Từ đá cuội kể chuyện biển xa…

Đêm trên hòn Bảy Cạnh, những chú rùa biển (vích) đến gần bờ, lặng lẽ bò trên bãi cát mịn tìm nơi đào tổ, đẻ trứng. “Đi xem vích đẻ trứng” là một trong những hoạt động hấp dẫn du khách khi đến Côn Đảo. Rùa mẹ sau khi đẻ trứng sẽ lấp cát lại, ngụy trang cho ổ trứng bên bờ biển. Chúng không biết rằng mọi hành động của chúng đều được con người quan sát từ khoảng cách gần. Sau khi rùa mẹ rời đi, toàn bộ số trứng trên được con người đưa về hỗ trợ ấp. Sau khoảng 45-60 ngày, những chú rùa con từ tổ ấp sẽ chào đời. Toàn bộ rùa con sẽ được nhân viên kiểm lâm thả về biển…

leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền tìm thấy niềm vui bình dị mỗi ngày từ việc vẽ tranh trên đá cuội


Hình ảnh những chú rùa con vừa chui đầu ra khỏi trứng được vẽ lại trên đá cuội, trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm từ Wow shop của chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (số 7 Lê Thành Nghị, khu dân cư số 6, huyện Côn Đảo). Cầm viên đá nhỏ có hình ảnh chú rùa con đang bò ra biển, để lại dấu chân trên cát mịn, một cảm giác trìu mến dâng lên trong lòng tôi. Mỗi viên đá cuội của chị Tuyền như kể với du khách một câu chuyện về biển, về muôn loài. Những loài cá nhiều màu sắc, những con sao biển, tôm, cua, mực hay phong cảnh thiên nhiên ở đảo… đều xuất hiện trên những sản phẩm thủ công xinh xinh. Chị Tuyền bắt đầu vẽ tranh lên đá cuội từ mùa dịch COVID-19. “Mùa dịch, tôi đi lang thang ngoài biển nhặt đá cuội về vẽ cho vơi nỗi lo lắng dịch bệnh. Lúc đầu, tôi chỉ vẽ cá rồi đăng lên Facebook, không ngờ có người hỏi mua. Nhiều người khuyến khích làm sản phẩm lưu niệm, nên tôi vẽ thêm nhiều loài vật quen thuộc khác” - chị Tuyền chia sẻ.

Wow shop chỉ mới mở vào đầu tháng 3/2023 nhưng đã được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích, tìm đến. Những hòn đá vô tri được vẽ tranh, tô màu, trở thành những món quà nhỏ ý nghĩa. “Rùa biển là loài đặc trưng của Côn Đảo, lại là loài quý hiếm cần được bảo tồn. Thời gian tới, tôi sẽ tập trung vẽ nhiều hơn về loài này trên các loại túi để du khách có thể mang đi khắp nơi” - chị Tuyền chia sẻ. 

Một số sản phẩm bắt mắt của Seashell House
Một số sản phẩm bắt mắt của Seashell House

Những bức tranh vẽ trên đá cuội của chị một phần là sản phẩm lưu niệm nhưng trên hết là gửi gắm thông điệp về bảo tồn rùa biển cũng như môi trường sống của các loài sinh vật biển. Đó cũng là tình yêu mà chị Tuyền dành cho biển đảo - nơi chị đã chọn đến sinh sống và làm việc suốt hơn 20 năm nay. Chị kể: “Khi đặt chân lên đảo, tôi đã buồn muốn khóc vì đảo năm ấy còn rất hoang sơ. Tôi cứ nghĩ thôi ra đây làm việc, kiếm đủ tiền sẽ mua vé máy bay về lại đất liền, không ngờ gắn bó với đảo đến giờ”. Tất cả tình yêu đó được gửi gắm trong từng sản phẩm của Wow shop, từ những viên đá cuội “hóa” muôn loài sinh vật biển hay xương rồng, các loại hoa trái… Đến những nhánh cây khô trôi dạt vào bờ biển cũng được chị nhặt về, tận dụng làm mành trang trí. Đá đã “nở hoa” trên đôi tay khéo léo, chỉ “học lóm trên mạng” của chị Tuyền.

