Công việc chính của Thiên Hương là làm trong lĩnh vực nghiên cứu và thiết kế dịch vụ cho web và online (UX-UI), nhưng vốn là dân học mỹ thuật, nên vẽ không chỉ là sở thích, mà còn là niềm đam mê của cô. Mỗi khi có thời gian rảnh, giống như mọi người nấu ăn, tập yoga, cô còn tập quan sát và vẽ. Và tôi chọn những chiếc khăn là nơi để trải lên đó những gì mình thấy, những ước mơ, suy nghĩ, ý tưởng mới lạ của mình.

“Tại sao lại là khăn ư? Từ xưa tôi đã thích khăn rồi, và bản thân cũng có khá nhiều khăn. Với tôi, dù chỉ là món phụ kiện, nhưng khăn rất tiện dụng. Đi du lịch thì mang theo che nắng, ngồi trên máy bay thì quàng cho ấm... Một chiếc khăn phù hợp có thể khiến người ta trông khác hẳn nữa. Trong lịch sử loài người, chiếc khăn (và trang phục nói chung), ngoài chức năng giữ ấm, vốn luôn là một điểm nhấn để tạo nên hình ảnh trong xã hội. Nhìn khăn là biết người” Thiên Hương giải thích.

leftcenterrightdel
 Thiên Hương và niềm đam mê với những mảnh vải 

Ý tưởng sẵn lắm, làm mới khó

Tôi bắt đầu dành nhiều thời gian để vẽ khăn là trong thời gian dịch Covid-19, khu trung tâm Melbourne (Úc) nơi Thiên Hương ở trải qua nhiều tháng giãn cách (lockdown) ngặt nghèo, hạn chế không được ra khỏi nhà quá 5km, và quá 1 giờ mỗi ngày. Mọi công việc cũng chuyển qua làm online. Thế là từ vẽ chơi, cô gái gốc Việt quay ra vẽ thật mỗi ngày và thương hiệu Hanoi Original ra đời.

Thiên Hương chia sẻ: Có hai nguồn cảm hứng gần như không bao giờ cạn, và thường luôn nằm trong mọi bản vẽ của tôi. Thứ nhất là các họa tiết hay hình ảnh từ thiên nhiên. Đó có thể là chuỗi hoa chuối pháo, hoa phượng, san hô, sên biển, chim gouldian finch (một loài chim bản địa rực rỡ của Úc) hay thế giới đại dương bí ẩn, kỳ diệu.

leftcenterrightdel
 Những họa tiết được vẽ bằng tay

Nguồn cảm hứng thứ hai của tôi gửi gắm qua các mẫu thiết kế, là mong muốn giới thiệu về các nét văn hóa bản địa, hay tiếng nói của nhóm thiểu số. Nói tới thiểu số là tôi muốn so sánh nhóm đó với đại diện chung, ví dụ như người thổ dân Úc (Australian First Nations) là thiểu số ở Úc, Việt kiều ở Úc cũng là thiểu số; phụ nữ châu Á, di cư làm trong các lĩnh vực nhiều đàn ông, ở nước ngoài, cũng là thiểu số. Tức là những nhóm ít được đại diện, và có tiếng nói yếu thế hơn, ít được biết tới so với đám đông. Những câu chuyện nhỏ về những nhóm thiểu số này thường được tôi đưa vào các bản vẽ của mình, và gửi gắm vào đó một vài thông điệp mang ý nghĩa. 

leftcenterrightdel
 Mỗi chiếc khăn gửi gắm một thông điệp ý nghĩa

Với tôi, ý tưởng vẽ luôn sẵn lắm, làm mới khó! Là dân tay ngang trong lĩnh vực thời trang, để tự làm tất cả mọi thứ không dễ. Tôi chập chững bắt đầu từ những bước đầu tiên: tìm hiểu về in vải, các loại kỹ thuật in, in một mặt, in hai mặt, các loại chất liệu vải, sợi, rồi in lên vải thì cần điều chỉnh sao cho thiết kế phù hợp để nó in ra được đúng mong muốn. Cứ từ từ, mỗi lúc một chút tìm hiểu về mảng này, in thử lên nhiều loại vải lụa để biết vậy thôi. Làm, làm thử, làm hỏng, chỉnh sửa, làm lại... là hành trình quen thuộc mỗi ngày của tôi để có sản phẩm khăn hoàn thiện như ngày hôm nay.  

