Nghề làm tôm khô ở Cà Mau được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cập nhật lúc 09:26, Thứ sáu, 17/11/2023 (GMT+7)
Nghề làm tôm khô của người dân tỉnh Cà Mau vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 14.11, tin từ Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ VH-TT-DL đã có quyết định đưa nghề làm tôm khô của tỉnh này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ xa xưa vùng đất Cà Mau vốn nổi tiếng với nguồn lợi hải sản vô cùng phong phú, người dân đánh bắt tôm về tiêu thụ không hết thường đem luộc rồi phơi khô để ăn dần. Theo thời gian, tôm khô của Cà Mau được thương lái tìm đến thu mua rồi đưa đi tiêu thụ nhiều nơi và nghề làm tôm khô cũng dần hình thành.
Càng về sau, khi tỉnh Cà Mau phát triển nghề nuôi tôm, đặc biệt là mô hình nuôi tôm dưới tán rừng với sản phẩm tôm đất có chất lượng thịt ngon nổi tiếng, sản phẩm tôm khô Cà Mau ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 280.000 ha đất nuôi tôm. Tôm khô được người nuôi tôm làm phổ biến để dùng trong gia đình, đặc biệt là phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, nghề làm tôm khô phát triển nhất ở các huyện có thế mạnh nuôi tôm dưới tán rừng của Cà Mau như: Ngọc Hiển, Năm Căn.
Trước đó, vào năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học – Công nghệ đã công nhận "Tôm khô Rạch Gốc" là nhãn hiệu tập thể của người dân H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Năm 2021, tôm khô Cà Mau đã vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Bên cạnh sản phẩm tôm khô Cà Mau thì lễ hội vía Bà Thủy Long tại xã Thanh Tùng, H.Đầm Dơi (Cà Mau) cũng đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngôi miếu thờ Bà Thủy Long, được người dân địa phương lập vào khoảng đầu thế kỷ 19 bằng cây lá địa phương… Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân về dự lễ hội từ ngày 15 đến ngày 17.2 (âm lịch) hằng năm, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã nhiều lần tôn tạo địa điểm tín ngưỡng trên.
Theo Thanh niên