Lê Nam Thuận An. (Ảnh: NVCC)
Lê Nam Thuận An. (Ảnh: NVCC)

Trong cuộc trò chuyện với TG&VN, cô du học sinh Việt Nam tại Đại học Cornell danh tiếng của Mỹ đã chia sẻ những bí quyết để thành công với “gap year” (kỳ nghỉ khoảng 12 tháng tạm dừng việc học tập chính quy), trong đó có việc xây dựng một chương trình học bổng nhằm khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam hành động và theo đuổi ước mơ riêng…

Đang học năm thứ hai đại học, lý do gì khiến bạn quyết định “gap year”?

Lý do đầu tiên là ngôi trường tôi học theo mô hình giáo dục khai phóng nên có thể thoải mái lựa chọn các môn học, ngành học. Tuy nhiên, từ năm thứ nhất cho đến năm thứ hai, tôi vẫn chưa bao giờ thực sự hiểu bản thân mình phù hợp và mong muốn học ngành nào. Vì vậy, tôi muốn có một năm thực tập ở các công ty để xem các ngành nghề có cơ hội ra sao và quan trọng là có hợp với mình không để tiếp tục phấn đấu.

Lý do thứ hai là trong hai năm đầu đại học, tôi vừa đi học và thử làm YouTuber. Tuy nhiên, khi làm kênh thì công việc chỉ là một mình với camera và máy tính để dựng video nên tôi muốn thử tìm hiểu các quy mô lớn hơn như một studio sản xuất như Vietcetera, một hãng sản xuất chuyên nghiệp như Dentsu...

Bởi vậy, tôi tạm nghỉ học, đi thực tập tại hai công ty này để tìm hiểu và học hỏi từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn trong mảng truyền thông, sáng tạo.

Kết quả sau gần một năm có đúng như kỳ vọng của bạn không?

Trong năm “gap year”, tôi có hai kỳ vọng chính: có thể đi thực tập ở một công ty yêu thích và được apply học bổng một chương trình trao đổi tại nước ngoài.

Với kỳ vọng thứ nhất, khi về Việt Nam, tôi xác định bắt đầu hành trình thực tập tại Vietcetera. Ở thời điểm ấy, Vietcetera không tuyển nhân viên nên tôi nghĩ ra một hoạt động khá vui để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Tôi tới văn phòng công ty, phát những lon cà phê miễn phí cho các anh chị nhân viên (trên nắp của những lon cà phê dán một sticker có một QR code).

Khi mọi người uống cà phê và scan cái QR code thì sẽ được dẫn đến một video giới thiệu bản thân trên YouTube, chia sẻ tại sao tôi lại là một ứng cử viên phù hợp để trở thành thực tập sinh cho công ty. Với cách làm đấy, tôi đã được nhận vào làm thực tập sinh với vị trí mong muốn là Creative Intern - thực tập sinh về mảng sáng tạo nội dung.

Tiếp theo, tôi có apply một học bổng rất đặc biệt tên là “Semester at sea” - chương trình dành cho các bạn trẻ đang học đại học có cơ hội khám phá vòng quanh thế giới ở nhiều quốc gia khác nhau trên một con thuyền. Chương trình có giá trị lên đến 30.000 USD nhưng tôi apply ba lần không thành công và không đạt mục tiêu này.

Thay vào đó, tôi tìm cách khác để thực hiện mong muốn của mình là thử nghiệm và du lịch nước ngoài bằng cách làm các dự án quảng cáo trên YouTube với các nhãn hàng yêu thích, sau đó sử dụng nguồn tiền tự kiếm được để tự đi các nước ở khu vực Trung Đông như Bahrain, Oman, Palestine, Israel và Ai Cập.

Kết quả tuy không đúng với kỳ vọng ban đầu nhưng việc tôi tự trải nghiệm, khám phá lại cho tôi sự tự lập với nhiều góc nhìn mới về những vùng đất mà mình thực sự quan tâm, đặc biệt là các nước Hồi giáo.

Bạn đã thành lập Học bổng giáo dục Vừng (Vừng Education Scholarship), hiện hiệu quả hoạt động của chương trình ra sao?

Chương trình Học bổng giáo dục Vừng thực hiện bắt đầu từ mùa Hè 2023, được truyền cảm hứng từ sự biết ơn các cơ hội học bổng mà tôi từng nhận được trong suốt hành trình đi học tại trường UWC Nhật Bản hay Đại học Cornell, với mục tiêu khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam hành động và theo đuổi ước mơ của riêng mình thông qua hoạt động phát triển bản thân và sự nghiệp.

