Duyên nợ nghề bếp

Một đầu bếp giỏi phải hội đủ kiến thức, kỹ năng của “bốn nhà”: nhà dinh dưỡng, nghệ sĩ, nhà kinh tế và nhà ngoại giao, đồng thời phải tạo được sức hút như đứng trên sân khấu. Muốn vậy, người đầu bếp phải trau dồi, rèn luyện không ngừng nghỉ, phải có sự biểu cảm trên gương mặt… Bà Tịnh Hải đã học hỏi, thực hành và dạy lại các thế hệ học trò của mình như vậy.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nấu ăn, từ nhỏ Phan Tôn Tịnh Hải đã theo mẹ là nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà (hậu duệ Tôn Thất triều Nguyễn, chủ nhà hàng Tịnh Gia Viên nổi tiếng ở Huế) tập tành bếp núc. Trong ký ức của bà, kỷ niệm đầu đời liên quan đến nghề bếp là hồi bà học lớp 9, nhân ngày giỗ Hai Bà Trưng trường tổ chức cuộc thi nữ công gia chánh, cô nữ sinh Tịnh Hải làm món “Voi phủ phục đồng cỏ” và được giải nhất. Tốt nghiệp phổ thông, chị học song song 2 trường Đại học Khoa học Huế và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (liên kết dạy ở Huế). Tốt nghiệp, cô gái trẻ Phan Tôn Tịnh Hải về dạy ở trường Trung cấp du lịch Thừa Thiên - Huế (do Bộ Văn hóa Thông tin thời đó mở dưới sự tài trợ của Luxembourg).

“Duyên nợ với nghề bếp chính thức khởi nguồn từ đây. Tôi được phân công dạy thực hành nấu ăn. Ông Tony, một chuyên gia ẩm thực đến từ Luxembourg thấy tôi có tiềm năng với nghề bếp nên nhận làm học trò, gửi đi tham dự các khóa huấn luyện và thực tập tại khách sạn Melia ở Hà Nội. Tôi quyết tâm: đã học phải học cho giỏi, đã làm phải làm cho tới, nên trong thời gian thực tập, tôi xin làm hai ca để học hỏi được nhiều hơn. Chính môi trường vừa học vừa làm này đã khơi nguồn đam mê, giúp tôi nhận ra nghề bếp là lựa chọn hoàn hảo nhất phù hợp với năng khiếu, nguyện vọng của mình”, bà Tịnh Hải chia sẻ.

Công việc đang tiến triển tốt, năm 2004, Tịnh Hải khăn gói vào Sài Gòn để thử sức trong môi trường mới. Hành trang mang theo chỉ là lời mời của một trường tại TP.HCM và 2 triệu đồng “dằn túi”. Vào đến nơi, nhà trường lại cho biết họ chỉ ưu tiên tuyển giảng viên nam. Bơ vơ nơi đất khách, tiền mang theo chỉ đủ để thuê nhà trọ và mua chiếc xe đạp cà tàng, ba tháng liền Tịnh Hải ăn mì gói thay cơm. Đọc báo thấy thông tin tuyển dụng, cô gái trẻ nộp đơn thi làm giảng viên trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP.HCM, trường Du lịch và Ngoại ngữ Khôi Việt và trúng tuyển cả hai. Vì lời hứa với thầy Hà Kim Vọng, Hiệu trưởng trường Khôi Việt, Tịnh Hải đầu quân về đây và bắt tay vào thiết kế phòng bếp theo đúng tiêu chuẩn, tự tay đi mua từng cái chén, chảo, dụng cụ làm bếp, soạn giáo án... Trường chiêu sinh khoa bếp khóa đầu tiên và nhanh chóng xây dựng được thương hiệu. Năm Tịnh Hải 28 tuổi, tại TP.HCM, dân trong ngành đều biết đến trường Khôi Việt với khoa bếp của cô Tịnh Hải. Năm 2009, Tịnh Hải tốt nghiệp thạc sĩ về ẩm thực, dinh dưỡng trường Pennsylvania ở New York. Trở về nước, chị mở trường dạy nghề bếp mang tên Mint Culinary School – ngôi trường đầu tiên của cả nước chỉ đào tạo chuyên về nghề bếp theo mô hình quốc tế.

Dấn thân: nặng nhọc nhưng hạnh phúc

Công việc hiện tại của bà là điều hành hoạt động của trường, đứng lớp, biểu diễn ẩm thực trong và ngoài nước theo lời mời và là Đại sứ Thương hiệu Knorr tại Việt Nam từ 2013. Gần đây nhất, bà đảm nhận vai trò Giám đốc chất lượng Công ty TNHH Ba Huân, phụ trách chất lượng của các mặt hàng thực phẩm chế biến, đóng gói liên quan đến trứng và thịt gà của công ty.

“Tôi luôn nhắc học trò rằng, nếu chỉ biết nghề bếp, bạn có thể trở thành chuyên gia ẩm thực, nhưng nếu có thêm kiến thức về công nghệ thực phẩm thì giá trị của bạn sẽ tăng lên, sản phẩm của bạn làm ra cũng tuyệt vời hơn nhiều”, bà chia sẻ.

Ở người đầu bếp tài hoa này, niềm đam mê công việc luôn luôn cháy bỏng. Với bà, một ngày thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến tối, dành hết cho công việc và chỉ dành chút thời gian cuối cùng trong ngày để tập thể dục. Vậy mà bà vẫn cho rằng mình “đói” thời gian.

“Tôi lên kế hoạch làm việc cụ thể cho từng tháng, từng quý, sắp xếp thời gian trống để đi học. Có rất nhiều thứ cần học và phải học. Gần đây nhất tôi trở về Huế thêm về học các món Huế, mặc dù tôi đã theo mẹ học từ nhỏ. Khẩu vị, công thức nấu ăn bây giờ đã khác trước. Tôi chưa bao giờ cho phép mình hài lòng, tự mãn mà luôn, nhắc nhở mình phải làm tốt hơn từng ngày”, bà nói.

Sau năm năm đi vào hoạt động, trường dạy nấu ăn Mint vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu. Theo Phan Tôn Tịnh Hải, thành quả lớn nhất của trường trong thời gian qua là những thành công của học viên. Trường đã đào tạo được nhiều đầu bếp nổi tiếng, đảm nhận những vị trí cao ở nhà hàng Kobe, khách sạn Park Hyatt Sài Gòn, Sheraton Sài Gòn, InterContinental Sài Gòn…

Mang hồn Việt ra thế giới

Ngoài tác phẩm đạt kỷ lục châu Á, Phan Tôn Tịnh Hải đã nhiều lần biểu diễn ẩm thực ở Thái Lan, Hồng Kong, Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản… Đặc biệt, ở Mỹ, bà đã biểu diễn tại nhiều trường đại học cho hàng nghìn sinh viên chiêm ngưỡng các món ăn quốc hồn, quốc túy của Việt Nam.

“Một đầu bếp giỏi phải hội đủ kiến thức, kỹ năng của “bốn nhà”: nhà dinh dưỡng, nhà nghệ sĩ, nhà kinh tế và nhà ngoại giao”.

Đông Nghi/ Theo Diễn đàn doanh nghiệp