Nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến phỏng vấn Tổng thống Áo Heinz Fischer
Nhà báo Bích Yến hiện đảm nhiệm vị trí Đại diện Thường trú của báo Văn Nghệ tại CH Áo, châu Âu, Liên hợp quốc (tại Vienna). Là một trong 15 kiều bào tiêu biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ chín vừa qua, chị về Việt Nam lần này cùng một bộ phim tài liệu và hoài bão kêu gọi tổ chức sự kiện “Ngày Việt Nam” với Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đồng loạt trên toàn cầu.
Mối duyên văn - võ
Đi tập Taekwondo chỉ với mục đích rèn luyện sức khỏe nhưng chị lại bị môn võ này “hút hồn” lúc nào không hay. Sau khi giành nhiều huy chương trong màu áo đội tuyển CLB Quân đội, chị được các thầy động viên học và thi lên làm huấn luyện viên rồi trọng tài. Trong sự nghiệp “cầm cân nảy mực”, những quyết định của chị Bích Yến luôn được mọi người tâm phục khẩu phục. Thậm chí, một nhà báo thể thao từng nói với chị: “Bao nhiêu năm theo dõi, tôi ít thấy trọng tài nào có phong cách, điều khiển trận đấu tốt như cô”.
Bích Yến chia sẻ, chính võ thuật đã rèn luyện bản lĩnh và nhân cách của chị. Hơn nữa, tận cùng của võ chính là văn. Vì thế, tập võ và cầm bút không phải là hai việc đối lập mà trái lại còn bổ trợ cho nhau để giúp mình mạnh mẽ hơn.
Năm 2011, chị Bích Yến được báo Wiener Zeitung (thành lập năm 1703 – tờ báo lâu đời nhất thế giới còn hoạt động) của Áo tiếp nhận làm nghiên cứu chương trình thạc sỹ về đề tài “Công chúng thị trường báo chí” và đạt kết quả xuất sắc. Đề tài nghiên cứu của chị đã được các nhà khoa học Áo và Việt Nam đánh giá cao. Đại sứ CH Áo tại Việt Nam khi đó là ông Georg Heindl nhận xét: “Công trình nghiên cứu của chị Yến đã đóng vai trò nền tảng – là nhịp cầu mở đầu, kết nối cho việc hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực báo chí, truyền thông giữa Việt Nam và Áo”. Hiện tại, chị đang tiếp tục nghiên cứu đề tài này ở cấp Tiến sĩ.
Khi đến nước bạn, chị Bích Yến đã có một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp. Lúc còn ở Việt Nam, chị là phóng viên thuộc mảng văn hóa, nghệ thuật của báo Văn Nghệ. Nhưng khi đến Áo, chả hiểu duyên cớ nào lại khiến chị “lạc” vào mảng chính trị. Chị được Chính phủ Áo, Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Vienna, Liên hợp quốc tại Vienna, cấp thẻ tác nghiệp báo chí tại đây.
Lâu dần cũng quen, cùng với sự hỗ trợ của chồng (nhà nghiên cứu về lịch sử, chính trị), chị Bích Yến đã bị cuốn vào lĩnh vực này. Quá trình tác nghiệp với công chúng, đồng nghiệp, bạn bè quốc tế, các vị nguyên thủ quốc gia… đã đem lại cho nữ nhà báo nhiều tư liệu “sống”, phục vụ cho công việc và niềm đam mê sáng tác văn chương.
Đắm đuối với “Ngày Việt Nam”
Năm 2015, chị đã cùng bốn người bạn là trí thức, doanh nhân, nhà thiết kế thời trang, phối hợp với các bộ, ban, ngành (Việt Nam và Áo), các hội, đoàn, doanh nghiệp kiều bào… tổ chức “Ngày Việt Nam” lần đầu tiên tại Áo. Với việc kết hợp tổ chức tại quảng trường nhà máy bia Ottakringer ở Wien, các vị khách đã có dịp được thưởng thức hương vị bia lừng danh của Áo cùng các món ăn Việt Nam. Không những vậy, Ban tổ chức còn mời các hoa hậu, người mẫu, ca sĩ của Áo, châu Âu để quảng bá cho sản phẩm lụa Hà Đông, áo dài Việt Nam… và tổ chức bán đấu giá một số vật phẩm để ủng hộ đồng bào Quảng Ninh khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử.
Bất chấp thời tiết mưa lạnh, “Ngày Việt Nam” đầu tiên tại Áo, vẫn thu hút gần 3.000 lượt người tham gia. Nói về kinh nghiệm tổ chức, chị Yến cho biết, nếu chỉ giới thiệu đơn thuần văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, sự kiện sẽ không thể đạt được hiệu quả cao. Ban tổ chức nên kết hợp giới thiệu cả văn hóa ẩm thực, nghệ thuật của nước sở tại, mời những người nổi tiếng cùng tham dự. Chỉ khi được giao thoa với văn hóa nước bạn, văn hóa Việt Nam mới được công chúng biết đến, trân trọng và mong muốn tìm hiểu.
Trở về Việt Nam lần này, chị Bích Yến dự định sẽ trao đổi với các bộ, ban, ngành, để chuẩn bị tiếp tục tổ chức “Ngày Việt Nam” tại Áo vào những năm tiếp theo. Tuy nhiên, khi gặp 14 kiều bào tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, chị đã nảy ra ý định tổ chức sự kiện này trên phạm vi toàn cầu trong một ngày thống nhất (dự kiến vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương).
Theo chị, cách tổ chức như vậy sẽ giúp cho việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam... một cách hệ thống, toàn diện và thường niên trên thế giới. Thêm vào đó, sự kiện còn là chất xúc tác để gắn kết tinh thần đại đoàn kết dân tộc và quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở nước ngoài...
Ý tưởng của chị Bích Yến đã nhận được sự ủng hộ của một số kiều bào và lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... và nhận được sự nhất trí cao. “Chỉ cần bốn, năm quốc gia khởi động đồng loạt sự kiện này trong một vài năm đầu, Hội người Việt tại các quốc gia khác sẽ nhìn thấy kết quả và sẽ cùng tham gia”, nhà báo chia sẻ.
Trong năm 2015, nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến đã thực hiện một bộ phim tài liệu về vấn đề di cư tại châu Âu. Trong quá trình quay phim, nữ nhà báo có những cuộc phỏng vấn sống động với các nhân vật đã phải lênh đênh trên biển để chạy trốn chiến tranh, chạy trốn đói nghèo; với những tình nguyện viên, nhân dân Áo, châu Âu hay các chính khách...
Trong quá trình thực hiện tác phẩm, có người đã nói với chị rằng: “Cảm ơn các bạn Việt Nam, cảm ơn nhà báo Việt Nam đã có mặt cùng chúng tôi trong thời điểm này”.
Hiện tại, chị Bích Yến đang phối hợp với các đồng nghiệp Việt Nam và Áo để hoàn thành bộ phim tài liệu với tiêu đề Cảm ơn nước Áo. Chị dự định sẽ phối hợp phát bộ phim này trên sóng truyền hình của Việt Nam và Áo, với mong muốn các đồng nghiệp, chính khách và công chúng nhân dân hai nước sẽ cùng đồng cảm, chia sẻ với nhau trong cách nhìn nhận, thấu hiểu và giúp đỡ những người tị nạn Trung Đông.
Theo Thế giới và Việt Nam