Hoàng Diệu Linh (20 tuổi), nữ sinh Việt Nam xuất sắc ở Phần Lan

 Hoàng Diệu Linh (20 tuổi) là sinh viên năm thứ ba ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Helsinki - trường lâu đời và có tiếng nhất ở Phần Lan. 2 năm trước khi học tại Đại học Khoa học ứng dụng Jyvaskyla, Đại học Khoa học ứng dụng Metropolia, Linh luôn lọt top sinh viên có kết quả học tập xuất sắc với điểm tổng kết GPA 4.9 và 4.8/5.0.

Cựu học sinh lớp chuyên Anh trường THPT chuyên Sư phạm (Hà Nội) cho biết, giữa năm lớp 12 mới quyết định du học. Ý tưởng đến bởi sự hiếu thắng "các bạn đi được thì mình cũng đi được". Do không chuẩn bị trước, Linh chỉ có một tháng tự tìm hiểu, làm hồ sơ và thi chuẩn hóa. Nhưng với học lực luôn đạt 9.3-9.5 điểm tổng kết môn tiếng Anh, em dễ dàng chinh phục bài thi IELTS với 7.5 điểm."Em muốn mỗi năm tới một đại học để gặp những con người mới, tận dụng được tối đa cơ hội để phát triển bản thân. Metropolia hay Helsinki đều là trường top, nên cơ hội được nhận vào khi chuyển trường rất ít. Có lẽ do điểm GPA cao nên hồ sơ của em may mắn được chấp nhận", nữ sinh chia sẻ.

Đến ngày tuyển sinh chung của các đại học Phần Lan ở Việt Nam, Diệu Linh chọn theo ngành Kinh doanh quốc tế nên được giao đọc một báo cáo tài chính có thật. Dựa vào đó, em phải viết luận, làm bài trắc nghiệm, kèm một phần tính toán cơ bản. Linh sau đó được xếp nhóm với một số ứng viên cùng thi tuyển và thực hiện phần thi thảo luận nhóm về chủ đề ngẫu nhiên.

Với tổng điểm 35/40, cựu chủ tịch câu lạc bộ tiếng Anh trường THPT chuyên Sư phạm đỗ vào Đại học Khoa học ứng dụng Jyvaskyla (viết tắt là JAMK). Tại nền giáo dục này, tất cả học sinh, sinh viên được hoàn toàn miễn học phí.

Bỏ lại suất tuyển thẳng vào Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) do có điểm tổng kết môn chuyên Anh các năm cao, Diệu Linh sang xứ sở tuyết trắng. "Quê hương của ông già Noel lạnh lắm, có lúc xuống -30 độ. Mùa đông âm u, thời gian chiếu sáng chỉ được mấy tiếng. Mùa hè thì có khi 22h mặt trời vẫn chưa lặn. Nhiều lúc không xem đồng hồ, em quên là đã nửa đêm", nữ sinh chia sẻ.

Ấn tượng lớn nhất của Diệu Linh khi học tập tại Phần Lan là cách nhìn nhận và đánh giá sinh viên rất linh hoạt, theo tiềm năng. Linh từng tham gia một cuộc thi về giao tiếp liên văn hóa của Đại học JAMK nhưng dự án của nhóm lại được trao giải Giải pháp khủng hoảng tài chính xuất sắc nhất. Thực tế, báo cáo đó chỉ lấy bối cảnh về cuộc khủng hoảng tài chính khi mỗi nước giữ một quan điểm riêng về cách xử lý nó, để truyền thông về văn hóa. Không có biện pháp xử lý khủng hoảng tài chính nào được đưa ra ở đây.

"Giáo viên có xu hướng nhìn nhận và đánh giá rất linh hoạt, chú trọng vào tiềm năng của sinh viên nhiều hơn là theo quy chuẩn cứng nhắc. Thầy cô thường xuyên khẳng định không có câu trả lời đúng hay sai, vấn đề là các bạn biết mình đang làm gì, biết chứng minh cho những điều mình tin. Chúng em cũng ít khi bị chê trách. Nếu lỡ làm dở điều gì thì giáo viên cố tìm cho ra điểm tốt để khen rồi mới góp ý xây dựng. Điều này giúp chúng em không bị nản mà có động lực hoàn thiện bản thân", Linh chia sẻ.

Môi trường giáo dục của Phần Lan khiến nữ sinh người Việt biết trân trọng tiềm năng riêng của bản thân và những người khác. Từ đó em sẵn sàng xung phong nhận nhiều dự án lớn của trường và các công ty. Linh từng tham gia tổ chức và dẫn chương trình cho sự kiện tôn vinh việc cất tiếng nói và chia sẻ ý tưởng The World Speech Day: Thoughts for a better world. Sáng kiến toàn cầu lần đầu diễn ra ở Phần Lan này thu hút cả ứng viên tổng thống Pekka Haavisto cùng nhiều đại diện doanh nghiệp và sinh viên ngành kinh doanh tham dự.

"Trong mắt các bạn nước ngoài, Diệu Linh rất có khả năng lãnh đạo. Bạn ấy hay làm nhóm trưởng ở các hoạt động tập thể, tham gia cuộc thi liên quan đến ngành học và hầu như đoạt giải. Với du học sinh Việt Nam tại Phần Lan, Linh được nhiều người biết đến vì học giỏi. Điểm học tập của bạn ấy luôn đạt tuyệt đối, đứng thứ nhất khóa của khoa Kinh doanh quốc tế, Đại học Khoa học ứng dụng Jyvaskyla", Hoàng Thảo Ly, sinh viên năm 2 của JAMK nói. Gần đây, Linh làm chuyên viên phụ trách cân đối thu chi, dự báo tài chính cho một công ty cung cấp các khóa học, chuyến đi trải nghiệm trao đổi văn hóa tại Bắc Âu cho sinh viên quốc tế. Em ngoài ra còn phụ trách mảng nội dung truyền thông trên mạng xã hội của dự án khởi động ứng dụng Froodly và Flioz; là trợ giảng của Hội đồng Anh (Hà Nội).

Du học ở nước Mỹ xa xôi, Bùi Trần Bảo Ngọc (Đại học Duke) cũng nghe được nhiều lời ngợi khen về người bạn cùng trường THPT. Em cho biết, ấn tượng lớn nhất về Linh là tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và luôn trăn trở về việc đổi mới cách thức làm việc để tăng cường hiệu quả của tổ chức.

"Diệu Linh có cái đầu bùng nổ cả về ý tưởng dự án lẫn phương diện lãnh đạo và rất tâm huyết với các vấn đề xã hội. Bạn ấy luôn đặt yêu cầu cao với chất lượng các sản phẩm làm ra", Bảo Ngọc nói và cho biết học hỏi được nhiều kỹ năng, cách tư duy khi làm việc với người bạn có tố chất lãnh đạo này.

Hiện, Diệu Linh là chủ tịch kiêm người sáng lập tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam (VOGE). Trang mạng xã hội của tổ chức này hiện có hơn 18.000 lượt theo dõi. Trại hè Em và bình đẳng giới với hàng trăm học sinh Hà Nội tham dự và những video về thực trạng bất bình đẳng giới được cộng đồng lan tỏa, là dấu ấn đáng kể cho dự án mới hình thành được một năm của nữ sinh Việt Nam này.

Theo VNExpress