TS. Ngô Tuyết Mai nhận phần thưởng Giảng viên dạy xuất sắc 2022 tại Đại học Flinders. (Ảnh: NVCC)
TS. Ngô Tuyết Mai nhận phần thưởng Giảng viên dạy xuất sắc 2022 tại Đại học Flinders. (Ảnh: NVCC)

Cảm xúc của chị khi trúng tuyển làm giảng viên cao cấp người châu Á dạy chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh ở Đại học Flinders, bang Nam Australia?

Trước khi quyết định sang Australia định cư, nhiều người cảnh báo tôi rằng, người châu Á mà sang nước ngoài giảng dạy, lại tìm việc ở mảng đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ thì rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi xác định đây chính là con đường sự nghiệp đã chọn. Trước đó, tôi đã có nhiều năm làm việc tại Trường Đại học Hà Nội, ngành Sư phạm tiếng Anh.

Khi có được cơ hội làm giảng viên cao cấp tại Đại học Flinders, bản thân tôi vừa mừng vừa có chút lo lắng vì không biết mình có vượt qua những thách thức trong một môi trường làm việc đa văn hóa và hoàn toàn mới so với Việt Nam.

Điều gì đã giúp chị tự tin và hoà nhập thành công ở đây?

Tôi nghĩ đó là những nỗ lực cá nhân: đổi thay về tư duy, cảm xúc và hành động. Khi nỗ lực đủ lớn thì mang đến cho chúng ta nguồn năng lượng rất tích cực và tự tin hơn.

May mắn cho tôi, Australia là đất nước rất mở lòng với người châu Á và cũng có nhiều người nhập cư sinh sống. Tôi không bị phân biệt đối xử ở đây, ngược lại tôi luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp xung quanh ủng hộ và khích lệ.

Tôi tự nói với bản thân, bước sang một bước ngoặt trong cuộc đời nên giữ vững niềm tin, nỗ lực vượt qua khó khăn, đừng chỉ đổ lỗi cho ngoại cảnh hay các tác động bên ngoài.

Nhìn ra xung quanh, tôi thấy có nhiều người Việt đang thành công ở Australia ở nhiều lĩnh vực khác nhau và họ chính là những tấm gương sáng khích lệ tôi phải cố gắng.

Có thể ví von thế này, mỗi người Việt Nam khi ra nước ngoài cũng giống như một cái cây được trồng trên mảnh đất khác. Nếu có nội lực cùng với một môi trường tốt thì chắc chắn sẽ có trái ngọt.

Một trong những trái ngọt chị nhận được là giải thưởng Giảng dạy xuất sắc tại Đại học Flinders, phải không?

Quan niệm của cá nhân tôi về công việc giảng dạy là hỗ trợ người khác học và bản thân mình cũng phải học. Nếu bạn yêu việc học sẽ tìm ra phương pháp học tốt nhất cũng như yêu luôn việc hỗ trợ người học tốt hơn.

Khi bước vào sự nghiệp giảng dạy, tôi luôn tâm niệm hỗ trợ người học, đi đôi với trải nghiệm, tư duy và thực hành.

Tôi luôn nói với học viên của mình rằng thành công của họ cũng là thành công của tôi. Nếu họ chưa thành công thì điều đó có nghĩa là tôi chưa thành công. Bởi vậy, tôi tự đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định trong việc giảng dạy và cố gắng hết sức vì mục tiêu ấy.

Giải thưởng là sự ghi nhận cho nỗ lực đó, cũng như khi chúng ta chăm một cái cây thì sẽ ra hoa và quả. Bên cạnh nỗ lực về chuyên môn, tôi được các học viên yêu quý và đánh giá tích cực của các bạn cũng là một tiêu chí để họ xét giải thưởng này.

Những trải nghiệm quý của bản thân đang được chị thường xuyên chia sẻ với những đồng nghiệp ở trong nước?

Dù đang ở nước ngoài nhưng tôi vẫn có tình cảm đặc biệt và kết nối thường xuyên với các giáo viên Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, tôi đã mở một số khóa học online miễn phí để hỗ trợ cho các bạn giáo viên, nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam không có điều kiện học tập ở nước ngoài. Từ năm 2020 đến nay, số lượng giáo viên tham dự những hội thảo chia sẻ của tôi lên tới hơn 1.800 lượt.

Hiện ba mảng chính tôi trợ giúp các bạn là phương pháp sư phạm, lĩnh vực nghiên cứu và khả năng lãnh đạo giáo dục.

Theo những gì tôi quan sát được từ các học viên thì giáo viên Việt Nam đa phần có năng lực, tâm huyết và khao khát học tập rất lớn. Đây là điểm rất mừng cho giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, có một số thách thức là họ phải đảm đương nhiều vị trí, công việc khác nhau, tài chính hạn chế nên chưa có nhiều điều kiện phát triển bản thân và nghề nghiệp như mong muốn.

