Phở Việt Nam được bán tại Hàn Quốc
Nét Việt giữa Seoul Tôi đã không tin vào mắt mình khi ngắm hệ thống “Nhà hàng Nosang Việt Nam” mang phong cách ẩm thực đường phố Hà Nội ngay giữa thủ đô Seoul. Một không gian ngào ngạt hương vị Việt với thực đơn là phở, cơm tấm, nem rán, cơm rang thập cẩm, bánh mì nướng… Và kia nữa, những chai bia Hà Nội, Sài Gòn vàng sánh như mật mát lạnh; những chai rượu Nếp Mới thơm ngào ngạt.
Mọi vật dụng của nhà hàng đều được Lee Sang Min tự tay chọn lựa ở Việt Nam, từ những bộ bàn ghế nhựa Song Long, ô che nắng, nón lá (làm vật trang trí) đến chiếc cốc vại thủy tinh (chuyên dùng để uống bia xuất hiện từ thời bao cấp). Chúng được anh Lee lượm lặt ở chợ Bến Thành (TPHCM), sau đó vận chuyển ra cảng biển để vượt khơi tới Hàn Quốc.
Thị trường ẩm thực ở Hàn Quốc được công nhận là một nền văn hóa chứ không đơn thuần là nơi tiêu thụ thực phẩm.
Người Hàn Quốc đi khắp năm châu để giao lưu ẩm thực từ rất sớm. Nhưng riêng với Việt Nam, ẩm thực vẫn là một thứ gì đó mang màu sắc huyền bí và rất cần được khai phá. Lee Sang Min là một trong số ít người làm được điều đó.
“Thuần hóa” các món ăn
“Nosang” theo tiếng Hàn nghĩa là “đường phố”. Đây là không gian hớp hồn Lee Sang Min mỗi lần công tác tại các thành phố lớn của Việt Nam.
“Ở đó, tôi có thể trút bỏ áo sơ mi, quần âu, caravat của một doanh nhân, mặc quần jeans, áo phông, đi giày đinh. Tôi thấy mình “bụi” như một hạt bụi, chẳng ai để tâm đến, có thể thỏa thê cười nói, vô tư thưởng thức món ăn một cách bình dị, với chi phí thấp”, anh Lee chia sẻ.
Lee Sang Min sinh năm 1978 ở thủ đô Seoul. Anh từng làm giám đốc thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu phụ tùng máy in tại thị trường châu Á. Riêng với Việt Nam, mỗi năm Lee sang thăm vài lần. Anh ví mình là “con nghiện” ẩm thực đường phố và thích du lịch ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu vị giác.
Suốt thời gian dài, anh lang thang khắp các tuyến phố để học cách chế biến món ăn của các bà bán hàng rong; các tiệm ăn nhỏ nhưng lúc nào cũng kín đặc khách.
Lee bảo: “Quốc hồn ẩm thực nằm ở đó. Bởi, lợi nhuận của người bán hàng sinh ra từ chất lượng của món ăn. Thương hiệu nổi tiếng nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Nó không bị chi phối bởi các chiêu trò truyền thông, quảng cáo phóng đại sự thật”.
Trong kinh doanh, việc bê nguyên mẫu món ăn của nước này để bán ở nước khác không bao giờ là điều khôn ngoan. Để người Hàn chấp nhận ẩm thực Việt, Lee Sang Min đã “thuần hóa” các món ăn bằng cách thay đổi gia vị truyền thống.
Anh đã biến bát phở bò là đặc sản của Hà Nội thành phở cay Việt Nam rất đặc biệt. Nó tạo thành “cơn sốt” đối với giới trẻ Hàn Quốc hiện nay.
Dù mới hoạt động được hơn 1 năm nhưng nơi “khởi thủy” chuỗi Nhà hàng Nosang Việt Nam đầu tiên là ở Ga Yang (Seoul) do Lee Sang Min gây dựng đã cho doanh thu ổn định khoảng 4.000 USD/ngày (tương đương khoảng 90 triệu đồng).
Một tô phở thường được niêm yết 4.900 won (98.000 đồng); phở cay Việt Nam 7.900 won; cơm rang thập cẩm 6.900 won/đĩa; nem 3.900 won/đĩa (3 cái)…
Ngoài hương vị đặc trưng, bia Hà Nội và rượu Nếp Mới của Việt Nam cũng khiến giới trẻ Hàn Quốc “say như điếu đổ”. Bia Hàn Quốc có nồng độ cồn rất nhẹ và bị pha nhiều nước, uống nhạt và khó để say. Còn bia Hà Nội vị đậm, thơm mùi lúa mạch nên cảm giác uống vào rất sảng khoái. Rượu cũng vậy.
Hệ thống “Nhà hàng Nosang Việt Nam” tại Hàn Quốc là một trong những thương hiệu phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây. Đã có 17 nhà hàng được hình thành trong chuỗi này theo hình thức “nhượng quyền thương hiệu”. Ngoài ra, 3 nhà hàng khác cũng đang chuẩn bị khai trương.
Lee Sang Min cho biết: “Mỗi năm, chuỗi nhà hàng của chúng tôi bán khoảng 1,2 triệu tô phở; hơn 25.000 chai bia của Việt Nam. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, cùng với việc mở rộng không gian phục vụ”. |
Theo Phunuvietnam.vn