Nhóm sinh viên nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn - T.H

Cải tiến phấn nụ cung đình

4 cô gái xinh đẹp Nguyễn Thị Mỹ Hà, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Thắm và Hồ Thị Hoài Nhi đang học ngành công nghệ kỹ thuật hoá học Trường CĐ Công nghiệp Huế, vừa chế tạo thành công 2 sản phẩm làm đẹp là phấn nụ và son môi, và vượt qua 23 đề tài để giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo hoa học kỹ thuật của trường. Dự án này cũng sẽ được cử tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của Bộ LĐ-TB-XH được tổ chức trong thời gian tới.

Những cô gái thích thú dùng son, phấn do chính mình tạo ra - T.H

Chia sẻ về sản phẩm do nhóm nghiên cứu và chế tạo, Mỹ Hà, trưởng nhóm, cho hay: "Là con gái, tụi em rất thích làm đẹp. Tuy nhiên, kiến thức của ngành học cho tụi em thấy hiện mỹ phẩm trên thị trường sử dụng chất hóa học để tạo màu, dùng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, nhóm em đã cùng đưa ra ý tưởng về việc nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm son, phấn thật khác biệt, dùng 100% nguyên liệu từ thiên nhiên để  an toàn, phù hợp với mọi lứa tuổi. Đặc biệt là lứa tuổi thích làm đẹp một cách tự nhiên như học sinh, sinh viên tụi em".

Vậy vì sao lại là phấn nụ, và nó có gì khác với phấn nụ được làm theo công thức cung đình Huế lâu nay? Hà lý giải: "Phấn nụ vốn là một sản phẩm làm đẹp nổi tiếng và lâu đời của Huế, được pha chế và sử dụng trong cung đình triều Nguyễn, lâu nay nhiều người dân Huế vẫn sản xuất theo công thức dân gian lưu truyền. Tuy nhiên, nó chưa thể cạnh tranh được với mỹ phẩm hiện đại, dù phấn rất tốt. Lý do là vì sản phẩm được làm theo bí kíp dân gian chứ chưa có nghiên cứu mang tính khoa học nên chưa tạo được niềm tin đối với khách hàng. Chưa kể mẫu mã, màu sắc còn nhiều hạn chế. Vì thế, nhóm muốn nghiên cứu để nâng cấp sản phẩm, chuẩn hoá theo một quy trình mang tính khoa học. Ngoài sử dụng thành phần chính là cao lanh, một chất liệu lành tính cho da, ít gây kích ứng, có khả năng thấm hút, thải độc và vi khuẩn..., nhóm còn đưa vào các dược liệu khác có tác dụng dưỡng da mà công thức dân gian lưu truyền không có".

Sản phẩm làm đẹp 100% từ thiên nhiên - T.H

Nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên ở Huế

Với son, nhóm nghiên cứu các loại dầu như dầu dừa, dầu gấc, dầu quả bơ, dầu jojoba để đưa vào làm nền. Đây là các loại dầu tốt cho da, chống nứt nẻ, kháng khuẩn, giúp phục hồi làn da. Các loại sáp được bổ sung như sáp ong, sáp candelilla giúp tạo một lớp màng phủ bảo vệ và tạo độ bóng khi bôi lên môi. Nhóm sử dụng chất tạo màu hồng tự nhiên từ chiết suất hoa bụp giấm (Atiso đỏ) chứ không dùng hoá chất tạo màu.

"Tất cả những nguyên liệu này đều có sẵn trong thiên nhiên ở Huế. Tuy nhiên để tạo ra một sản phẩm làm đẹp theo tỉ lệ chuẩn từ tất cả các nguyên liệu đó thì chưa có ai làm, nên nhóm cũng gặp khó khăn. Nhóm phải thí nghiệm nhiều lần, phối trộn để có sự đồng nhất các thành phần, có khi từ sáng đến tối mới ra một màu sắc son chuẩn. Phấn nụ cũng vậy, rất kỳ công. Và vì làm thủ công nên nhóm mất khá nhiều thời gian", Thu Hà chia sẻ.

Phù hợp với bạn trẻ thích vẻ đẹp tự nhiên

Sau hơn một năm cùng nhau nghiên cứu và chế tạo, đến nay các cô gái đã không còn phải mua son phấn ở các shop mỹ phẩm nữa mà có thể sử dụng sản phẩm do chính mình làm ra. "Nó rất mềm, mịn và cảm giác vô cùng an tâm vì không có hoá chất", Hà hào hứng nói.

Được biết, 2 sản phẩm này đã được Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng.

Là người trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên nghiên cứu, giảng viên Nguyễn Thị Hồng Yến, nhìn nhận: "Tôi đánh giá cao sản phẩm son dưỡng môi. Các bạn đã biết cách chiết tách chất màu anthocyanin là họ màu rất phổ biến được tìm thấy trong một số loại rau, hoa, quả, hạt có màu từ đỏ - đen - tím như nho, dâu, lá tía tô, hoa bụp giấm. Trong số đó hoa bụp giấm hay còn gọi là Atiso đỏ là nguyên liệu có hàm lượng anthocyanin khá cao. Anthocyanin vừa một phần là chất tạo màu cho son, vừa là chất chống oxi hóa, bảo vệ môi. Đó là sự khác biệt của sản phẩm này so với son trên thị trường. Phấn nụ mà các em làm cũng rất khác biệt, có cả chất màu chiết suất từ củ, quả thiên nhiên nên rất mịn, hút ẩm tốt, và tự nhiên".

Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Yến cho rằng son và phấn này hoàn toàn từ thành phần tự nhiên, không chứa các hóa chất độc hạị, giá thành lại chỉ 30.000 đồng/sản phẩm nên rất phù hợp với bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đồng thời thích hợp với xu hướng yêu chuộng vẻ đẹp tự nhiên, nhẹ nhàng của thị trường hiện nay.

"Hiện tại, trong quy trình trích ly chất màu, với quy trình các bước khá kỳ công, một số bước làm thủ công nên mất nhiều thời gian. Nếu các em được đầu tư hơn về thiết bị như máy sấy phun để tạo bột màu siêu mịn thì quy trình có thể triển khai trên quy mô công nghiệp", theo cô Hồng Yến.

Tiến sĩ Đào Anh Quang, Trường khoa Công nghệ Hoá - Môi trường, chia sẻ thêm: "Khoa và trường rất ủng hộ và khuyến khích các em vì tính khả thi của ý tưởng. Khoa cũng đã tạo điều kiện tốt nhất để các em có thể nghiên cứu, chế tạo. Chúng tôi mong muốn các em có thể phát triển sản phẩm làm đẹp như son môi, phấn nụ truyền thống của Huế lên một tầm cao hơn, đáp ứng được nhu cầu và sự cạnh tranh khắt khe của thị trường".

Theo thanhnien