Hiện có nhiều doanh nghiệp Singapore gia nhập thị trường F&B Việt Nam bằng hình thức nhượng quyền, nhưng cũng có không ít thương hiệu ẩm thực do người Việt sáng lập tạo dấu ấn tại Singapore. Điển hình là chuỗi nhà hàng Cô Chung của Phạm Khánh Ly, với ba chi nhánh tọa lạc tại những khu phố sầm uất, luôn tấp nập khách ra vào.

"Bắt tay" ăn ý với mẹ chồng

Khánh Ly từng sống 10 năm ở Mỹ, có kinh nghiệm làm thêm tại một số nhà hàng lớn. Thay vì ở lại xứ cờ hoa lập nghiệp, cô quyết định về nước, đầu quân cho một chi nhánh ngân hàng Mỹ, song song đó kinh doanh riêng. Vài năm sau, cô theo chồng chuyển công tác đến Singapore, nhận thấy thị trường ẩm thực Việt tại đây khá sơ khai, cô có ý định phát triển lĩnh vực này.

Sau vài năm tìm hiểu nhu cầu thị trường, 9x bỏ việc ổn định, lương cao ở ngân hàng để khởi nghiệp ngành F&B. Nhà hàng Cô Chung ra mắt tháng 3/2020, là tâm huyết của Khánh Ly và mẹ chồng. Theo cô, Singapore giao thoa giữa các nền văn hóa, do đó ẩm thực rất phong phú. Với mơ ước đưa ẩm thực Việt vươn xa, cô hướng đến những món ăn đậm đà hương vị truyền thống Việt, là lựa chọn của nhiều người con xa quê.

"Đại dịch Covid-19 là thử thách lớn với tất cả doanh nghiệp, nhất là ngành ăn uống. May mắn chuỗi Cô Chung vẫn được thực khách đón nhận, dù khai trương đúng thời điểm dịch bùng phát", Khánh Ly nói.

Phạm Khánh Ly, sáng lập chuỗi nhà hàng Cô Chung.

Phạm Khánh Ly, sáng lập chuỗi nhà hàng Cô Chung. Ảnh: Hàn Nguyễn

Chi nhánh đầu tiên của Cô Chung tọa lạc ở Plaza Singapura Mall - một trong những trung tâm thương mại sầm uất trên phố mua sắm Orchard, ngay ga trung tâm Dhoby Ghaut. Chi nhánh tiếp theo ra mắt sau đó vài tháng tại khu tài chính Raffles Place. Khánh Ly cho biết mẹ con cô đang gấp rút hoàn thiện cửa hàng thứ ba, kịp ra mắt thời gian tới.

Bà chủ gốc Việt lý giải mở cửa hàng đầu tiên ở trung tâm thương mại vì nằm ngay trục đường chính, có nhiều dân bản địa hơn du khách. "Tôi muốn thử nghiệm xem người Singapore tiếp nhận ẩm thực Việt thế nào. Địa điểm này đắc địa nhất đảo quốc, kề dinh tổng thống, khu du lịch, nhà ga trung tâm, trạm trung chuyển. Tôi mất một năm thuyết phục ban quản lý, trình bày ý tưởng, thiết kế, trang trí cửa hàng...", cô nói. Sau khi thưởng thức các món ăn, họ đồng ý cho Khánh Ly thuê mặt bằng.

Không gian nhà hàng Cô Chung trang trí theo phong cách truyền thống.

Không gian nhà hàng Cô Chung trang trí theo phong cách truyền thống. Ảnh: Hàn Nguyễn

Nhiều khách đánh giá thực đơn của nhà hàng Cô Chung phong phú, hương vị thơm ngon. Khánh Ly cho biết lồng ghép tinh hoa ẩm thực từ những lần du lịch, nghỉ dưỡng và khám phá vô số món - từ vỉa hè đến khách sạn 5, 6 sao. Bên cạnh đó, với 50 năm kinh nghiệm trong ngành y, mẹ chồng cô luôn chú trọng an toàn thực phẩm, hiểu cách chế biến ra sao tốt cho sức khỏe nhất, hạn chế hàm lượng bột ngọt và dầu mỡ...

