Tự tin với hướng đi riêng
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP.HCM, chuyên ngành tài chính, Nguyễn Ngọc Hương (sinh năm 1991) làm việc ở một số doanh nghiệp. Đến năm 2015, trong một dịp tình cờ, Hương được một người bạn chia sẻ thông tin thú vị về công nghệ chế biến nông sản tươi thành khô để sử dụng lâu dài và dễ dàng vận chuyển đi xa.
Hương nhận thấy, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người bị thiếu rau xanh trong khẩu phần ăn hằng ngày do bận rộn, không có thời gian chế biến hoặc không biết mua rau sạch ở đâu. Việc sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất phụ gia hóa học đã dẫn đến nhiều bệnh tật... Hàng ngày, Hương và các đồng nghiệp thường đặt mua nước rau má để uống, cách chế biến là dùng cây tươi để xay lấy nước, vứt bỏ xác rau.
Từ đây, Hương có ý tưởng tạo ra sản phẩm bột rau má dùng thay cho nước rau má ép tươi, có thể kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo an toàn và giúp người tiêu dùng bổ sung rau xanh. Rau má không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, mà còn có nhiều dược tính. Xu hướng của người tiêu dùng trên toàn thế giới cũng đang rất chuộng sử dụng sản phẩm thuần tự nhiên, đặc biệt là sản phẩm có nguồn gốc từ cây rau tại châu Á thay cho các loại củ quả. Điều này càng thôi thúc Hương khởi nghiệp.
Luôn nỗ lực để tạo giá trị
Tại sao Hương không lập nghiệp ở quê nhà Quảng Ngãi, mà lại chọn TP.HCM?
Tôi nghĩ rằng, dù ở đâu thì cũng cần luôn nỗ lực để tạo giá trị, góp phần xây dựng sự phồn thịnh cho nơi mình sống...
Sở thích của Hương sau mỗi ngày làm việc?
Tôi thích nấu ăn và trồng cây. Tôi sống ở vùng ven TP.HCM, nên có nhiều không gian để thực hiện sở thích của mình. Thông qua những công việc đơn giản đó, tôi có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo hơn trong công việc.
Công việc bận rộn, Hương dành thời gian cho gia đình thế nào?
Gia đình là nơi giúp mình cân bằng lại, sau những áp lực từ công việc. Vì vậy, Hương có những quy tắc và quỹ thời gian riêng dành cho gia đình mà không ai xâm phạm được.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Hương có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp?
Muốn khởi nghiệp, các bạn trẻ phải chuẩn bị tốt về tư duy. Trong công việc, phải nhạy bén, nắm bắt thông tin nhanh, kiên trì và linh hoạt với tất cả các tình huống xảy ra vì khởi nghiệp là hành trình rất khó khăn. Đồng thời, phải luôn học hỏi những gương đi trước để có động lực phấn đấu…
|
Được người thân, bạn bè và nhất là những người đi trước ủng hộ, động viên, năm 2016, Hương mạnh dạn kết hợp cùng người bạn đã chia sẻ ý tưởng về công nghệ chế biến nông sản tươi thành khô thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Quảng Thanh để triển khai ý tưởng. Thời gian đầu, nhóm của Hương gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có công nghệ chế biến nào có sẵn phù hợp với cây rau má, nếu có thì cũng không thể áp dụng để cho ra bột rau chất lượng. Đội ngũ phải tự mày mò, học hỏi…, sau đó sáng tạo thêm để ứng dụng cho cây rau má của Việt Nam.
Hương cho biết, sau khi thu hoạch rau, trong vòng 6 giờ, lá tươi cần được chọn nhặt kỹ, rửa sạch và chuyển sang quy trình sấy lạnh bằng máy trong 24 - 36 giờ dưới nền nhiệt thấp (khoảng 15 - 20 độ C). Quy trình sấy lạnh cũng được Hương và cộng sự tìm tòi, học hỏi từ những công nghệ sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới, từ cách làm trà của người Nhật, đến công nghệ sấy của châu Âu... để đưa ra quy trình công nghệ riêng bằng phương pháp sấy lạnh và nghiền nhiệt thấp… Quy trình này giúp bột rau sấy giữ được trọn vẹn hương vị gốc và hàm lượng dinh dưỡng như rau tươi.
“Tốn thời gian nhất và cũng khó nhất về kỹ thuật là khâu sấy, nghiền để ra được sản phẩm tươi ngon như rau tươi. Nếu sấy chưa tới, thì rau chưa đạt chuẩn về độ ẩm để chuyển qua khâu nghiền và sẽ có rủi ro trong quá trình sử dụng, lưu thông vì rau dễ bị ẩm mốc, không kiểm soát được yếu tố vi sinh, gây hại cho người tiêu dùng. Còn nếu sấy quá thời gian hay áp suất, thì rau sẽ không đạt chất lượng, phải đổ bỏ”, Hương giải thích.
Nhớ về giai đoạn khởi nghiệp, Hương kể, lúc đó, có nhiều người nói rằng, trang trại rau ở ngoài có sẵn, sao không lấy về chế biến cho rẻ, tự trồng vừa mất công, lại tốn kém. Cũng có không ít ý kiến nghi ngại, sản phẩm làm ra sẽ… không có người mua.
