leftcenterrightdel
Các bộ cổ phục của công ty Ỷ Vân Hiên.   

Cổ phục không chỉ để trưng bày

Những trang phục cổ Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc là di sản quý báu của lịch sử nước nhà mà còn là đại diện cho những đặc trưng của nền văn hoá dân tộc. Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngày nay trang phục cổ Việt đã và đang đi sâu vào đời sống của giới trẻ. Từ những cổ phục vốn chỉ được trưng bày trong bảo tàng, hoặc phục vụ công tác nghiên cứu… những người trẻ đã mang những trang phục của tiền nhân lan tỏa một cách rộng rãi trong cuộc sống hiện tại.

Mới đây, Great Vietnam đã tổ chức ngày hội “Bách hoa bộ hành” giới thiệu các bộ trang phục truyền thống tại không gian phố cổ Hà Nội. Với sự tham gia của 5 đơn vị gồm Hoa Niên, Thủy Trung Nguyệt, Đông Phong, Đại Nam Chân Ảnh, Quê Cực và gần 100 người tham gia trình diễn đã giới thiệu đến công chúng những nghiên cứu mới nhất về cổ phục Việt Nam.

Các bộ trang phục truyền thống xuất hiện trong sự kiện đa dạng từ áo dài, áo tấc, áo giao lĩnh, áo nhật bình đến áo bào, áo nậu... đã như một lời khẳng định về xu hướng phát triển trang phục cổ tại Việt Nam hiện nay. Được biết, những trang phục được trình diễn tại chương trình đã được đầu tư và trau chuốt trong từng khâu chuẩn bị từ tham khảo tư liệu lịch sử, chất liệu sử dụng và công sức của các nghệ nhân hàng đầu trong ngành.

Ông Vũ Đức - Trưởng ban tổ chức ngày hội cho biết, với sự kiện này, Great Vietnam sử dụng và giới thiệu những trang phục được gọi là bản sắc. Đó là những bộ lễ phục mang tính triều đình như là đại triều phục quan lại, áo nhật bình của các giới nữ nhân quý tộc ngày xưa. Những bộ trang phục này khi tái dựng lại hết sức khó khăn vì hàm lượng đồ án mỹ thuật, đồ án trang trí rất lớn.

Do đó thực hiện rất kỳ công. Mỗi bộ áo nhanh nhất cũng mất hơn một tháng để tái dựng lại những đồ án trang trí này. Sau đó phải kết hợp với bản dập thì mới bắt đầu cắt may. Rồi trang sức mũ mão cũng là dựng lại, và sau đấy sẽ được tiến hành chạm khắc thủ công và dựng lại…

“Ngày hội hướng tới sự thúc đẩy hợp tác của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cổ phục trong thời gian sắp tới thông qua việc giao lưu và chia sẻ những định hướng riêng của từng nhãn hàng. Việc chia sẻ và giới thiệu như vậy tại không gian mở như phố đi bộ Hồ Gươm sẽ giúp cổ phục tiếp cận với đông đảo công chúng” - ông Đức nói. 

leftcenterrightdel
 

Bài học lịch sử sinh động

Có thể nói, trong khi những bài học lịch sử đang trở nên “nhàm chán” với một bộ phận những người trẻ, việc giới thiệu trang phục cổ Việt Nam đang trở thành “kim chỉ nam” gắn kết người trẻ với các giá trị truyền thống của dân tộc.

Nói về vai trò của cổ phục trong thời đại ngày nay, NTK Nguyễn Đức Lộc - người sáng lập thương hiệu cổ phục Ỷ Vân Hiên nhận định, vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống như lịch sử triều đại, nghi lễ thưởng trà theo cung đình xưa, ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa cổ… trong đó có cổ phục Việt Nam.

Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy cổ phục không chỉ là một dạng trang phục có thể dùng trong các dịp sinh hoạt và công việc mà còn hiện lên văn hóa, một nét đặc trưng riêng về cách ăn mặc của người Việt văn minh và lịch sự. Khi xã hội càng phát triển thì các giá trị cổ truyền càng được nhiều người hướng tới, đặc biệt là giới trẻ.

“Tuy nhiên, ngành văn hóa cần có chiến lược dài hơi để “nuôi dưỡng” tinh thần cổ phục, bởi theo tôi, trang phục cổ truyền khi được thương mại hóa còn hướng đến nhiều giá trị khác không chỉ để phục vụ mục đích kinh doanh. Cổ phục cần có con đường riêng, còn nếu chỉ là một phong trào, thì phong trào hết, cổ phục sẽ không được nhắc lại” - NTK Nguyễn Đức Lộc bày tỏ.

leftcenterrightdel
Chương trình “Bách hoa bộ hành”. 

Thực tế cho thấy, trong những năm qua cổ phục đang được giới thiệu qua nhiều “kênh” khác nhau. Đơn cử như tác phẩm “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức – một trong những cuốn sách hiếm hoi giới thiệu về cổ phục từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945), bao gồm cả trang phục cung đình, trang phục dân gian, trang phục quân đội.

Mới đây, hàng loạt các sự kiện, dự án về cổ phục cũng đã được thực hiện như phim dã sử diễn họa “Bình Ngô đại chiến”; sách “Dệt nên triều đại”; truyện tranh “Long thần tướng” và dự án khôi phục hoa văn cổ “Hoa văn Ðại Việt”, tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có sự đồng hành của thương hiệu V'style - Việt Cổ Phục cách tân...

Trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, cổ phục được chú ý khi liên tục xuất hiện trong các dự án phim đề tài cổ trang, các MV ca nhạc của ca sĩ trẻ được yêu thích.

Theo nhà sử học - PGS Lê Văn Lan, những ý kiến phàn nàn việc giới trẻ quay lưng với văn hóa dân tộc, chỉ chăm chú vào lịch sử nước ngoài... đã trở nên lỗi thời.

Hiện người trẻ học sử theo cách của họ. Nhiều công trình nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng của lớp trẻ hiện nay rất nghiêm túc và hiệu quả, nhưng vẫn mang đến sự mới mẻ, hào hứng, không hề khô khan.

Với việc lan tỏa cổ phục vào đời sống hiện đại trong thời gian qua, không thể phủ nhận, lĩnh vực này đang tạo nên những “cú hích” để phát triển văn hóa truyền thống, điều này thể hiện ở việc ngày càng nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ không còn thấy xa lạ với hoa văn, họa tiết truyền thống.

Thậm chí lạc quan hơn nữa, thì việc cổ phục được ưa chuộng sẽ góp phần bảo tồn, phục hồi một số làng nghề thủ công truyền thống đang có nguy cơ mai một, như làng thêu Quất Động, thêu Ðông Cứu (Hà Nội), lụa Vạn Phúc (Hà Nội), lụa Nha Xá (Hà Nam)…

Theo daidoanket