Chia sẻ trên podcast cá nhân mang tên "The Present Writer", TS. Chi Nguyễn (ở Mỹ) kể về những bạn trẻ đã gửi đến bà những dòng tâm sự, chia sẻ sự tự ti của họ về gia đình, về nơi xuất thân của mình. "Em thích hoạt động tình nguyện, thích các hoạt động trải nghiệm nhưng em luôn tự ti về năng lực của mình. Em luôn so sánh bản thân với các sinh viên có điều kiện hơn, những bạn được học ở các thành phố lớn. Em luôn áp lực khi các bạn đồng trang lứa được học trường chất lượng cao, được du học. Trong khi đó, em phải trầy trật kiếm tiền. Áp lực thành tích, áp lực đồng tiền khiến em một lúc ôm quá nhiều việc. Em càng áp lực hơn khi những điều này không thể chia sẻ cùng ai", một bạn trẻ chia sẻ.
TS. Chi Nguyễn cho biết, tự ti về xuất phát điểm của mình có thể là sự tự ti về nơi mình sinh ra, về đất nước mà mình sinh sống… Tuy nhiên, con người không thể thay đổi được gốc gác, được nơi sinh của mình. Theo TS. Chi Nguyễn, con người có 4 loại vốn: Vốn kinh tế (là tiền, là tài sản mà mình có được); vốn văn hoá (những kiến thức về văn hoá, có thể là lễ nghi, cách cư xử…); vốn xã hội (mạng lưới quan hệ xã hội giúp mình có thể chuyển thành cơ hội phát triển bản thân); vốn con người (là kỹ năng, kiến thức mà mình học được). "Nếu chỉ tập trung vào điểm yếu của bản thân thì bạn sẽ có xu hướng không ngừng so sánh bản thân với người khác. Đó là tư duy thiếu. Khác với tư duy thiếu là tư duy chống thiếu. Đó là xoay lại góc nhìn, xem điểm yếu của mình có thể chuyển hóa thành điểm mạnh, với góc nhìn tích cực hơn. Nhiều người có xuất phát điểm không tốt, như sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng chính sự thiếu thốn ấy lại trở thành động lực để họ đạt nhiều thành tích cao hơn trong học tập cũng như trong quá trình phát triển bản thân", TS. Chi Nguyễn nêu.
Theo bà, có nhiều cách để nâng cao sự tự tin vào bản thân, chuyển từ tư duy thiếu sang tư duy chống thiếu. Thứ nhất, cần hạn chế tiếp xúc với những người mang tư duy tiêu cực. Họ không cố tình khiến cho bạn có suy nghĩ tiêu cực nhưng khi tiếp xúc với họ, bạn có năng lượng tiêu cực thì nên tránh tiếp xúc. Ví dụ, bạn gặp người có hoàn cảnh tốt hơn mình, bạn nghĩ rằng, họ có cơ hội phát triển tốt. Nếu điều này ảnh hưởng đến bạn, khiến bạn luôn nghĩ đến sự phân tầng xã hội, khiến bạn tự ti về xuất phát điểm của mình thì bạn nên hạn chế tiếp xúc với họ.
Thứ hai, không nên nói lời tiêu cực, xấu xa về người khác và về chính mình. Thay vì cho rằng mình nghèo, mình không giỏi thì hãy nói về những điểm tốt của bản thân, như mình có nụ cười đẹp, có đôi mắt sáng, có mái tóc mượt, có sức khoẻ… Thay vì nói mình không đủ giỏi thì hãy nghĩ mình là người luôn hướng đến sự phát triển bản thân, để dần chuyển hoá chính mình. Bên cạnh đó, bạn cần tập trung vào bản thân mình, biến điểm yếu thành điểm mạnh. Đặc biệt, hãy nghĩ rằng, cuộc sống không ngừng thay đổi và khoảng cách sẽ ngày càng được thu hẹp. Nếu bạn không nỗ lực để thu hẹp khoảng cách thì khoảng cách luôn ở đó.
Bảo Khuê