leftcenterrightdel
Chị Đỗ Thị Mỹ Lợi (bìa trái) chủ dự án "Thêu tay trên các sản phẩm thủ công và tái chế vải vụn thành phụ kiện" 

Từ yêu thích thành đam mê

Chị đến với thêu tay vào cuối năm 2019. Khi ấy chị ở nhà chăm con nhỏ. Từ các video thêu tay trên Facebook, chị thấy hứng thú nên luyện tập theo. Thời điểm đó chị chỉ xem thêu tay là một môn nghệ thuật đầy màu sắc để thư giãn. Sau đó chị đăng thành quả lên facebook cá nhân, group thêu thùa… bắt đầu nhận được phản hồi tích cực và được mọi người đặt các đơn hàng đầu tiên.

Từ sự hứng khởi đó, chị bắt đầu đầu tư dần dần về vải vóc (chủ yếu là linen và thô cotton - các loại vải được cho là thân thiện với môi trường), chỉ thêu, dụng cụ, máy may… Sang năm 2020, khi đại dịch bùng phát, cũng là lúc nhu cầu về các môn nghệ thuật để "giết thời gian" hay "chữa lành" của các bạn nữ tăng cao. Thị trường các sản phẩm thủ công nhất là thêu tay sôi động hẳn lên và chị Lợi bắt đầu khởi nghiệp nghiêm túc hơn với các sản phẩm thủ công được thêu tay như kẹp tóc, cài tóc, cột tóc, khẩu trang… Sau đó là mũ nón, gương mini cầm tay… hướng đến các khách hàng nữ quan tâm đến các sản phẩm từ vải tự nhiên, thân thiện môi trường, có nhu cầu cá tính hóa đồ vật cá nhân thông qua thêu tay.

leftcenterrightdel
Một số sản phẩm từ dự án của chị Lợi 

Mọi cá nhân phụ nữ, kể cả phụ nữ khuyết tật đều có thể tham gia vào dự án của chị với nhiều vai trò khác nhau. Họ có thể cùng làm sản phẩm để kinh doanh tăng thu nhập, cũng có thể tham gia để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ đam mê. Người biết sẽ hướng dẫn cho người chưa biết, cùng tạo ra một cộng đồng yêu thích thủ công và thêu tay, cùng lan tỏa các giá trị nhân văn, mà từ đó có thể tạo ra những tác động xã hội tích cực. Điều quan trọng là hạnh phúc khi được tham gia và sáng tạo cùng dự án.

leftcenterrightdel
 Dự án tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật

Để làm nên những sản phẩm thủ công xinh xắn, đầu tiên chị Lợi nhập nguyên liệu (vải, chỉ, dụng cụ…). Tiếp theo, chị chọn vải, phác thảo mẫu, thêu, hoàn thiện sản phẩm (khâu tay hoặc may máy). Quá trình này chị hoàn toàn tự học trên youtube, các nhóm thêu, chị thường xuyên tham khảo, học hỏi trên Pinterest và Instagram.

Trong quá trình làm ra sản phẩm và quan sát từ các tiệm may, chị Lợi thấy có khá nhiều vải vụn thải ra, vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đến môi trường. Thế nên chị đã nảy ra một hướng nữa là làm các sản phẩm tái chế từ vải vụn để tận dụng triệt để số vải thừa. Chị liên hệ và mời một số chị em khác (có các chị em khuyết tật) cùng thành lập câu lạc bộ tái chế vải mang tên "Những mảnh nhỏ diệu kỳ", hướng dẫn các chị làm một số sản phẩm tái chế từ vải. Các sản phẩm đó các chị có thể phục vụ cho nhu cầu cá nhân, cho tặng hoặc bán để kiếm thu nhập. Hiện kinh tế chung đang khó khăn, vải cũng đang khá mắc. Thế nên nếu tận dụng được nguồn vải vụn, vải rẻo này, đầu vào hầu như là không tốn, lại được hỗ trợ hướng dẫn cách làm…thì các chị em có hoàn cảnh khó khăn hoàn toàn có thể từng bước phát triển lên thành công việc kiếm ra thu nhập.

Chị còn mở thêm các buổi workshop để hướng dẫn các em nhỏ, hi vọng giúp các em phát huy sự khéo léo, tính sáng tạo và định hướng đến bảo vệ môi trường. Chị cố gắng tận dụng triệt để số vải mà mình có, cố gắng học hỏi để sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, vừa có tính thẩm mỹ lại có thể ứng dụng cao.

leftcenterrightdel
 Workshop hướng dẫn trẻ em làm đồ thủ công

Mong muốn phát triển dự án

Tôi mới kinh doanh thời gian tầm hơn 2 năm, kinh nghiệm cũng không có gì nhiều. Nhưng tôi cảm thấy bản thân mình cũng như rất nhiều bạn sản xuất kinh doanh mặt hàng thủ công nói chung và thêu tay nói riêng, đó là TÌNH YÊU VỚI CÔNG VIỆC chính là động lực lớn lao để vượt lười, vượt những cơn đau lưng, mỏi mắt, để ngồi tỉ mỉ chọn chỉ, chọn mẫu thêu thùa…Mỗi sản phẩm làm ra đều chứa rất nhiều tâm huyết. Không yêu công việc mình làm thì khó mà trụ nổi với nghề.

