Theo ông Phùng Đắc Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, nghề may da ở địa phương bắt đầu phát triển từ năm 1970 của thế kỷ trước. Đến đầu những năm 1990, các hộ kinh doanh đời góp phần làm cho kinh tế địa phương thêm phát triển và cải thiện đời sống. Hiện ở Kiêu Kỵ có khoảng 70 hộ sản xuất các mặt hàng may da, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho khoảng 1000 lao động của địa phương và các khu vực lân cận.
Cùng với nghề dát vàng truyền thống, làng Kiêu Kỵ thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) còn là nơi sản xuất các sản phẩm cặp sách, balo...
Công đoạn may sản phẩm của người thợ làm nghề da ở Kiêu Kỵ .
Hiện ở Kiêu Kỵ đã xuất hiện nhiều loại máy móc hiện đại, giúp tăng năng suất và cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm da của làng nghề.
Các thế hệ trong một hộ gia đình ở Kiêu Kỵ gắn bó với nghề may đồ da.
Chuẩn bị nguyên kiệu cho một đợt sản xuất sản phẩm đồ da ở Kiêu Kỵ.
Nghề may da ở Kiêu Kỵ giải quyết việc làm cho nhiều người dân tại địa phương và các vùng phụ cận.
Tại sở sản xuất Minh Anh, ông Nguyễn Văn Thủy, chủ cơ sở đã mở xưởng sản xuất may đồ da hơn 20 năm cho biết, các hộ làm nghề này ở Kiêu Kỵ hầu hết đều nhập nguyên liệu da từ Tp. Hồ Chí Minh về. Sau đó, những người thợ lành nghề sẽ tiến hành đo, cắt các sản phẩm theo kích cỡ khách hàng đặt hàng. Ngày trước, hầu hết các hộ làm nghề này đều dùng phương pháp thủ công trong công đoạn khâu may. Hiện nay, với việc đầu tư các loại máy khâu hiện đại nên thời gian hoàn thiện sản phẩm nhanh hơn. Để đáp ứng nhu cầu về thị hiếu thời trang của người tiêu dùng, các cơ sở cũng đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động trong việc thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm.
Theo thống kê của UBND xã Kiêu Kỵ, mỗi năm trung bình làng nghề sử dụng trên 400.000m2 nguyên liệu da và vải, sản xuất ra khoảng 3 triệu sản phẩm cặp, ba lô, túi xách, ô dù,… Vì vậy, thu nhập của người lao động đạt từ 5-7 triệu đồng/người/ tháng, tổng thu nhập từ nghề may da của cả làng đạt khoảng 30-40 tỷ đồng/ năm.
Hiện ở Kiêu Kỵ cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp có quy mô lớn, chuyên sản xuất các mặt hàng túi, giày da phục vụ các đơn hàng của một số thương hiệu lớn như Honda, Thế giới di động, FPT… Trong đó, công ty LADODA với các sản phẩm cặp túi da được người tiêu dùng bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và đoạt được nhiều giải thưởng tại các hội chợ triển lãm trong nước.
Sản phẩm đồ da của Kiêu Kỵ không ngừng cải tiến các mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Sản phẩm đồ da đa dạng tại một cơ sở sản xuất ở Kiêu Kỵ.
Đóng gói sản phẩm da Kiêu Kỵ mang đi tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm may da Kiêu Kỵ, UBND xã đã hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề tham gia các triển lãm trong nước. Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp cho các chủ cơ sở sản xuất. Từ đó, tiến đến việc không chỉ khẳng định thương hiệu sản phẩm da của Kiêu Kỵ với người tiêu dùng trong nước, mà còn xuất khẩu mặt hàng này ra thị trường nước ngoài.
Theo Báo ảnh Việt Nam