Những chiếc đèn pin tích điện đội đầu í ới gọi nhau đi tìm con chữ.

Những hy sinh lặng thầm
 
Cà Moong là một trong những bản nghèo thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An). Có lẽ đi trên những “con đường huyền thoại” này vào những ngày mùa mưa, mới thấu hết được cảnh khổ và nghị lực đến trường của học sinh vùng cao. Chỉ mới cách đây mấy ngày thôi, khi tiết trời se nắng làm dịu khô trên những con đường lầy lội, các thầy mới dám liều mình chạy xe máy đến trường. Cách duy nhất để an toàn là thuê thuyền từ bến thượng lưu rồi đi bộ thêm hơn 1 giờ đồng hồ nữa.
 
Dĩ nhiên là trên chiếc ba lô mang sau lưng của các thầy không bao giờ thiếu được đôi ủng với dép rọ mỗi lúc vào trường. Hàng tuần, họ chia nhau trở về nhà mang ít lương khô dự trữ cho những ngày bém bản “gieo chữ”.


                                       Mang tuổi xuân “gieo chữ” ở vùng cao.
 
“Mấy hôm trước trời có nắng nên bọn em mới liều mình chạy xe máy. Thế nhưng đến đây thì chịu rồi. Sau nhiều chỗ phải cùng nhau gánh xe vườn qua, giờ chắc bọn em để xe lại và “cuốc bộ” vào trường thôi”, mồ hôi thấm đẫm, thầy Hoàng Mạnh Toàn cố nói trong mệt nhọc.
 
Chuyến trải nghiệm thực tế của chúng tôi bắt đầu sau khi nghe thầy Hoàng Mạnh Toàn kể về những ngày tháng trong nghề đầy cơ cực của thầy và các giáo viên nởi xứ “ốc đảo” nằm giữa lòng hồ bản vẽ này. Thầy giáo Mạnh Toàn kể: “Lúc mới đi dạy, em đã xin lên đây để dạy. Lúc đầu em cứ nghĩ con đường không đến nỗi khó đi như thế này. Vì thời tiết ở đây mưa nhiều, sạt lở núi đồi suốt nên mỗi lần đi vào trở ra đều rất cơ cực”.
 
Ngồi bên đường, tay cầm chai nước, miệng thầy không quên nói về niềm đam mê với con chữ. Thầy Mạnh Toàn cũng không nhớ nổi mình đã ngã xe bao nhiêu lần vì trơn trượt trên cung đường này nữa, chỉ biết rằng đó là chuyện thường ngày “như cơm bữa” của thầy và các giáo viên vùng cao nơi đây. Vả lại bao lần chạy xe, nhưng chưa có lần nào xe chạy vào được đến trường. Chỉ đi được một đoạn nào đó, xe lại nằm vạt bên đường và bước chân các thầy lại tiếp tục “cuốc bộ” vào bản.

Những giáo viên trẻ nơi đây không chỉ gieo chữ mà họ còn ân cần
chăm sóc cuộc sống của các trẻ nghèo.
 
Dẫu khó khăn là vậy, nhưng những đứa trẻ ở đây cần con chữ, cần chúng em anh ạ. Sống lâu, thấm dần, những khó khăn cơ cực đó dường như không còn là những cản trở trong con đường mang con chữ đến với Cà Moong của thầy Mạnh Toàn.
 
Cũng như bao giáo viên khác ở đây nhưng có lẽ Lô Văn Tuân là người có thâm niên cắm bản lâu nhất. Tuân vốn gốc ở xã Kim Đa nhưng do ảnh hưởng của việc xây dựng thủy điện Bản Vẽ nên gia đình di dời về xã Thanh Sơn (Thanh Chương). Khi được cho về dạy gần nhà, Tuân không về mà tình nguyện xin ở lại miền đất này.


 
Cái tên Xốp Cháo, Cà Móng, chỉ mới nghe thôi mà đã cảm thấy nó xa tít vợi vợi. Thế nhưng với thầy giáo Tuần, 2 cái tên đó nó gần gũi biết nhường nào. Bởi lẽ đó là 2 địa danh gắn bó với thầy Tuần 8 năm nay. Cứ đi về như một con chim tung cánh, thầy Tuấn nắng mưa cứ chuyển từ Xốp Cháo sang Cà Moong, rồi lại từ Cà Moong sang Xốp Cháo.
 