Mặt khác, vì tôi thoạt tiên mong muốn sản xuất ở Úc 100%, nhưng quốc gia này không phải là thị trường gia công may mặc lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, hay chính Việt Nam, nên công việc cũng có nhiều rào cản. Khi tôi muốn tìm những kỹ thuật in hiện đại nhất thì Úc chưa có nhiều hoặc chưa phổ biến. Chưa kể những nguyên liệu cao cấp như Cashmere thì nguồn gốc là từ Kashmir, Ấn độ, Trung Quốc và Mông Cổ. Hay như lụa thì cũng lại có nguồn gốc Trung Quốc với con đường tơ lụa, và rất nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm có khí hậu mát lạnh tự nhiên. Cùng với đó, kỹ năng thủ công, may mặc cũng không phải thế mạnh của Úc, nên hiếm người có kỹ năng may, hay khâu giỏi nữa. Những điều này là hạn chế tôi gặp phải và đang dần tìm cách tiếp cận tốt hơn, ví dụ như tìm đối tác uy tín, có kinh nghiệm tại những thị trường hàng đầu về may mặc như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Mẫu khăn cho mùa Tết năm 2022 của Thiên Hương

Những ý tưởng mới

Rồi dần dần mọi việc cũng ổn thỏa, Thiên Hương cho biết. Cô đã có những đơn hàng đầu tiên. Dù sống và vận hành công việc từ Úc, chọn thị trường Úc làm trọng tâm, nhưng hạnh phúc của cô là có những khách đặt mua khăn từ Mỹ, châu Âu và Việt Nam. 

“Xin chia sẻ thêm một thành công mới của tôi, là trong tháng 10 vừa rồi, mẫu khăn High Summer trên khăn lụa lớn (kích thước 90x90cm) đã nhận đề cử và đoạt giải Editor's Choice của SHE-com Award 2022. Đây là một giải thưởng dành cho các doanh nghiệp nhỏ, do phụ nữ đứng đầu và vận hành tại Úc. Những thành công nho nhỏ này là động lực để tôi không ngừng sáng tạo và phát triển thêm các dòng sản phẩm tiện ích hơn. Tôi còn muốn sẽ tiếp tục làm những chiếc khăn riêng bằng chất vải co dãn và thoáng dành cho các bạn đi phượt, đi xe đạp trùm cổ, trùm đầu; hay thậm chí dành cho bệnh nhân đang phải xạ trị hóa trị dùng để trùm, để làm điệu khi tóc bị rụng...”, Thiên Hương bật mí.

leftcenterrightdel
 Thiên Hương và các mẫu khăn vẽ

Chào đón mùa lễ hội cuối năm 2022, Thiên Hương có thêm một mẫu vẽ mới trên khăn tên là Peony Queen - Nữ hoàng mẫu đơn. Hoa mẫu đơn là một hình mẫu trong văn hóa phương Đông. Loài hoa không chỉ đẹp, mà còn là biểu tượng của sự phồn thịnh, sự quả cảm và chính trực trong những hoàn cảnhh khó khăn. Cho bản vẽ này, cô chọn mầu hồng đào, ấm áp, rất là “nịnh da”, dễ kết hợp mầu với trang phục. Đặc biệt trong thiết kế có thêm một chú mèo bé xinh ngồi trong hoa – tượng trưng cho năm con Mèo - Quý Mão của 2023 tới đây.

“Với tôi, khăn vẫn đang làm niềm đam mê và ưu tiên số 1. Tôi muốn dành nhiều thời gian để làm thật tốt, để đưa những mẫu khăn của Hanoi Original đến với thật nhiều nơi trên thế giới!”, Thiên Hương khẳng định.