Chị Phạm Thị Tư giới thiệu hoa sâm bố chính ngay tại vườn của mình

Cho đến nay, sau 3 tháng đưa vào trồng, cây sâm bố chính đã dần thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thổ nhưỡng ở Núi Răm. Hiện tại vợ chồng anh Khánh, chị Tư đang thu hoạch hoa sâm để giới thiệu sản phẩm của mình đến với người dân địa phương và các tỉnh/thành trong cả nước.

Sâm bố chính phong phú về hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất đặc biệt, hoa, rễ củ sâm bố chính mang lại tác dụng tuyệt vời trong y học. Chị Phạm Thị Tư chia sẻ: "Vùng đất ở quê hương mình không dễ trồng các loại cây vì đất sỏi đá, khô cằn, không có nguồn nước tưới. Trước kia ông bà mình từng trồng loại sâm này ởi đây. Hoa, thân của sâm được sấy khô có thể làm trà, 100% sâm bố chính uống rất tốt cho sức khỏe, trái khô mình lấy hạt để chuẩn bị cho vụ sau. Nếu thành công, mình sẽ cung cấp cho bà con hạt giống này".

Vườn sâm bố chính của anh Khánh - chị Tư

Thời gian đầu, khi vợ chồng anh Khánh - chị Tư quyết định đem giống cây sâm bố chính từ TPHCM về gieo trồng trên vùng đất quê hương, họ nhận phải rất nhiều sự phản đối của người thân. Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao, hai vợ chồng đã mạnh dạn thuê xe để đào đá, san lấp mặt bằng.

Theo chị Tư, so với trồng keo thì năng suất trồng sâm bố chính cao gấp 5 - 7 lần. Vốn là người yêu thích các loại cây dược liệu, trong một lần tình cờ đến thăm nhà bạn có trồng sâm bố chính, hai vợ chồng anh Khánh - chị Tư cảm thấy mình có duyên với loại cây này nên quyết định đưa về trồng. Ban đầu, họ gặp rất nhiều khó khăn, vì ai cũng nghĩ nơi này là vùng đất sỏi đá, khô cằn không có nguồn nước, bố mẹ, người thân lại cấm cản.

Quá trình đi tìm nguồn nước tưới rất gian nan, họ phải đào đến 3 cái giếng mới có nước đưa về tưới được, cách đoạn đường xa tới 500 mét. Có được nguồn nước đó là niềm hạnh phúc vỡ òa, anh Khánh - chị Tư đào bể chứa 200 mét khối nước, sau đó làm hệ thống tưới nước tự động.

Hoa sâm bố chính phơi khô làm trà rất tốt cho sức khỏe

Đối với người dân Quảng Ngãi, sâm bố chính là loại cây trồng hoàn toàn mới, không chỉ thích nghi tốt với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng ở đây mà còn có giá trị kinh tế cao. Mỗi kg hoa khô được bán với giá khoảng 3 triệu đồng. Còn củ sâm tươi trồng 1 năm tuổi được bán ở mức từ 50.000-80.000 đồng/kg. Củ sâm trồng càng lâu năm thì giá sẽ càng cao. Ước tính 5.000 m2 sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn củ tươi.

Tại khu vườn có diện tích 5.000 m2 trước đây dùng để trồng keo, vợ chồng anh Khánh và chị Tư đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng, chủ yếu chi phí cho việc cải tạo đất, đào giếng, lắp hệ thống tưới nước tự động để phục vụ cho việc trồng sâm bố chính.

Anh Khánh chia sẻ: "Được bạn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, cùng với vốn kinh nghiệm của bản thân, vườn sâm đã phát triển tốt. Sâm bố chính dễ trồng, không cần quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, cần chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng; làm cỏ sau bón thúc phân chuồng đã ủ hoai ở giai đoạn cây sắp đẻ nhánh; thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời".

Củ sâm bố chính trồng càng lâu năm thì giá sẽ càng cao

Anh Khánh khẳng định, nếu thành công, hai vợ chồng sẽ triển khai cho bà con và bao tiêu đầu ra. Về lâu dài, khi sản phẩm được kiểm định sẽ có đầu ra ký hợp đồng với công ty thu mua. Trồng sâm bố chính không chỉ giúp bảo tồn loại cây dược liệu quý, mà đây còn là mô hình phát triển kinh tế mới trên địa bàn. Người dân ở đây sẽ có thêm sự lựa chọn để đưa giống cây Sâm bố chính vào phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Ước mơ của vợ chồng anh Khánh - chị Tư đang trở thành hiện thực ngay trên chính quê hương mình.

Như Đồng