Trở thành biểu tượng cho giới trẻ Úc

Năm 4 tuổi, Tần và em gái theo mẹ sang Úc. Cuộc sống mới nghèo khổ và túng thiếu đã khiến cô bé Tần dồn hết tâm trí vào việc học. Kết quả xuất sắc, cô “nhảy lớp” liên tục và 16 tuổi đã có học bổng toàn phần vào học tại trường ĐH Monash. 20 tuổi, Tần sở hữu 2 bằng cử nhân Luật và Thương mại.

“Từ năm 14 tuổi, tôi bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ cộng đồng nhập cư. 18 tuổi, tôi trở thành Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Footscray và Trung tâm Dịch vụ nhân lực Việt - Úc, chuyên hỗ trợ dân nhập cư tìm việc và ổn định cuộc sống”, Tần kể. Cô đôn đáo tìm kinh phí để tổ chức các lớp dạy ngoại ngữ cho người nhập cư, bởi cô biết, đó là chìa khóa giúp họ một cách thiết thực nhất, khi không còn bất đồng ngôn ngữ, họ sẽ tự tin hơn.

Khát vọng kết nối cộng đồng và muốn mang đến cho mọi người một cuộc sống tốt đẹp hơn của Tần đã chạm tới trái tim của những người dân Úc. Cô được chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu của nước Úc năm 1998 - giải thưởng thường niên dành cho cá nhân ưu tú dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất trong xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên một nữ sinh gốc Việt giành được danh hiệu này.

“Đấy là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi, bởi trước đó, tôi là một người hết sức bình thường, chỉ đứng phát biểu trên lớp đôi khi cũng khiến tôi “khóc thét” vì… run. Vậy mà tôi lại trở thành biểu tượng cho giới trẻ Úc. Nhưng cũng chính danh hiệu này đã đã thổi sức sống mới và mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới. Tôi phải đọc nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người và phải có ý kiến, quan điểm của riêng mình trong nhiều lĩnh vực. Dần dần, tôi đã có thể nói chuyện trước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người mà không còn cảm thấy sợ nữa”, Tần nhớ lại.

Công nghệ thay đổi thế giới

Tốt nghiệp đại học, Tần trở thành luật sư ở hãng luật lớn nhất nước Úc nhưng cô không thấy hài lòng với công việc mình đang làm. “Sáng nào tôi cũng ra khỏi nhà từ lúc 6h50 để kịp bắt xe điện. Những gương mặt mệt mỏi đứng ken nhau trong khoang, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của một đàn cừu lúp xúp, phải làm những điều mình không thích. Vậy là mới đi làm vài năm, tôi đã muốn rẽ sang hướng khác”, Tần nhớ lại. 

Ý nghĩ, công nghệ là cách nhanh nhất để thay đổi thế giới đã thôi thúc Tần chuyển hướng sang lĩnh vực này, dù hồi đó, với công nghệ Tần là người “ngoại đạo”. Cô đọc rất nhiều sách về công nghệ dẫu không phải là một chuyên gia, cũng chưa bao giờ làm gì liên quan đến công nghệ. Song, cô không thấy sợ và vẫn muốn thử sức. Bắt đầu làm đã thấy khó đủ đường, vì: Tiền không có, kiến thức chuyên sâu không nhiều, quan hệ cũng không… Nếu là người khác, có lẽ đã muốn bỏ cuộc, nhưng Tần chọn cách đương đầu với thực tế.

Ý tưởng muốn làm một thiết bị đo sóng não bất ngờ đến với Tần năm cô 25 tuổi. Đó là một sản phẩm chưa bao giờ có trên thế giới, Tần biết là không hề đơn giản nhưng cô muốn theo đuổi đam mê này. Cuối năm 2003, Tần cùng 3 người bạn đến Thung lũng Silicon (Mỹ) thành lập công ty Emotiv System, với khát vọng cho ra đời những sản phẩm điều khiển mọi thứ bằng suy nghĩ và cảm xúc của con người.

Sau 7 năm nghiên cứu, sản phẩm đầu tiên Emotiv EPOC ra đời với hình dáng 1 chiếc mũ EGG nhỏ, kèm theo 16 nút điện cực ghi lại mọi hoạt động trong não và cử chỉ gương mặt. Sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong y học, nghiên cứu khoa học, trò chơi điện tử… Mũ EGG đã ghi dấu ấn trong lĩnh vực công nghệ của thế giới nhưng với Tần, sản phẩm vẫn chưa đạt được điều cô mong muốn nên cô đã quyết định dừng lại.

Tần kể: “Đầu năm 2011, trong một lần trò chuyện với sinh viên, câu hỏi: “Điều gì làm cho bạn lo lắng?” đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều mới đưa ra được câu trả lời: “Đó là khi tôi không còn đam mê với công nghệ nữa!”. Đồng thời, tôi cũng bất ngờ phát hiện ra rằng, mình không nghĩ đến giá trị thực sự mà sản phẩm mang lại cho cuộc sống, tôi đã quá quan tâm đến việc bán sản phẩm”.

Tháng 8/2011, Tần bắt đầu lại và đến tháng 10/2015, sản phẩm thứ 2 Emotiv Insight được tung ra thị trường. Thiết bị này có thể thu thập, phân tích hoạt động trong não để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý hay chấn thương. “Thiết bị cũng rất tốt với phụ nữ khi hướng dẫn luyện tập cho não, giúp não khỏe hơn, hỗ trợ giấc ngủ…”, Tần hào hứng chia sẻ. Sản phẩm của Emotiv được bán tại trên 120 nước trên thế giới.

Điểm hẹn: Việt Nam

Xa Việt Nam hơn 30 năm nhưng Tần vẫn ấn tượng với Tết Việt. Nhớ hồi cô còn nhỏ, mẹ vẫn nấu cỗ Tết với những món truyền thống và thích nhất là được lì xì trong dịp năm mới. Tần nhắc đến mẹ với tình yêu thương vô bờ bến, cô nói, mẹ đã hy sinh rất nhiều cho tương lai của các con. Mẹ là nguồn cảm hứng, thúc đẩy mạnh nhất, đưa ra những lời khuyên mà suốt đời cô không bao giờ quên, đó là nhắc con làm được gì cho xã hội, cộng đồng tốt đẹp hơn thì cố gắng làm.

“Mẹ tôi là người rất cầu tiến, hồi trẻ bà vừa tần tảo nuôi con, vừa học thêm tiếng Anh trong các lớp buổi tối. Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bầu làm Thị trưởng ở Maribyrnong, vùng ngoại ô của Melbourne. Bà quyết định học đại học khi tuổi không còn trẻ và đã học xong bằng cử nhân, thạc sĩ Luật... Những gì tôi làm được nếu so với mẹ thì không là gì”, Tần bộc bạch.

Hiện tại, mẹ Tần vẫn sống ở Úc, còn cô sống ở Mỹ và điểm hẹn mới đây nhất của 2 mẹ con là ở Việt Nam. Tần chia sẻ, lần nào về Việt Nam, cô cũng thích được ghé các hàng quà vặt vì quá “nghiền” món ăn Việt. “Tôi và mẹ luôn luôn cảm thấy hạnh phúc khi bên nhau ở Việt Nam”, Tần chia sẻ.

An Huy