Chị Đỗ Thị Mỹ Lợi - Chủ dự án “Thêu tay trên các sản phẩm thủ công và tái chế vải vụn thành phụ kiện”

Sản phẩm thủ công và thêu tay có đặc thù riêng (tính thẩm mỹ, sáng tạo, tỉ mỉ, kiên nhẫn và ngồi lâu) nên việc tìm người đồng hành khá khó khăn, vì phải đảm bảo tính thẩm mỹ, chất lượng, tiến độ và hợp gu với mình. Công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ cao và qua nhiều công đoạn nhỏ. Do đó để tìm người làm cùng chị phải chia nhỏ công đoạn (người thêu, người khâu tay, người may…). Hiện chỉ có 2 bạn thêu, 3 bạn may/ khâu tay (làm việc theo thời vụ/ đơn hàng). Ngoài ra, chị còn vừa đi làm cơ quan nhà nước nữa nên đòi hỏi phải sắp xếp thời gian hợp lý để chu toàn cho cả hai.

Hiện tại chị đang thử nghiệm kết hợp giữa vải thổ cẩm của đồng bào Hre (ở Quảng Ngãi) với thêu tay để cho ra đời sản phẩm gương mini cầm tay đậm màu sắc dân tộc miền núi. Chị hi vọng đây không chỉ là một chiếc gương soi tiện dụng, nhỏ nhắn, dễ mang theo sử dụng, mà còn có thể là sản phẩm phù hợp để trao tặng, qua đó quảng bá giới thiệu văn hóa địa phương đến với khách hàng trong và ngoài nước. Đây là bước đi đầu tiên trong ước vọng đóng góp sức mình cho văn hóa quê hương, phát huy tài nguyên bản địa.

Các sản phẩm thủ công thêu tay của chị được đón nhận và phản hồi khá tích cực. Hiện chị có bán lẻ/ bán sỉ cho khách hàng thông qua hình thức offline và online (kênh online là chủ yếu). Hiện có khoảng 30 sản phẩm thêu được bán trên Etsy - trang bán hàng thủ công lớn nhất thế giới. Đó là niềm tự hào và hạnh phúc của chị, khi khách hàng nước ngoài đón nhận và yêu thích các sản phẩm thủ công đến từ Việt Nam, chứng tỏ khả năng cạnh tranh và chinh phục của hàng hóa Việt. Bên cạnh đó chị cũng giới thiệu sản phẩm trên Facebook cá nhân, các nhóm thêu tay, nhóm thủ công, nhóm tiêu dùng xanh, nhóm tái chế…để tiếp cận các đối tượng khách hàng phù hợp. Và trưng bày sản phẩm tại các Hội chợ/ Phiên chợ của phụ nữ khởi nghiệp ở trong tỉnh.

leftcenterrightdel
  Khách hàng thích thú với sản phẩm thủ công của chị Lợi

Về phía Hội LHPN phường Nghĩa Chánh, Hội đã tạo điều kiện để chị tham gia các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng kinh doanh do Hội LHPN cấp trên tổ chức; giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ tái chế vải, thành lập Mô hình kinh tế…

Mong muốn lớn nhất của chị Lợi là có thêm sự hỗ trợ từ các ban ngành, truyền thông và nhiều cá nhân khác để phát triển dự án quy mô lớn hơn, tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ (chứ không chỉ dừng lại ở mức công việc thời vụ như hiện tại). Chị mong tạo nên một cộng đồng chị em phụ nữ biết thêu thùa, biết làm các sản phẩm  thủ công từ vải, biết tái chế vải, để không còn lượng vải vụn thải ra môi trường nhiều như hiện nay. Cộng đồng ấy không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn thông qua các hoạt động cụ thể của mình, lan tỏa giá trị nhân văn và truyền cảm hứng sáng tạo đến với nhiều người hơn nữa.

Liên hệ: Chị Đỗ Thị Mỹ Lợi, Chủ dự án "Thêu tay trên các sản phẩm thủ công và tái chế vải vụn thành phụ kiện"

Địa chỉ: Tổ 1, phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Giá sản phẩm dao động từ 10.000 - 400.000đ.

Trang Facebook: https://www.facebook.com/do.loi.5

Lan Hương