leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai ký tặng sách độc giả (Ảnh: Phạm Lý).

Ra đi rồi trở về

Cuốn tự truyện "Ấm áp tình quê" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật xuất bản và phát hành. Với cách viết giản dị và không hư cấu, tác giả đã gửi gắm trong tự truyện những buồn vui, cảm xúc đan xen, từ khi còn là một đứa trẻ đến tuổi xế chiều.

Đó là hình ảnh một đứa trẻ mới 4 tuổi nhưng đã sớm cảm nhận được lý tưởng của người cha đang bí mật hoạt động nội thành cho cách mạng và cả hình ảnh người cha mình đầy thương tích trở về nhà. Rồi cái chết bi thảm của ông đã hằn sâu trong ký ức trẻ thơ của bà. Để từ đó, tình yêu Tổ quốc trong bà luôn hiện hữu nhờ có sự hun đúc, bắt nguồn từ người cha.

Khi trưởng thành lập gia đình, bà đã vất vả gồng gánh nuôi sáu người con trong giai đoạn đất nước có chiến tranh và những năm mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mặc dù luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống với bao khó khăn, vất vả song cuối cùng vẫn phải dắt các con rời xa Tổ quốc để có một đời sống kinh tế tốt hơn. Tuy vậy, nhưng trái tim bà luôn đau đáu nghĩ về ngày trở lại quê hương để thực hiện lời dạy của cha mình sống cống hiến cho đồng bào.

Nơi xứ người, bà vẫn bình tâm làm việc cần mẫn, lo cho đời sống mới được ổn định. Bên ngoài xã hội, bà vẫn phải hòa nhập, nhưng vẫn luôn tỉnh táo để phân định đúng sai, cho lẽ phải, tự chọn lọc thông tin, bảo về chính mình khỏi những luồng tư tưởng cực đoan của những cá nhân, tổ chức chống Cộng.

Cảm xúc khi trở về quê hương sau bao năm bôn ba xứ người được tác giả diễn tả vô cùng xúc động giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước đã ăn sâu trong lòng của mỗi người dân Việt Nam khi xa quê.

Những lần trở về quê hương của bà ngày càng nhiều hơn, bà luôn cố gắng nhớ lời cha dạy, dù sự đóng góp cho quê hương tuy nhỏ bé, nhưng cũng thể hiện nguyện ước của người cha.

Gửi thông điệp tới kiều bào

Là người đã có trải nghiệm qua nhiều thời kỳ, bà Ngọc Mai nhận xét, đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ hoà bình và phát triển nhanh. Bà mong muốn những người ở hải ngoại, nên một lần về thăm để có nhận định rõ ràng về đất nước.

Người phụ nữ ngoài 70 cũng mong muốn người dân trong nước, đặc biệt thế hệ trẻ nên tỉnh táo không nên tin vào những lời tuyên truyền về một thiên đàng không bao giờ có ngay cả trên một cường quốc như Mỹ.

Bà tin rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, đất nước Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. "Tôi chỉ là một người con xa xứ, yêu thương đất nước trong thầm lặng với ước mơ một Việt Nam ngày càng hùng cường sánh vai cùng các cường quốc trong một ngày không xa", bà chia sẻ.

 Ước nguyện cống hiến cho quê hương quãng đời còn lại

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai sinh năm 1946 tại Campuchia. Quê nội ở Bắc Ninh, quê ngoại ở Huế. Sau khi sinh được một tháng, bà được bố mẹ đưa về Sài Gòn sinh sống. Năm 1978, bà Ngọc Mai cùng gia đình sang Mỹ định cư. Tốt nghiệp đại học năm 1986, người phụ nữ Việt này đã làm việc cho một trường trung học công lập đến khi nghỉ hưu.

Năm 1996, lần đầu tiên bà Ngọc Mai trở về nước thăm quê hương. Từ năm 2006, bà thường xuyên trở về Việt Nam làm từ thiện. Bà cấp học bổng cho các học sinh nghèo, mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng cao. Ngoài ra, còn mua đất, cất nhà cho người dân cần chỗ ở. Mỗi khi Tết tặng quà cho những gia đình nghèo.

"Cho tới nay tôi không nhớ con số học sinh đã nhận được sự hỗ trợ của tôi là bao nhiêu", bà chia sẻ. Ước nguyện của người con xa xứ là cống hiến cho quê hương quãng đời còn lại, bằng những gì có thể. "Tôi mong mọi người đừng gọi tôi là Việt kiều, tiếng kêu đó gọi cho tôi cảm giác xa cách. Ở bên Mỹ tôi đã quá lẻ loi, trở về nước tôi chỉ muốn được hoà mình với đồng bào, xin gọi tên tôi mà thôi", bà Ngọc Mai nói.

Theo thoidai