Đến thăm xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến sự sáng tạo của những người nghệ nhân, những người phụ nữ làng nghề nơi đây. Từ những vật liệu dân dã, mộc mạc của làng quê như cói, bèo tây (lục bình), mây, tre… qua bàn tay của các bà, các chị đã trở thành những món đồ dùng có tính ứng dụng cao, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được người tiêu dùng yêu thích.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, những mặt hàng mỹ nghệ từ cây bèo, cây cói của vùng bãi ngang ven biển do người dân Kim Sơn làm ra đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản… vì có tính thẩm mỹ và độ bền cao và thân thiện với môi trường.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Ngọc Sơn Craft, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) cho biết: Bèo tây mọc tự nhiên phù hợp với vùng đất ven biển Kim Sơn nên phát triển nhanh và rất tốt. Thân cây rất dài từ 50 -70 cm khi được vớt về cắt bỏ rễ, lá phơi khô thành nguyên liệu để đan giỏ, bình hoa, hộp, khay, túi xách, dép... Những sản phẩm này được dùng trong gia đình, chợ hay các siêu thị,... để đựng đồ sinh hoạt, lương thực thực phẩm. Khi bị hư hỏng, sản phẩm thải ra môi trường không mất nhiều công sức để phân hủy vì nó nhanh chóng biến thành hữu cơ.

Những người phụ nữ ở đây không ai biết mình đã biết đan từ khi nào, họ chỉ biết mình biết đan từ khi còn chưa cả biết chữ.

Từ một nghề phụ mỗi lúc nông nhàn, giờ đây nghề đan bèo, đan cói đã trở thành nghề cho thu nhập chính của bà con.

Nhờ nghề truyền thống, họ có tiền để nuôi con, để mua sắm, trang trải cho gia đình và bản thân.

Kế thừa từ đời bà ngoại, rồi bố mẹ, bà Vũ Thị Mỹ (xóm 4, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn) là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghề đan truyền thống và được tỉnh công nhận là Nghệ nhân. Bà chia sẻ: "Những người phụ nữ như chúng tôi, từ 50 tuổi trở không xin việc được tại các công ty như giới trẻ nữa. Chúng tôi lại quay về với nghề đan bèo, đan cói. Năm nay ở tuổi 64, tôi vẫn yêu nghề lắm. Thay vì ngồi chơi, mình có công việc, có thu nhập, vừa vui, vừa hỗ trợ được gia đình".

Để làm ra một sản phẩm hoàn thiện, phải trải qua hàng chục công đoạn khác nhau. Một sản phẩm đẹp phải đảm bảo các tiêu chí cơ bản như căng, đều, hài hòa màu sắc.

Các nguyên liệu được sử dụng để tạo nên các sản phẩm đều là những nguyên liệu thân thiện với môi trường như: cói, bèo lục bình (bèo tây), mây, tre, rơm… và được xử lý để bền chắc, đảm bảo chất lượng.

Sản phẩm do người thợ làm rất đa dạng, như: thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon…

Để biết đan thì chỉ cần vài tháng, nhưng để đan đẹp thì phải mất khoảng vài năm, nghệ nhân Vũ Thị Mỹ cho biết.

Những người phụ nữ làm việc tại xưởng hầu hết đều ở độ tuổi trung niên, cao tuổi, nhưng có thể nhận ra sự nghiêm túc, tỉ mỉ của họ trong từng công đoạn.

Bà Na (bìa trái) năm nay đã 73 tuổi, trước ở nhà làm công nhân vệ sinh, sau khi có tuổi, bà quay về làm công việc nhặt mốc tại xưởng. Bà cho biết, chăm chỉ, chịu khó làm lụng, mỗi tháng bà được trả công vài triệu đủ để mua thuốc cho chồng, chi tiêu gia đình, đi hội hè, đình đám không phải xin tiền của con. Đó là niềm vui lúc tuổi già của những người phụ nữ thôn quê như bà.

Với họ ngày nào không đến xưởng, không đi làm thì buồn lắm. Công việc mang đến cho các bà, các chị niềm vui, giao lưu, chia sẻ và thu nhập khi đã bước vào độ xế chiều.

Trò chuyện với những người phụ nữ chăm chỉ này mới thấy, không gì có thể làm khó được họ. Dù là những mẫu mã mới, chỉ cần đưa ảnh mẫu, là họ có thể mày mò, làm được theo. Người khéo thì hướng dẫn lại cho những người khác, đáp ứng các tiêu chuẩn của đơn vị đặt hàng.

Còn những người thuộc thế hệ trẻ như chị Thanh Hương, sẽ đi tìm thị trường, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Những sản phẩm từ làng quê được giới thiệu đến khách hàng thủ đô

Nghề đan lát thủ công mỹ nghệ bèo tây đã giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân, không chỉ tăng thêm thu nhập, giúp bà con Kim Sơn giảm nghèo bền vững mà đời sống ngày càng khấm khá hơn.

Dù nghề truyền thống hiện đang thu hút chủ yếu là lao động nữ cao tuổi tại địa phương, nhưng những người nghệ nhân như bà Vũ Thị Mỹ vẫn luôn lạc quan, bởi bà tin tưởng vào sức sống của nghề quê hương. Bà tâm sự: "Thế hệ trẻ, trong đó có con cháu chúng tôi ngày nay thích đi làm việc ở công ty hơn. Nhưng tôi tin rằng, khi đã bay nhảy thỏa sức, ở tuổi về hưu, thì các con, các cháu lại tiếp tục nối nghiệp chúng tôi, quay về làm nghề truyền thống. Chúng cũng như chúng tôi, nghề đã ngấm vào máu từ tấm bé thì sẽ không sợ bị mất nghề".

Từ lũy tre làng, những món đồ thủ công mỹ nghệ này đã mở ra hướng đi mới cho làng nghề, giúp giữ nghề đan truyền thống của Kim Sơn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động, đặc biệt là phụ nữ trung tuổi, cao tuổi tại địa phương. Họ chính là những "sứ giả" đưa hồn quê Việt vươn ra thế giới.

 

Bài, ảnh: Trần Lê