… Đến vỏ ốc biển gợi nhớ quê nhà

Những bình hoa được trang trí bằng vỏ sò điệp, ốc sứ trắng, ốc nhảy đuôi dài...; những chiếc đồng hồ, đèn ngủ được đính đá, cách điệu sang trọng với vụn san hô, hoa cỏ khô, vỏ ốc biển hay những bức tranh được làm tỉ mỉ, trao gửi nhiều thông điệp ý nghĩa… là những món quà handmade kỳ công và tận tâm mà chị Thái Song Khê (Vũng Tàu) đã làm khi bắt đầu “khởi nghiệp” với Seashell House, suốt gần 5 năm qua. 

leftcenterrightdel
 Chị Thái Song Khê chăm chút từng sản phẩm sáng tạo từ vỏ ốc, vỏ sò

 

Chị Song Khê từng là biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, chuyên viên Đường sách Vũng Tàu, việc làm những món đồ thủ công, với chị, ban đầu chỉ nhằm mục đích giải trí. “Tháng 6/2018, tôi rời TPHCM về Vũng Tàu để thư giãn, tạm rời xa những áp lực công việc, cuộc sống. Lúc đó, tâm trạng tôi rất nặng nề. Mỗi lần như thế, tôi lại ra ngồi với biển. Rồi trong những lần lang thang ấy, tôi nhặt vỏ sò, vỏ ốc mang về gắn lên chai/lọ, làm bình hoa trang trí. Một thời gian sau, khi tiếp cận được nguồn vỏ sò, ốc đã được xử lý công nghiệp, tôi phát hiện ra nhiều vỏ ốc rất đẹp - những vân màu đặc biệt, những kiểu dáng độc đáo, vô cùng bắt mắt. Thế nhưng lúc đó, khi tìm hiểu về các sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ sò, ốc tại Vũng Tàu, tôi thấy sản phẩm thiếu sự cải tiến nên ngày càng ít được ưa chuộng. Tôi nghĩ, với dòng sản phẩm này, mình cần sáng tạo nhiều hơn nữa” - chị Thái Song Khê hồi tưởng.

Vậy là chị bắt tay vào làm, mày mò từ việc tìm hiểu từng loại keo dán, dụng cụ đến việc phải đưa vào sản phẩm ra sao, làm thế nào để tiện dụng và phù hợp với khách hàng… Đến giờ, chị đã làm được rất nhiều sản phẩm, có cả phụ kiện theo mùa như lồng đèn trung thu, đồ trang trí giáng sinh, quà tặng ngày 8/3… Hầu hết các sản phẩm của Seashell House đều là độc bản và rất có hồn. Với Song Khê, mỗi món quà trao tay không chỉ có ý nghĩa với người nhận mà còn là niềm ấm áp chị được nhận về. “Có lần, khách đặt một bức tranh vỏ ốc để tặng mẹ chồng là người nước ngoài, đang sống ở Đức. Chị ấy muốn gửi đến mẹ một món quà từ quê hương mình, nên tôi chọn làm bức tranh có chữ “Home”. Món quà được gửi đi, tôi nhận được lời chia sẻ rằng mẹ chồng chị rất cảm động vì thông điệp bà nhận được từ con dâu. Bức tranh hàm nghĩa rằng: Ở đâu cũng là nhà”. 

Một lần khác, chị ngồi làm tranh vỏ ốc xuyên đêm để cầu nguyện cho mẹ chị bị tai nạn ở quê nhà Vĩnh Long, ngay trong đại dịch, mà chị không thể về được. “Tôi cứ xếp vỏ ốc trong vô thức, ghép thành chữ “mẹ” và cầu nguyện suốt đêm. Sáng hôm sau, tôi biết tin mẹ tôi đã qua khỏi cơn nguy hiểm. Tôi đã chia sẻ bức tranh ấy lên Facebook như một kỷ niệm không thể quên trong đời mình. Một người bạn đã hỏi mua và đặt tôi làm thêm bức tranh với chữ “cha”. Tôi rất hạnh phúc khi biết bậc sinh thành nhận quà đã vô cùng cảm động với những bức tranh có 2 từ “cha - mẹ” mà tôi đặt vào đó cả tình cảm, yêu thương của chính mình để thực hiện” - chị Song Khê xúc động. 

Chị nói, càng tìm hiểu, khám phá thế giới muôn màu của vỏ sò, vỏ ốc, chị lại càng say mê sáng tạo. Bây giờ, trên những sản phẩm thủ công của Seashell House có thêm những phụ liệu trang trí thân thiện với môi trường (hạt đá, hoa cỏ khô, mây tre lá…). Nhiều work shop làm đồ trang trí với vỏ sò, ốc cũng được chị tổ chức cho nhóm khách, gia đình, trẻ con, cả du khách nước ngoài… Những vỏ sò, vỏ ốc nguyên sơ từ biển quê nhà đã có cơ hội vượt biên giới Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. 

Viên đá cuội kể chuyện từ khơi xa hay những vỏ ốc mang thanh âm của biển quê nhà đều là những món quà kỳ diệu mà con người được thiên nhiên trao tặng. Văn hóa biển bắt đầu từ những điều giản dị. Và từ những sản phẩm handmade bé xinh kia, những câu chuyện từ bờ biển Việt cũng sẽ được lan xa...

Theo phụ nữ TPHCM