"Không quen ngồi không"
Đã 17 năm rồi, nhưng chị Mai Renko vẫn bật cười khi nhớ lại cái buổi sáng tại văn phòng tìm kiếm việc làm ở Kauhava, vùng Nam Ostrobothnia, Phần Lan, lúc chị vừa cùng chồng và ba con từ Việt Nam trở về thành phố quê hương của anh Esa Renko (chồng chị). Trước đó, họ có 10 năm sống ở Việt Nam, anh làm chuyên gia cho các dự án cấp nước của Phần Lan và Đan Mạch, chị cũng làm các công việc tự do, chủ yếu là tư vấn cho các tổ chức quốc tế.
Buổi sáng, sau khi chồng đến nhiệm sở nhận công việc mới, các con đến trường, thì chị cũng ra khỏi nhà, đi… tìm việc. Người phụ nữ ở văn phòng lao động hết nhìn chị lại nhìn hồ sơ của chị, rồi hỏi: "Chị nói là chị đang thất nghiệp?". Chị Mai trả lời: "Vâng. Tôi đang thất nghiệp. Tôi cần có việc làm". Người phụ nữ ấy ngạc nhiên: "Nhưng mà chị mới vừa về đến Kauhava hôm qua?".
Tuy nhiên, cũng phải vài tháng sau chị mới có việc làm, nhưng là chị tự tìm được. Một trong những công việc chị từng trải qua là làm Giám đốc hai dự án quốc tế ở Hội đồng vùng Nam Ostrobothnia. Vì thế mà chị có cơ hội trở thành tác nhân thúc đẩy phát triển hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức ở Phần Lan với Việt Nam.
Từ bấy tới nay, chị chưa bao giờ làm việc vì thúc ép mưu sinh. Anh là chuyên gia quốc tế, thừa sức nuôi chị và các con. Nhưng lúc nào chị cũng lăn xả với công việc. "Vì tôi không quen ngồi không, vì nhu cầu sống khỏe, sống có ích", chị nói.
Duyên nợ với đất nước Phần Lan
Chị Mai tự bạch: "Tôi tuổi Tân Sửu, là con trâu nước, nên cuộc đời tôi cứ phải gắn bó với những gì liên quan tới nước".
Như là một sự sắp đặt của số phận, đầu tiên, chị Mai được phân vào ngành cấp thoát nước sau khi đỗ Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Vì không thích ngành này nên hết năm thứ nhất, chị bỏ, thi lại ĐH vào khoa Tiếng nước ngoài của Trường ĐH Tổng hợp (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp ĐH, để "đón lõng" cơ hội được sử dụng tiếng Anh trong công việc, chị xin vào làm công nhân ngành cấp nước, vì nghe nói sắp có một dự án cấp nước của Phần Lan đầu tư cho Hà Nội. Sau khi 2 nước ký hiệp định, chị được bổ nhiệm chính thức vị trí phiên dịch. "Làm được gần 10 năm thì tôi thấy yêu mến, gắn bó với con người Phần Lan, nên chọn lấy luôn một anh Phần Lan", chị cười.
Chị Mai chính thức định cư ở Phần Lan từ năm 1993. Nhưng phải đến năm 2014, cả gia đình mới sống ổn định ở Phần Lan, còn trước đó sống nhiều hơn ở Việt Nam.
Vì thuộc diện phụ nữ "mắt nhìn thấy việc", nên dù ở Phần Lan hay ở Việt Nam, chị Mai cũng đều nảy ra các ý tưởng giúp hai nước gắn kết với nhau trên nhiều phương diện: văn hóa, lao động, y tế, giáo dục. Chẳng hạn, đầu năm 2010, khi đang ở Việt Nam, chứng kiến cảnh Hà Nội chuẩn bị tổ chức sự kiện chào mừng 1.000 năm Thăng Long, chị Mai đã nảy ra ý tưởng kết nối giao lưu văn hóa Phần Lan - Việt Nam.
Chị đã gọi về Phần Lan cho sếp cũ (thủ hiến vùng) chia sẻ ý tưởng này. Vì thế mà nhóm nhạc tứ tấu của TP.Seiajoki vùng Nam Ostrobothnia đã có chương trình biểu diễn đặc biệt dành tặng khán giả thủ đô tháng 10 năm đó.
Bị hấp dẫn bởi những dự án nhân văn
Đến nay, chị Mai không nhớ hết những dự án, những việc làm có ý nghĩa mà chị tham gia trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Phần Lan với Việt Nam. Chị chưa bao giờ thu tiền dịch vụ với phía Việt Nam (các cơ quan, tổ chức cũng như cá nhân), kể cả khi chị còn làm nhân viên của hội đồng vùng ở Nam Ostrobothnia, hay với tư cách Giám đốc Công ty Asia Renko, hay là cộng tác viên mảng hợp tác quốc tế của các cơ quan Phần Lan.
Mới đây, năm 2022, chị đã giúp một thành phố của Phần Lan tuyển điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc. Ngoài việc được hưởng mọi chế độ bình đẳng với các đồng nghiệp Phần Lan, họ còn được phép mang theo gia đình và con cái khi học ở Phần Lan sẽ không phải nộp học phí. "Tham gia những chương trình nhân văn thế này, tôi thấy càng có thêm động lực để làm việc", chị Mai chia sẻ.
Cũng vì thế mà chị đã dành nhiều tâm huyết cho công việc tư vấn du học. "Học tập và làm việc ở Phần Lan, với môi trường xã hội nơi đây, các cháu sẽ thuận lợi hơn trong việc giữ được tính thiện lành trong công việc. Đó là điều lớn nhất mà tôi giúp được, khi đưa các cháu học sinh sang du học tại Phần Lan", chị Mai tâm sự.
Theo Thanh niên