Để hiểu rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ cũng như hiệu quả mà Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN đem đến cho doanh nhân nữ Việt Nam và khu vực, phóng viên THVN đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam - VCCI, Chủ tịch Mạng Doanh nhân nữ ASEAN.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh
Thưa bà, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch Mạng Doanh nhân nữ ASEAN trong nhiệm kỳ hai năm (2014-2016). Đây có phải lần đầu tiên Hội đồng đảm nhiệm vai trò này không và nhiệm vụ cụ thể là gì?
- Ý tưởng hình thành mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN là của Việt Nam từ năm 2007, do Ủy ban Văn hóa xã hội ASEAN của Việt Nam khởi xướng. Mạng lưới doanh nhân ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 22/4/2014, nhiệm kỳ đầu tiên 2014-2016 do Việt Nam đảm nhiệm. Nhiệm vụ của chúng tôi gồm 5 lĩnh vực được ưu tiên: Xây dựng tổ chức; Phát triển hội viên; Triển khai các hoạt động đào tạo, hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao năng lực và cung cấp các kiến thức như thông tin về hội nhập cho hội viên; Triển khai hoạt động kết nối kinh doanh cho các doanh nhân nữ trong và ngoài khu vực. Điều vô cùng quan trọng nữa là hoạt động chính sách trong từng nước cũng như trong khối.
Trong quá trình điều phối hoạt động của Mạng Doanh nhân nữ ASEAN, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã gặp những khó khăn và thuận lợi gì?
- Mạng Doanh nhân nữ ASEAN nằm trong chương trình hành động của Ủy ban Phụ nữ ASEAN, một trong ba trụ cột của ASEAN đó là Ủy ban Văn hóa xã hội ASEAN. Đây là một khó khăn thách thức đầu tiên bởi vì chúng tôi rất khó tìm được sự đồng thuận của các điều phối viên của AWEN tại các nước. Đặc biệt, Việt Nam lại nằm trong danh sách một trong bốn nước kém phát triển hơn trong ASEAN.
Khó khăn thứ hai là khi mới ra đời, Mạng Doanh nhân nữ ASEAN chưa có danh tiếng trong khu vực, chúng tôi chưa có đối tác. Điều quan trọng hơn là chúng tôi không có nguồn kinh phí nào để tài trợ hay hỗ trợ hoạt động của mạng, thế nhưng chúng tôi đã tận dụng được những lợi thế của Việt Nam để mang tới cho Mạng Doanh nhân nữ ASEAN. Điều đầu tiên phải nói đến là sự ủng hộ tuyệt đối của Ban Thư ký ASEAN, thứ hai là sự chỉ đạo và ủng hộ cao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với tư cách là chủ trì Ủy ban Phụ nữ ASEAN tại Việt Nam.
Một điều quan trọng nữa đó là sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam. Làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế, chúng tôi đã huy động được nguồn tài chính để triển khai các hoạt động.
Sau khi tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN lần thứ nhất, sắp tới Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN lần thứ hai. Vậy bà có thể cho biết diễn đàn lần thứ nhất đã đưa lại những hiệu quả cụ thể gì cho hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung?
- Với nhiệm kỳ hai năm đầu tiên, chúng tôi đã tự tổ chức và phối hợp tổ chức cũng như giới thiệu các hội viên tham gia trên 30 hoạt động tại khu vực điểm yếu của doanh nhân nữ ASEAN. Chúng tôi cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo và phối hợp để kết nối giữa các nhà tài trợ với các tổ chức tài chính vi mô với doanh nhân nữ để hỗ trợ họ có khả năng tiếp cận với nguồn tài chính.
Tuy nhiên chỉ đến lúc chúng tôi tổ chức thành công diễn đàn lần thứ nhất thì mới thu hút được sự quan tâm đông đảo của doanh nhân nữ trong khu vực. Chúng tôi mong đợi rằng diễn đàn này sẽ là nơi để chúng ta tìm cách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của cộng đồng kinh tế ASEAN.
Xin cảm ơn bà!
Theo VTVNews