Vào tháng 8/2015, bà Nga đã cùng cùng Văn phòng Luật sư William Bourdon Forestier ở Paris (Pháp) và một đoàn làm phim của Mỹ trở về Việt Nam củng cố hồ sơ cho vụ kiện và thực hiện bộ phim tài liệu về hậu quả của chất độc da cam đối với đất nước Việt Nam.

Với gương mặt phúc hậu, đôi mắt tinh anh, dáng vẻ hoạt bát và cách nói chuyện có duyên, bà Nga gây ấn tượng mạnh với tất cả những ai tiếp xúc với bà. Từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải Phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) từ năm 1966 - 1970, bà sống và hoạt động trong những vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc nặng nhất ở miền Nam như: Củ Chi, Bình Long, Tây Ninh, đường mòn Hồ Chí Minh…  nên bà cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam trong thời gian này.

Không ai trong ba người con của bà Nga có được cuộc sống bình thường bởi di chứng mà chất độc da cam để lại. Trong đó người con lớn của bà đã mất khi mới 17 tháng tuổi.

Bà Trần Tố Nga, người đang theo đuổi vụ kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ đã cung cấp hóa chất phục vụ quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga đi bộ đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 8/2015.

Bà Nga đến thăm một trung tâm đào tạo nghề và nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.

Tình cảm và sự ủng hộ của các nạn nhân da cam là nguồn động viên rất lớn cho bà Nga trong hành trình tìm lại công bằng cho các nạn nhân da cam.

Nỗi đau của bản thân cùng với sự đồng cảm với các nạn nhân da cam là động lực thúc đẩy bà Nga theo đuổi vụ kiện tới cùng.

Vụ bà Trần Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ cung cấp hóa chất phục vụ quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã được Tòa án Thành phố Evry (Pháp) thụ lý vào tháng 6/2014. Bà Trần Tố Nga vừa là người khởi kiện, vừa là nhân chứng với tư cách là một nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.Trở về Việt Nam thăm lại chiến trường xưa, bà Trần Tố Nga lại dâng trào một tình cảm đặc biệt khó nói thành lời. Khi gặp lại những đồng nghiệp là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, bà Nga rất ít khi kể về mình. Bà thường kể về đồng đội, về những kỷ niệm gian khổ nhưng hào hùng, về tương lai và niềm tin trong hành trình đi tìm công lý.

Trong những ngày ở Việt Nam, bà tham gia đi bộ đồng hành cùng các nạn nhân da cam tại Tp. Hồ Chí Minh, đi thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Hà Nội).

Đoàn luật sư người Pháp đã không khỏi xúc động khi được làm việc với bà Nga và chứng kiến cuộc sống của những nạn nhân da cam ở Việt Nam, tận mắt thấy những phế tích còn sót lại ở những vùng chiến trường ác liệt. Luật sư Bertrand Repold cho biết: “Được tận mắt chứng kiến nỗi đau và nghị lực phi thường của nhiều nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi càng thêm quyết tâm củng cố hồ sơ, nhân chứng để theo đuổi vụ kiện tới cùng”.

Đồng hành cùng với bà Nga còn có đoàn làm phim đến từ nước Mỹ, gồm đạo diễn Alan Adelson và nhà quay phim Scott Sinkler. Đoàn làm phim dự định thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Ngọn đèn kỳ diệu” xoay quanh cuộc đời bà Nga và hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam. Đoàn làm phim được bà Nga dẫn đi thăm nhiều nơi như: Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Tp. Hồ Chí Minh, chiến trường xưa Củ Chi, Tây Ninh, Côn Đảo, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội...

Đoàn làm phim người Mỹ dự định thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “Ngọn đèn kỳ diệu” xoay quanh cuộc đời bà Nga và hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam.

Nhà quay phim Scott Sinkler đồng hành cùng bà Nga trong đợt về Việt Nam lần này nhằm thực hiện bộ phim tài liệu xoay quanh bà Nga và các nạn nhân da cam.

Bà Nga tâm sự với bạn bè về quá trình tham gia vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ trong hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam.

Bà Trần Tố Nga tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.

Bà Nga cùng bạn bè và đồng đội cũ trở về thăm lại chiến trường xưa ở Củ Chi.

Bà Nga vui mừng khôn kể xiết khi gặp lại bạn bè và đồng nghiệp cũ.

Từ những chuyến đi đó bà đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, gần 18.000 người dân tỉnh Sóc Trăng, quê hương của bà, đã ký tên ủng hộ vụ kiện tại Pháp. Đây là nguồn động viên rất lớn cho bà Nga trong hành trình tìm lại công bằng cho các nạn nhân da cam Việt Nam./.

Theo Báo Ảnh Việt Nam