bộ Ngoại giao là quá lớn?
- Với nghề biên dịch hay phiên dịch và bất cứ nghề nghiệp nào, một khi bạn đã chọn và theo đuổi thì đó cũng là đam mê, nên dù có áp lực cũng chẳng hề gì. Với tôi cũng vậy, cứ mỗi chuyến xuất ngoại theo đoàn công tác của Chính phủ, hành trang lúc nào cũng là chiếc máy đánh chữ chỉ thiếu 15 kilogam nữa là bằng cân nặng của tôi, nhưng tôi phải tự xách.
Xách nặng nhưng không được khom người vì mình đi trong đoàn ngoại giao. Trước mỗi cuộc đàm phán, công việc của tôi là đọc và rút gọn các văn bản. Hàng chồng văn bản tôi phải đọc, phải chuyển ngữ và đánh máy.
Sẽ không có thời gian để đọc từng dòng, bạn làm cách nào? Tôi đã đọc cùng lúc ba dòng, sau đó cứ rút gọn vài trăm trang thành vài chục rồi còn vài trang. Căng thẳng và mệt mỏi, nhưng đó là công việc tôi yêu thích.
* Quyết định này có làm bà mất nhiều thời gian suy nghĩ, đo đếm thiệt hơn?
- Tôi có nghề, không làm biên dịch, không làm thông ngôn thì về dạy học, làm cô giáo dạy ngoại ngữ. Vì vậy mà tôi chẳng có gì để đắn đo. Khi kinh doanh, đối mặt với thương trường cũng là đối mặt với rỏi ro, với cái chết của doanh nghiệp, của thương hiệu.
Vì thế mà sau này, khi truyền đạt kinh nghiệm quản trị cho chị em trong Hội Nữ doanh nhân Hà Nội, nơi tôi thường xuyên tham gia sinh hoạt, tôi vẫn nói hãy quản trị doanh nghiệp trước hết bằng quản trị rủi ro.
* Người nghe phản ứng như thế nào về cách quản trị mà bà truyền đạt?
- Nhiều người bảo rằng tôi truyền đạt vớ vẩn, nói điều xúi quẩy, nhưng tôi vẫn điềm nhiên, vì đây không phải là chuyện phiếm. Ở Hiệp Hưng, tôi vẫn truyền đạt cho nhân viên như vậy. Tôi muốn nhân viên luôn tự tin làm việc trên tinh thần "ngày mai bác Nghị chết rồi thì hỏi ai". Bản thân tôi cũng vậy, đôi khi tôi tự nghĩ, ờ nhỉ, nói dại mồm, ngày mai đi máy bay rồi đi luôn thì làm sao".
Thế nên, với tôi trong doanh nghiệp, quản trị đầu tiên là quản trị rủi ro, rủi ro có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, điều mà tôi muốn chia sẻ với các nhà quản trị doanh nghiệp như tôi là nhỡ có điều xấu xảy ra thì cũng đừng để lại những rối ren cho người khác, để rồi dẫn đến anh em kiện nhau, đối tác kiện nhau.
* Được biết, sau thành công ở thị trường xuất khẩu, tháng 12/ 2006, Hiệp Hưng đã cung cấp cho thị trường trong nước các loại chăn, ra, gối với nhãn hiệu Bellizeno. Song hiện nay, Việt Nam đang ngày càng có nhiều thương hiệu ngoại, Hiệp Hưng có gặp khó trước các đối thủ này không, thưa bà?
- Đương nhiên là có thách thức. Vì vậy, chúng tôi luôn tính toán kỹ, cân nhắc từng đường đi nước bước trong kinh doanh. Hiện nay, đối với ngành may, thêu, trong đó có ngách chăn, ra, gối, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Tập đoàn Hiệp Hưng nói riêng vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Song gần đây, giá bán thành phẩm chăn, ra, gối của các nước khi vào Việt Nam còn rẻ hơn giá nguyên liệu chúng tôi nhập về. Điều này đang làm chúng tôi quan ngại. Vừa qua, tôi đã khảo sát thị trường một số nước trong khu vực thì thấy rằng, sản phẩm của họ khi đưa vào Việt Nam không còn chịu thuế xuất khẩu, nên giá bán thành phẩm vì thế mà rẻ hơn giá nguyên liệu chúng tôi nhập về.
