Từ Mỹ, tác giả Giáng Tiên cho biết chị được đạo diễn Hải Ninh "đặt hàng" chuyển ngữ ca khúc này cho chương trình Về lại miền thương - họp mặt cựu học sinh Năng khiếu Cần Thơ. Ý tưởng chuyển ngữ này bắt nguồn từ việc các cựu học sinh (chuyên ngoại ngữ, hiện sinh sống và làm việc ở các nước Pháp, Mỹ, Úc…) mong muốn phổ biến rộng rãi hơn bài hát nhiều ý nghĩa này bằng ngôn ngữ khác, bên cạnh lời Việt. Ê kíp thực hiện cũng đến xin phép nhạc sĩ Trần Long Ẩn và được ông vui vẻ đồng ý cũng như chuyển lời cảm ơn tác giả chuyển ngữ Giáng Tiên.

Một đời người một rừng cây có lời tiếng Anh, Pháp - Ảnh 1.
 
Một đời người một rừng cây có lời tiếng Anh, Pháp - Ảnh 2.

Bản lời Anh, Pháp của Một đời người một rừng cây do nhạc sĩ Giáng Tiên chuyển ngữ

H.N

"Ban đầu tôi chỉ nhận chuyển ngữ 1/2 bài thôi, vì ca khúc này dài và không dễ dịch. Rốt cuộc khi bắt tay vào lại cao hứng làm một mạch xong luôn cả bài hát qua tiếng Anh và tiếng Pháp", Giáng Tiên thổ lộ.

Theo chị, bài hát Một đời người một rừng cây mang nhiều triết lý sống, lại thêm cấu trúc câu từ lặp đi lặp lại nên khó để "chuyển ngữ sao cho nghe không nhàm chán". "Về những nội dung triết lý dĩ nhiên là khó hơn vì phải dùng những câu từ, cách nói theo văn hóa Tây phương nhưng vẫn phải hàm ý giống với câu văn có cùng triết lý đó trong tiếng Việt. Thí dụ câu "Phải chăng may nhờ rủi chịu, phải chăng trong đục cũng đành", nếu dịch sát từng chữ thì thứ nhất sẽ không giống cách thể hiện của người phương Tây cho chính nội dung như vậy, thứ nhì câu cú sẽ không vừa vặn với giai điệu hay nhịp điệu. Còn như câu "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai", tôi phải dùng 2 cách thể hiện khác nhau trong phiên bản tiếng Anh và tiếng Pháp vì không thể làm khác đi. Tuy nhiên, chuyển ngữ của câu này trong tiếng Anh hay tiếng Pháp cũng vẫn thể hiện nội dung mà tác giả đặt trong câu tiếng Việt đó", chị chia sẻ.

Một đời người một rừng cây có lời tiếng Anh, Pháp - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Giáng Tiên

NSCC

Tác giả chuyển ngữ cũng cho biết thêm: "Sau khi nghe các ca sĩ hát demo (thu âm thử) lời Anh, Pháp, với phần hòa âm của nhạc sĩ Đức Trí, tôi thật bất ngờ, nhất là bản tiếng Pháp của ca sĩ Julie Thanh Nguyên, vì cô ấy hát hay ngoài mức tôi mong đợi. Giọng hát của Julie Thanh Nguyên đã làm cho bản dịch hay và đẹp lên rất nhiều".

Tác giả Giáng Tiên thổ lộ: "Việc chuyển ngữ ca khúc là thử thách vượt qua chính mình, làm tôi thấy rất thú vị, có chút gì đó tự hào với bản thân…". Ngoài Hương xưa (Cung Tiến), chị cũng đã chuyển ngữ một vài tình khúc VN khác như: Cô đơn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Dĩ vãng của nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn...

Theo Thanh niên