Giana Nguyễn, ca sĩ, nhạc sĩ, giáo viên dạy piano, sống ở thành phố Tustin, bang California,
đã vượt qua định kiến để ly dị chồng cách đây hơn 9 năm.
Suốt nhiều năm qua, Mimi Hồ nhẫn nhịn đáp ứng những đòi hỏi của chồng và gia đình, họ hàng nhà chồng. Hôn nhân không khiến người phụ nữ Mỹ gốc Việt này hạnh phúc. Cô cảm thấy mình đang sống cuộc sống phục tùng người khác, theo
Los Angles Times.
"Tôi hết phải làm cái này lại phải làm việc kia, từ nấu nướng, dọn dẹp đến bị sai đi làm việc vặt rồi may vá", cô Mimi, hiện sống ở San Jose, gần Thung lũng Silicon, ngoài vịnh California, Mỹ, tâm sự.
Cứ mỗi lần người phụ nữ 48 tuổi này nhen nhóm ý định thoát khỏi cuộc hôn nhân ngột ngạt, cô lại nhận được điện thoại của mẹ ruột gọi từ Việt Nam, cầu xin cô đừng ly dị chồng và cô lại thoái chí.
Mãi cho đến khi Susie, cô em gái út sinh ra ở Mỹ, ra sức thuyết phục, Mimi Hồ mới đủ dũng khí để tự đứng lên giành hạnh phúc cho bản thân. "Con bé đã thúc đẩy tôi tìm tự do", Mimi Hồ nói.
Cuối cùng sau 16 năm kết hôn, Mimi Hồ ly dị chồng vào năm 2015. Cô chỉ là một trong số ngày càng đông phụ nữ Mỹ gốc Việt vượt qua được định kiến của thế hệ người Việt di cư sau năm 1975 về việc ly hôn.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ ly hôn thấp nhất thế giới, chưa đến 1/10 so với tỷ lệ trung bình ở Mỹ, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Cộng đồng người Việt tại Mỹ càng ít để xảy ra ly hôn, khi nhiều người trong tình cảnh tay trắng lăn lộn nơi đất khách quê người hiểu rõ chỉ có nương tựa vào nhau mới giúp họ vượt qua vô vàn thách thức, từ việc học tiếng Anh, tìm việc làm kiếm sống cho đến thích ứng với văn hóa ở vùng đất mới.
Hiện nay tỷ lệ ly hôn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung ở Mỹ nhưng đang có xu hướng tăng nhanh. Theo một nghiên cứu của giáo sư xã hội học Philip Cohen tại trường đại học Maryland, cứ 1.000 cặp vợ chồng Mỹ gốc Việt thì có 16 trường hợp ly hôn, trong khi tỷ lệ trung bình ở Mỹ là 19/1.000.
"Trước kia, người ta cảm thấy phải có trách nhiệm gìn giữ hôn nhân do nỗi lo tài chính hoặc bởi vì họ được giúp đỡ để di cư cùng nhau hay bị ràng buộc bởi những giá trị truyền thống", Linda Võ, giáo sư nghiên cứu cộng đồng châu Á ở Mỹ đang giảng dạy ở UC Irvine, nhận xét.
Tuy nhiên, theo giáo sư Võ, khi các thế hệ đi trước dám quyết định phá vỡ những định kiến về hôn nhân, những người trẻ sẽ dần thấy việc này ngày càng trở nên bình thường. "Họ sẽ dám làm những việc họ cần làm", giáo sư Linda nói.
Ở quận Cam, bang California, khu tập trung đông người gốc Việt Nam nhất nước Mỹ, có rất nhiều tấm poster trên xe ôtô và các tờ rơi dán đầy cột điện, gốc cây hay bảng thông báo nơi công cộng quảng cáo về dịch vụ pháp lý chuyên xử lý các vụ ly hôn nhanh chóng.
Trên tạp chí và báo giấy, người ta dễ dàng đọc được những thông tin quảng cáo của các văn phòng luật sư tư vấn thủ tục nhập cư, lấy quốc tịch, xin thẻ xanh, thị thực diện sinh viên và bây giờ thêm cả dịch vụ ly hôn. Một công ty luật có thể vừa tư vấn cho khách hàng thủ tục đưa hôn phu hoặc hôn thê, vợ hoặc chồng từ Việt Nam qua Mỹ, vừa xử lý thủ tục cho các cặp muốn ly hôn.
Tina Pham Dao Bach Tuyet, một luật sư ở Westminster chuyên các vụ tranh tụng liên quan đến vấn đề gia đình và hôn nhân, cho biết khoảng 70% số vụ mà cô xử lý liên quan đến ly hôn. Tuần nào, luật sư Tina cũng phải trả lời các câu hỏi của khách hàng về thủ tục ly hôn, tiền trợ cấp sau ly hôn hay quyền nuôi con.
"Trước kia, cha mẹ (gốc Việt) thường quyết định ly thân nhưng không ly hôn để gìn giữ một mái nhà cho con cái vì nghĩ cha mẹ, ông bà họ cũng sẽ làm như thế", luật sư Tina nhận xét. "Giờ đây, chính con cái họ lại thúc giục cha mẹ chúng ly hôn. Những đứa trẻ lớn lên trên đất Mỹ, bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, đã hỏi thẳng cha mẹ rằng: 'Nếu chung sống với nhau mà khổ sở thế thì cố làm gì?'"
Chị Nga Nguyễn, 51 tuổi, ở Santa Ana, quận Cam, bang California đã ly dị chồng là một kỹ sư của hãng Boeing được 10 năm. Cả ba đứa con của chị Nga đều ủng hộ bố mẹ chúng ly hôn.
"Mẹ này, hai bố mẹ giống như kiểu một người thích để đèn sáng còn một người thích tắt đèn. Tại sao cứ gây nhau hoài? Mỗi người có thể sống ở hai ngôi nhà khác nhau và làm bất cứ điều gì mà bố mẹ muốn cơ mà", Benjamin, con út của chị Nga, nói. Chị Nga cho rằng câu nói của cậu con trai 18 tuổi phản ánh cách suy nghĩ chung của trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ.
Theo luật sư Lynn Quach tại Newport Beach, phía nam bang California, chuyên xử lý ly hôn, các cặp vợ chồng gốc Việt không chỉ sẵn sàng ly hôn mà giờ đây họ còn không ngại "chấm dứt cuộc sống hôn nhân tại tòa án".
"Trước kia, họ chỉ muốn mọi chuyện kết thúc cho xong. Nhưng bây giờ, họ muốn làm cho ra ngô ra khoai, muốn mọi việc được dàn xếp công bằng. Bên cạnh đó, khi họ không còn e ngại định kiến xã hội nữa, và với khả năng tiếng Anh ngày càng tốt, họ sẵn sàng ra tòa", Lynn Quach nói.
Taylur Ngô, 38 tuổi, nhớ lại cuộc nói chuyện kéo dài ba tiếng với cha mẹ vào năm 2013 khi cô quyết định ly hôn chồng. "Cha mẹ Việt Nam thường nói rằng ly hôn là một trong những thứ cấm kỵ", Taylur Ngô dãi bày. "Nhưng điều cấm kỵ đó giờ đây không còn cần thiết nữa".
Theo VNexpress