Ngược lại, ở nước ta không chỉ phải nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu mà còn cả thuế giá trị gia tăng. Đối với nguyên liệu chúng tôi nhập khẩu về sản xuất để xuất khẩu, dù đã mở cửa thuế quan nhưng vẫn bị hạn chế thủ tục 275 ngày. Một cái khó nữa là không ít doanh nghiệp Việt Nam một điều nghi chín điều ngờ lẫn nhau nên rất khó để đứng vững trên sân nhà.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam biết hợp lực, hình thành được mạng lưới kinh doanh từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng bằng sự tin tưởng lẫn nhau, lúc nào cũng nghĩ đến nhau thì tôi tin sản phẩm sẽ vừa đẹp, vừa tốt, giá lại mềm, hoàn toàn tự tin hội nhập với doanh nghiệp khu vực và thế giới.
* Theo bà thì giữa giai đoạn đầu chinh phục khách hàng trong nước và hiện nay, giai đoạn nào "làm khó” Hiệp Hưng hơn?
- Đã kinh doanh thì ở giai đoạn nào cũng có khó khăn, nhưng tôi vẫn xem đấy chỉ là thách thức đối với mình. Khi trở về thị trường trong nước, khách hàng chưa hiểu nhiều về các loại chăn, ra, gối của Hiệp Hưng nên công việc của chúng tôi là giải thích, hướng dẫn để khách hàng định hướng sản phẩm, chọn lựa sản phẩm.
Còn bây giờ, trước hàng trăm thương hiệu chăn, ra, gối đang có mặt tại Việt Nam với đủ chất liệu, tốt, chưa tốt hoặc không tốt thì nhà sản xuất càng cần phải có trách nhiệm trong định hướng tiêu dùng cho khách hàng. Theo tôi, không có gì mạnh mẽ bằng sự làm ăn đúng đắn của doanh nghiệp.
Cho nên tới đây, tôi sẽ cùng một số doanh nhân trong Hội Nữ doanh nhân Hà Nội thành lập một câu lạc bộ sản xuất và tiêu dùng. Theo đó, các thành viên tham gia câu lạc bộ phải có giấy chứng nhận về chất lượng hàng hóa và góp phần định hướng sản phẩm cho người tiêu dùng. Đó là ở góc độ DN, song tôi nghĩ, cơ quan chức năng cũng phải cùng chúng tôi vào cuộc.
Bởi thiết nghĩ, doanh nghiệp Việt Nam đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế, nhưng cùng một mặt hàng, đơn cử như chăn, ra, gối chúng tôi vẫn phải chịu mức thuế nguyên liệu khi nhập về để sản xuất, trong khi thành phẩm chăn, ra, gối nhập khẩu vào Việt Nam thì không bị đánh thuế, điều này đâu có đồng nghĩa với khuyến khích sản xuất!
Hiện nay, nhà cung ứng nguyên liệu cho tôi cũng là nhà sản xuất rất lớn tại Thái Lan, đấy là điều đáng lo. Nhưng bây giờ đất nước hội nhập, cộng đồng kinh tế AEC mở cửa thì mình phải vui vẻ chấp nhận, vì là điều tất yếu.
* Bà có nghĩ đến việc sẽ chuyển sang nhập khẩu và phân phối các loại chăn, ra, gối thay vì nhập nguyên liệu về sản xuất?
- Chúng tôi có nhiều bạn bè, nhà cung ứng tại Thái Lan, Đài Loan..., nhưng mình làm kinh tế, không nên nghĩ đến việc chỉ lợi cho mình mà phải nghĩ nhiều chiều, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho người và cho môi trường.