TS. Ngô Tuyết Mai.
TS. Ngô Tuyết Mai.

Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến việc phát huy nguồn lực trí thức kiều bào. Theo đó, mỗi người đều có những cách đóng góp khác nhau. Cá nhân chị có những dự định gì trong việc xây dựng cầu nối này với quê hương?

Khi mở Công ty đào tạo Smart Learn Solutions, cung cấp các giải pháp học tập thông minh cho các giáo viên và phụ huynh Việt Nam, tôi mong tạo những chuyển biến, truyền năng lượng tích cực cho giáo viên, muốn các bạn được tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, hiện đại của quốc tế. Tôi thấy mình có may mắn được ra nước ngoài học tập, làm việc và cũng mong được chia sẻ với các giáo viên, đặc biệt là các thế hệ trẻ trong nước.

Nhờ sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam và sự tạo điều kiện của Trường Đại học Hà Nội, tôi mới có cơ hội được sang Australia học tập theo chương trình học bổng lãnh đạo của chính phủ Australia nên tôi luôn thấy biết ơn cả hai đất nước.

Gần đây, cùng với sự hỗ trợ và đồng hành của một đồng nghiệp rất giỏi là TS. Nghĩa Trần của Đại học Quốc gia Australia ở thủ đô Canberra và chuyên gia về công nghệ thông tin ở Việt Nam là Ths. Lộc Nguyễn, tôi đã cho ra mắt bộ sáu chương trình “Dám dấn thân học và làm nghiên cứu”, được sự ủng hộ của đông đảo các bạn giáo viên Việt Nam.

Mỗi tháng, tôi đều tổ chức khai vấn cá nhân cho các giáo viên và có một buổi định kỳ chia sẻ miễn phí về phương pháp sư phạm, làm nghiên cứu và lãnh đạo. Có những tháng, tôi trực tiếp làm hoặc dẫn chương trình và mời các chuyên gia khác, có thu âm lại để chia sẻ rộng rãi với những đối tượng quan tâm.

Một hoạt động khác là “Sách sống”. Tại đây, tôi mời các giáo viên trong chính cộng đồng mà tôi thiết lập, mời họ chia sẻ về những bước ngoặt, những nỗ lực vươn lên trong nghề nghiệp của họ để lan tỏa tinh thần cho các học viên khác ở Việt Nam. Mỗi người là một trang sách sống, một kinh nghiệm quý, điểm tô cho cuốn sách chung.

Tôi còn mong muốn sẽ triển khai vào năm 2024 khóa học giúp giáo viên chuyên nghiệp hơn. Tôi hy vọng qua khóa học này, các giáo viên sẽ có những hành động cụ thể để thay đổi chính mình, cùng góp sức cho Việt Nam có một đội ngũ giáo viên yêu nghề, yêu trò, hiểu được thước đo về thành công, hạnh phúc và sự chuyên nghiệp trong giảng dạy.

Để thực hiện những dự định, hẳn chị cần sự chung tay giúp sức của những người Việt khác?

Theo tôi, những công việc này muốn có sự bền vững thì cần có cả một cộng đồng người Việt ở nước ngoài, kết nối với các chuyên gia trong nước, có cùng chí hướng và chuyên môn. Bản thân tôi không làm việc một mình, luôn có sự ủng hộ cộng tác của những người Việt khác sinh sống ở các nước Nhật Bản, Mỹ, New Zealand... đặc biệt là trong nước.

Hiện tại, sức ép công việc chuyên môn của tôi tại Australia khá lớn nên tôi mong nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ nhiều hơn nữa của cộng đồng.

Khi chúng ta chung tay thì sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng lớn, đúng trên tinh thần “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” hay “một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao”.

TS. Ngô Tuyết Mai là Trưởng khoa Đào tạo đại cương (nay là khoa Tiếng Anh chuyên ngành) của Trường Đại học Hà Nội từ năm 2005-2009.

Năm 2010, chị nhận học bổng lãnh đạo của chính phủ Australia (ALA) để học tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Đại học trong bốn năm. Khi trở về, chị được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế tại Trường Đại học Hà Nội.

Hai năm sau, TS. Ngô Tuyết Mai trở lại Australia làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ theo chương trình học bổng Endeavor của Australia và được mời làm giảng viên cao cấp tại Đại học Flinders, thành phố Adelaide. Hiện chị là giảng viên cao cấp tại Khoa Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn của Đại học Flinders.

Sắp tới, chị tham gia chương trình nghiên cứu ngắn hạn tại Đại học Oxford, theo chương trình học bổng nghiên cứu do Đại học Flinders trao.

Theo baoquocte