leftcenterrightdel
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội. Ảnh: Thanh Giang 

Thay đổi để thành công

Trong ngôi nhà cổ, nơi từng chứng kiến những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian nan, bà Hà Thị Vinh trải lòng: "Tôi cũng không biết mình đã lấy nguồn sức mạnh ở đâu để vượt qua được những điều tưởng chừng như trong mơ ấy". 

Năm 1986, bà Vinh khi đó là cán bộ của phòng kinh doanh xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Đồng lương "ba cọc ba đồng" khiến bà chật vật khi vừa phải chăm người chồng không may bị tai nạn dẫn đến tàn tật và nuôi 3 con nhỏ. Hoàn cảnh buộc bà phải từ bỏ biên chế nhà nước, quyết thành lập xí nghiệp tư nhân. 

Ngày ấy, người phụ nữ sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo ven đô, người chưa hề biết gì đến hai chữ "ngoại ngữ" nhưng sau một thời gian loay hoay và bế tắc trong kinh doanh ở thị trường miền Bắc, đã khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh để tìm lời giải. Tiếp đó, bà sang Hàn Quốc, Mỹ… để tìm hướng đi cho sản phẩm của mình.

Ngày ấy, khi vào TPHCM, bà Vinh nhận được một hợp đồng trị giá 30.000 USD từ một doanh nhân người nước ngoài đặt hàng gốm sứ phục vụ cho World Cup Italy năm 1990 với những sản phẩm như: gạt tàn thuốc lá, giày bóng đá… 

Thế nhưng, vị khách ấy không đặt đơn hàng thứ hai vì biết xí nghiệp của bà vẫn sử dụng lò nung bằng than gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ lạc hậu, sử dụng lò nung ô nhiễm môi trường... những điều đó bà Vinh đã rút ra được sau khi đi tham quan các nước đang bán sản phẩm gốm sứ. 

"Phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải đưa kỹ thuật mới vào để tạo ra những sản phẩm độc đáo thì mới mong chinh phục được thị trường xuất khẩu", bà Vinh tự nhủ.

Giải pháp đầu tiên được bà đưa ra là thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ than củi sang khí gas hóa lỏng. Công ty của bà mạnh dạn nhập 1 lò nung bằng gas công nghệ cao từ nước ngoài về. Từ việc làm tiên phong này, hàng trăm lò nung gas khác được sử dụng tại làng gốm Bát Tràng.

Tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn

Ngày ấy, công nhân tuyển vào công ty của bà Vinh thì có đến 90% là phụ nữ nông thôn. Có nhiều khó khăn đặt ra với đội ngũ này như việc định hình tác phong công nghiệp, kỹ năng làm nghề vì theo kinh nghiệm trong nghề, có những công đoạn nữ giới không thể thay nam giới làm như: Đổ rót, trồng lò, tiện sửa… phải tay cứng mới thực hiện được. 

"Để đào tạo cán bộ, nhân viên, ngày nào tôi cũng phải bám sát họ. Công nhân đi làm, giám đốc cũng làm cho đến khi họ rời nhà máy. Ngày đi làm, tối về nhà, tôi lại ngồi viết quy chế làm việc của nhà máy đến 1-2 giờ sáng. Dựa trên quy chế đó, công ty bắt đầu đào tạo cho đội ngũ quản lý học trước, sau đó đến công nhân", bà Vinh nhớ lại.

Nhờ có sự kiên trì, những người thợ xuất phát điểm là người làm ruộng dần thuần thục những công đoạn như nặn, vuốt, vẽ… Từ một tổ hợp có 6 lao động chính, đến nay, công ty của bà Vinh có hơn 400 lao động, trong đó, hơn 86% là lao động nữ.

Với các con của mình, nữ doanh nhân này luôn nhắc nhở, sinh ra trong làng nghề là đã có duyên, phải tâm huyết với nghề. Nhờ vậy, những người con của bà sau khi tu nghiệp ở nước ngoài đều trở về nước cùng mẹ phát triển công ty.

Mai Vàng