Đó là ba điều chúng tôi luôn theo đuổi. Đương nhiên, mỗi thời kỳ sẽ có những bước đi khác nhau, nhưng là nhà điều hành doanh nghiệp, phải định hướng được kinh doanh như thế nào là phù hợp với thực tế và vừa phải có tầm nhìn xa.
Nên nếu chúng tôi lấy hàng của họ về bán, đến khi thị trường ổn định, hàng hóa ổn định và vào guồng, bên kia trở chứng bảo không bán cho mình nữa thì mình phải làm sao! Đó là điều phải tính toán.
Vì vậy, dù khó khăn, tôi vẫn chọn hướng sản xuất, bởi vì sản phẩm của chúng tôi 100% là Organic, qua mấy chục bước kiểm tra, từ thêu sang triện, thêu tay, may, giặt ủi... Những quy trình này rất nhuần nhuyễn, đến mức từng người trong Công ty đều có thể phát hiện lỗi ở tất cả các khâu.
* Doanh thu của Hiệp Hưng nói chung và Bellizeno nói riêng có bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh gay gắt đối với mặt hàng chăn, ra, gối không, thưa bà?
- Do chúng tôi đã có khách hàng lâu năm, nên sự tăng trưởng vẫn đều đặn. Hiện nay, ở Hiệp Hưng doanh số xuất khẩu vẫn chiếm phần lớn, còn khách hàng tại thị trường Việt Nam thì chúng tôi vẫn dừng ở mức định hướng tiêu dùng. Năm 2014, nhờ sản phẩm Bellizeno đạt giải thưởng về thiết kế quốc tế, nên đã có một hãng ở Nhật sang kết nối với chúng tôi để làm nhãn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ở thị trường Úc, chúng tôi cũng hợp tác với một doanh nghiệp để sản xuất và phân phối các loại chăn, ra, gối theo hình thức mua đứt bán đoạn. Theo đó, chúng tôi đảm nhiệm chất lượng sản phẩm đạt chuẩn, phía doanh nghiệp Úc đảm nhiệm đầu ra.
* Nhìn lại quãng đường 27 năm, kể từ ngày bà rời khỏi Bộ Ngoại giao, cùng chồng thành lập doanh nghiệp, bà có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang muốn lập nghiệp?
- Tôi nghĩ, không phải mình từ bỏ cái gì để được cái gì. Con người luôn đứng trước nhiều ngả đường, nhưng vấn đề là phải xác định mục tiêu ở đâu, mục tiêu đó là gì, và mục tiêu đó có giúp ta trở thành con người trung thực, tử tế hay không. Hằng ngày, khi đi đến một điểm nào đó, bạn phải qua những ngã rẽ.
Đó là điều bình thường, thế nên cuộc đời với tôi cũng vậy, tôi nghĩ ngã rẽ nào mà đến đúng đích đều tốt. Khi con tôi lấy bằng tiến sĩ, tôi đã nói với nó muốn làm gì cũng được, mẹ không bàn đến, nhưng mẹ muốn con xác định con muốn làm con người kiểu gì. Đó là cách tôi dạy con từ lúc bé cho đến bây giờ.
Vì vậy, với các bạn trẻ, tôi chỉ muốn nói rằng, cuộc sống luôn luôn có cơ hội và thách thức. Có rất nhiều định nghĩa về sự thành đạt, thành công. Cũng có người cho rằng thành đạt là khi bạn đạt được những mục tiêu mà mình ước muốn. Hay thành đạt là phải đánh đổi bằng nước mắt, thậm chí là gia đình...
Song với tôi, thành đạt, thành công là luôn hài lòng với những ưu khuyết của bản thân, biết tìm cách nâng trình độ hiểu biết, đối nhân xử thế lên từng ngày. Hay chọn từ bỏ một điều gì đó mà về sau bạn không thấy hối hận, trái lại bạn còn cảm thấy vui sướng thì đó mới là thành đạt. Vấn đề là bạn có dám làm, dám vượt qua khó khăn của bản thân theo hướng tích cực hay không.
* Cảm ơn những chia sẻ của bà!
Theo Doanh nhân Sài Gòn