Trong năm đầu tiên, tôi và đội ngũ của mình vô cùng bất ngờ và cảm kích khi nhận được 1.109 đơn ứng tuyển của các bạn trẻ Việt Nam đang học tập và sinh sống ở bảy quốc gia trên thế giới và người đã nhận được học bổng của năm 2023 là Khang A Tủa – nhà sáng lập dự án “Ná Nả: mùa gì mua nấy”, vốn là sinh viên người H’mông đầu tiên ở Đại học Fulbright Việt Nam.

Khang A Tủa sử dụng học bổng cho dự án “Ná Nả: mùa gì mua nấy” để hỗ trợ nông dân và người H’mông có thể quảng bá được sản phẩm nông nghiệp và thủ công của mình đến với nhiều người, tăng thu nhập cho người H’mông.

Lê Nam Thuận An cùng team của Chương trình Học bổng giáo dục Vừng. (Ảnh: NCVV)
 
Lê Nam Thuận An cùng team của Chương trình Học bổng giáo dục Vừng. (Ảnh: NCVV)

Vẫn đang đi học, bạn làm gì để duy trì hoạt động cũng như phát triển Quỹ học bổng?

Số tiền thưởng của học bổng hiện nay hoàn toàn được trích từ thu nhập có được từ kênh YouTube Vừng. Thông qua chương trình, tôi muốn gửi lời tri ân với khán giả đã xem kênh có chung ước mơ theo đuổi con đường học tập, tạo nên những sự thay đổi tích cực cho Việt Nam và cộng đồng riêng của các bạn.

Đồng hành với tôi trong việc tổ chức và duy trì hoạt động của chương trình học bổng qua các năm là các thành viên ở công ty UNICOM mà tôi đang làm việc, cũng như sự đồng hành của Hội đồng tuyển chọn học bổng độc lập. Hội đồng tuyển chọn học bổng năm 2023 có sự tham gia của chị Khánh Vy (MC, nhà sáng tạo nội dung với gần 10 triệu người theo dõi), chị Ruby Nguyễn (nhà sáng lập, CEO của startup giáo dục Curieous) và anh Vũ Anh Duy (Giám đốc Vận hành kinh doanh của Funding Societies Vietnam). Tôi và các bạn trong team đang chuẩn bị cho sự trở lại của chương trình Học bổng giáo dục Vừng 2024 vào tháng Sáu này.

Với vai trò YouTuber, bạn có nghĩ đến việc kết nối với cộng đồng người Việt và quảng bá về văn hoá và đất nước Việt Nam không?

Tôi vẫn luôn thực hành công việc này mỗi khi mình có cơ hội. Trong những sự kiện văn hoá ở trường, tôi vẫn tham gia và đại diện cho Việt Nam. Tôi cũng làm một số bài thuyết trình về Việt Nam để các bạn hiểu hơn về đất nước mình ở câu lạc bộ sinh viên quốc tế, thi thoảng tổ chức những buổi picnic và nấu món ăn Việt cho các bạn nếm thử…

Thời gian tới, tôi vẫn sẽ chia sẻ những trải nghiệm khi du học ở nước ngoài dành cho các bạn muốn tìm hiểu về cuộc sống, công việc khi ở bên Mỹ và nhiều bí quyết học tập hữu ích. Tôi rất hy vọng có thể được đại diện các thanh niên Việt Nam ở các diễn đàn văn hoá, ngoại giao quốc tế, cũng như cộng tác với Đại sứ quán Việt Nam ở các nước để góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Lê Nam Thuận An, sinh năm 2002, từng theo học bằng Tú tài quốc tế tại trường United World College (UWC) tại Nhật Bản, tác giả phim ngắn "A drop of the Ocean" được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế về biển vào tháng 3/2019.

Trúng tuyển sáu trường đại học ở Mỹ với mức học bổng từ 70-100%, cô lựa chọn Đại học Cornell với học bổng 7,2 tỷ đồng.

Cô vừa hoàn thành kỳ thực tập tại một startup ở Mỹ là Rewind AI sản xuất các sản phẩm công nghệ, là chủ kênh YouTube Vừng chia sẻ cho cộng đồng khoảng hơn 230.000 subscribers các nội dung về chủ đề học tập và phát triển bản thân.

Theo baoquocte