Lần đầu mở nhà hàng, Khánh Ly không tránh khỏi sai sót, khó khăn, thậm chí nhận chỉ trích. Cô tiếp thu ý kiến khách hàng để thay đổi, hướng đến năm yếu tố: ngon, tốt cho sức khỏe, sạch, thuần Việt và luôn có khách quay lại.

"Tôi khắt khe mọi khâu, không pha trộn các món ăn, hương vị nước ngoài nhằm kiếm doanh thu nhanh nhất. Thay vào đó đầu tư khoản lớn, chọn lọc mắm, nước mắm và nguyên liệu ngon nhất từ Việt Nam", cô tiết lộ.

"Món ngon mẹ nấu"

Thay vì phát triển chuỗi nhanh, Khánh Ly muốn giữ mô hình bữa cơm gia đình ấm cúng. Mỗi ngày, nhân viên chăm chút từng ngóc ngách nhà hàng, thay hoa, nuôi cá để mỗi thực khách luôn có cảm giác trở về nhà, thưởng thức món ngon mẹ nấu, dù đến vào giờ trưa hay tối.

Cô cho rằng điểm mạnh và yếu tố quyết định thành công trong ngành F&B là công thức nấu nướng, đầu bếp là người nhà, từng thành viên nắm rõ mọi khâu và hỗ trợ, làm việc ăn ý. Tuy nhiên, vì mọi người đều cầu toàn, tỉ mỉ như nhau, do đó khâu ra món hơi lâu, khách phải xếp hàng chờ đợi.

"Tôi định hình Cô Chung là tinh hoa món ăn Việt, không phải nhà hàng ăn nhanh. Khách trả tiền không chỉ muốn chiêu đãi vị giác, mà còn phải thỏa mãn cả khứu giác, thị giác, thính giác...", Khánh Ly lý giải.

Bánh mì ổ là một trong những món được yêu thích tại nhà hàng Cô Chung.

Bánh mì ổ là một trong những món được yêu thích tại nhà hàng Cô Chung. Ảnh: Hàn Nguyễn

Thời điểm hạn chế khách vì Covid-19, để căn bếp luôn đỏ lửa, bà chủ 9x triển khai các ứng dụng đặt hàng online, giao nhận tận nhà. Cô chế biến nhiều món tăng sức đề kháng, thêm chanh, sả, gừng, quế, rau xanh, củ quả... vào một số món đặc trưng mà không thay đổi khẩu vị.

Nhiều thực khách bất ngờ khi bà chủ đảm nhận nhiều vai trò, lúc là đầu bếp, khi là nhân viên chạy bàn, đôi lúc dọn dẹp nhà vệ sinh. Bên cạnh đổi mới, sáng tạo món ngon, Khánh Ly luôn giữ vững yếu tố cốt lõi, đặc trưng ẩm thực Việt. Cô ép bản thân và nhân viên tuân thủ các tiêu chí thuở đầu của Cô Chung.

Lượng khách đến mỗi ngày một nhiều, một số người còn trở thành bạn thân của Khánh Ly. Có khách trong một tháng ăn tại Cô Chung 25 ngày, thậm chí họ coi nhà hàng như ngôi nhà thứ hai và không gian hoài niệm cố hương.

"Muốn khởi nghiệp ngành F&B, trước tiên tôi phải đảm nhận tốt mọi khâu, từ dọn dẹp đến đứng bếp, vì nhân sự có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Nếu không thể làm được, chứng tỏ bạn chưa sẵn sàng bắt đầu lĩnh vực này", Khánh Ly nói thêm.

Theo ngoisao.vnxpress.net