Việc cõng xe qua núi dường như đã trở thành một câu chuyện quen thuộc của thầy Tuân. “Tuần nào tranh thủ được em lại vượt rừng hoặc thuê thuyền về nhà thăm vợ con một ngày rồi lại chạy lên ngay. Ở đây mỗi lần đi vào hay đi ra anh em trong trường đều phải đi với nhau để còn giúp nhau nữa. Chứ đi một mình rất nguy hiểm. Nhiều hôm mệt quá muốn vứt xe lại giữa đường rồi nằm lăn ra đó mà ngủ nhưng lại sợ”. Sau mấy lần ngã chỏng vó nằm trên đất đỏ lầy lội, rồi trượt lăn xuống suối vì đường quá dốc và trơn, chúng tôi mới dần thấu hiểu được sống và làm việc ở nơi những bản làng tách biệt, các hộ gia đình sống thành từng cụm trên các “ốc đảo” này không phải là điều dễ dàng.
 
Ước mơ từ những ngọn đèn pin
 
Những chuyến đi của các thầy các cô vẫn tất bật, nơi gần biên giới, những người giáo viên thầm lặng mang theo cả tình yêu và hoài bão của mình đi xa hơn. Tiếng trống đêm vang lên và những chiếc đèn pin tích điện đội đầu í ới gọi nhau vào lớp học. Đó là những chiếc bóng được họ vận động phụ huynh góp tiền lại để mua nhằm giúp con em mình kiếm thêm cái chữ vào ban đêm.
 
Điểm trường có 5 lớp với 5 giáo viên phụ trách, họ đều là những con người còn rất trẻ, đều ở cái tuổi “9X” nhưng mới ra trường đã tình nguyện lên đây gieo con chữ. Đêm nào cũng như vậy, cứ thấy học sinh đến họ sẵn sàng bỏ bữa cơm còn dang dở chạy lên lớp hướng dẫn các em học bài.
 
Cô Vi Thị Hồng Vân, một giáo viên trẻ sinh năm 1993 vượt đường 50 km từ xã Yên Thắng lên đây cắm bản chạy ra tận cổng đón từng em học sinh vào lớp. “Sợ các em ở nhà bố mẹ không hướng dẫn các em học bài được nên ban đêm các em đến đây để các thầy các cô hướng dẫn”, cô Hồng Vân trăn trở.
 
Nhớ lại những ngày đặt chân lên núi, cô giáo Lương Thị Vân kể: "Hồi mới lên, cơm thì bữa có bữa không, cô phải lội bùn xuống nhà dân ăn cùng với dân, nhất là những lúc chưa đến mùa lúa nhưng nếp chín trước. cô với dân nhiều lúc ăn nếp cả tháng, lúc ấy, mới biết mùi cơm vùng đồng bằng quý đến nhường nào".
 
Cô giáo Lương Thị Vân sinh năm 1994, quê ở xã Xá Lượng 2 năm làm nghề gõ đầu trẻ ở Cà Moong ngồi bên bếp lửa thủ thỉ câu chuyện rằng, năm ngoái cô xin vào dạy hợp đồng với trường Tiểu học Lượng Minh và cô xin lên đây ngay. Đến bây giờ Vân vẫn cảm thấy hài lòng với quyết định của mình khi kết thúc năm học vừa rồi học trò của cô đậu vào trường nội trú huyện với thành tích khá cao.
 
Theo cô giáo trẻ này, cuộc sống vất vả xa xôi cách trở nhiều lúc nghĩ cũng buồn nhưng nhìn những gương mặt trẻ thơ các cô càng có thêm nghị lực để cống hiến. “Lúc đầu nhận nhiệm vụ, vượt đường rừng một mình đến trường người cứ run bần bật. Điện không, sóng điện thoại lúc có lúc mất, lúc ấy em chỉ muốn bỏ nghề cho rồi nhưng cứ nghĩ nếu ai cũng như mình thì các cháu sẽ ra sao”, Vân tươi cười.
 
Cô Vân cho biết: “Trước đây, việc học hành của phần lớn trẻ em ở Cà Moong rất khó khăn do điều kiện kinh tế gia đình đồng bào dân tộc thiếu thốn. Trẻ em phải nghỉ học từ nhỏ để theo bố mẹ lên nương rẫy. Nhưng nay đã khác, người dân bản nơi đây đều ý thức được muốn con em mình đổi đời thì phải học lấy cái chữ. Các em khi đủ tuổi đến trường đều được phụ huynh cho đi học, gửi gắm sự dạy dỗ cho các thầy giáo, cô giáo. Ðó cũng là động lực thôi thúc không ít thế hệ giáo viên nhà trường tình nguyện đến công tác tại điểm trường, với mong ước gieo cái chữ cho học sinh đồng bào dân tộc nơi vùng đất biên cương còn nhiều khó khăn này...”.
 
Những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh cho các thầy cô giáo trẻ vượt qua khó khăn mà hoàn thành việc gieo con chữ cho các em học sinh trên mảnh đất khó khăn nơi tận cùng xứ Nghệ này.

 

 Nguyên Đình