Thế nhưng, Hương vẫn quyết tâm và tự tin với hướng đi của mình. Rau má có nhiều công dụng quý, nhưng nếu mua từ chợ về thì sẽ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn, trong khi tiêu chí sản phẩm phải sạch, tươi…, nên chị chủ động đầu tư nguồn cung để tạo ra sản phẩm sạch, trồng theo hướng sinh học, giảm tối đa tác động hóa học khi canh tác, có thể sử dụng thay thế hoàn toàn rau tươi… Đây là lợi thế khác biệt của sản phẩm.
“Tôi đã cùng các kỹ sư nông nghiệp tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM lai tạo và nghiên cứu cho ra giống cây rau má mới đảm bảo chất lượng và số lượng… Hơn nữa, khi tự trồng, mình sẽ hiểu hơn về đặc tính sinh học của cây, qua đó có thể biết cây rau thế nào là đạt chất lượng, vùng trồng thế nào là đạt tiêu chuẩn… và đưa ra được cách chế biến sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất”, Hương nói.
Những ngày đầu trồng rau má cũng là hành trình gian nan. Năm đầu, do gieo không đúng thời điểm, mưa nhiều, rau không lên được, buộc phải cắt bỏ, thiệt hại khoảng hơn 100 triệu đồng. Sau sự cố đầu tiên và nhiều va vấp sau đó, Hương càng làm càng tích lũy được kinh nghiệm. Cô lựa chọn kết hợp với các kỹ sư nông nghiệp để có được những giải pháp gieo trồng hiệu quả, khắc phục sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học hiệu quả nhất, an toàn nhất.
“Từ sản phẩm chủ lực ban đầu là cây rau má, Quảng Thanh đã phát triển thêm một số sản phẩm, như các loạt bột rau diếp cá, tía tô, chùm ngây, lá sen, trà xanh, cần tây…”, Hương tự hào nói.
Đích đến ở phía trước
Vượt qua bao khó khăn, CEO 9x Nguyễn Ngọc Hương đã bắt đầu thu về “quả ngọt”. Năm 2019, Hương được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương và trao tặng danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM và đoạt giải Nhất tại cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn.
Cuối năm 2019, Hương nhận thêm một tin vui nữa là có đơn hàng đầu tiên xuất khẩu gần 20.000 sản phẩm bột rau sấy lạnh sang Hà Lan, nhờ sự giới thiệu của một người bạn làm trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Đến thời điểm hiện tại, đơn hàng với đối tác đến từ Hà Lan vẫn được duy trì. Đặc biệt, sản phẩm của Quảng Thanh đã được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, được đối tác phân phối tới nhiều thị trường ở châu Âu, bán mạnh nhất ở Anh, Đức và Hà Lan.
“Nếu đã có tư duy toàn cầu cho nông sản, thì ở đâu cũng có cơ hội bán hàng. Ban đầu, chúng tôi chỉ xác định làm sao để có được sản phẩm nông sản chất lượng tốt, tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ người tiêu dùng trong nước. Nhưng khi mình có sản phẩm tốt, thì chính khách hàng tiêu dùng trong nước lại là người giới thiệu cho mình cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Vì vậy, dù trong nước hay quốc tế, cứ đưa sản phẩm tốt nhất để phục vụ người tiêu dùng, thì cơ hội bán hàng không có giới hạn”, Hương đúc kết.
Hiện nay, Quảng Thanh đã có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, như bột rau má, diếp cá, tía tô, chùm ngây, lá sen. Riêng sản phẩm rau má uống liền Orama có đường đang được đề cử là sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao). “TP.HCM chỉ có duy nhất một sản phẩm được đề cử OCOP 5 sao và đó chính là sản phẩm của Quảng Thanh ”, Hương tự hào.
Kế hoạch trong thời gian tới, Quảng Thanh sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, phấn đấu để sản phẩm đạt thêm chứng nhận quốc tế, từ đó có thể mở rộng phân phối, xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính. Cùng với đó, Công ty sẽ phát triển mạnh kênh bán hàng online cũng như các cửa hàng thực phẩm chọn lọc, sớm đưa sản phẩm lên kệ hàng tại các hệ thống siêu thị trên toàn quốc. CEO Ngọc Hương cũng quyết tâm mở rộng thị trường xuất khẩu tại Nhật Bản, Mỹ, Australia…
Chia sẻ về triết lý kinh doanh của mình, Hương nói, làm kinh doanh là phải giữ vững uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt, đặc biệt là phải biết nghĩ cho khách hàng. Đôi khi, phải đánh đổi lợi nhuận, nhận phần thiệt thòi về mình, nhất là trong giai đoạn đầu, để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.
“Đã có những lúc tôi nản chí khi gặp khó khăn, thậm chí từng nghĩ sẽ dẹp bỏ hết để đi làm thuê cho nhẹ người. Làm thuê thì chẳng phải lo cho ai, chỉ lo cho cá nhân mình thôi. Còn lập doanh nghiệp ra, thì phải lo cho nhiều người, như công nhân, nông dân, khách hàng và những người đã luôn đồng hành cùng mình…, lo cho bản thân và gia đình của mình nữa. Nhưng khi nhìn lại hành trình đã qua, tôi lại thấy rằng, không thể dễ dàng bỏ cuộc. Chúng tôi đã nỗ lực, đã có thị trường, đã được khách hàng chấp nhận. Đích đến ở phía trước, nên phải có niềm tin để bước tiếp”, Hương tâm sự.
Theo baodautu