Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới và trong khu vực diễn biến khá phức tạp. Tính riêng tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người.

Các thủ đoạn ngày càng tinh vi

Thực tế hiện nay, không chỉ trẻ em gái và lao động nữ mà cả lao động nam và trẻ em trai cũng bị lừa bán thông qua việc đáp ứng nhu cầu tìm việc làm hay các mối quan hệ trên mạng xã hội. Nạn nhân đã bị mua bán bằng những thủ đoạn tinh vi, dẫn đến bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn ngoài ý muốn. Những hành vi này ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, tác động trở ngại đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

leftcenterrightdel
 Các thủ đoạn mua bán người tinh vi được tái hiện trên sân khấu tại sự kiện truyền thông về phòng chống mua bán người và di cư trái phép

Lợi dung sự nhanh chóng, tiết kiệm của công nghệ và tính ẩn danh của Internet cũng như mạng xã hội, các đối tượng mua bán người đã biến chúng thành công cụ để lừa bán người tinh vi và khó bị phát hiện hơn. Cũng từ thực trạng đó, chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay được Liên hợp quốc xác định là "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm khuyến nghị các quốc gia tăng cường hoạt động phòng ngừa và nâng cao nhận thức về sử dụng internet và mạng xã hội an toàn, giúp giảm nguy cơ mua bán người trên không gian mạng, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người.

Hoạt động thiết thực từ các cấp Hội phụ nữ

Tại sự kiện truyền thông về phòng chống mua bán người và di cư trái phép do Hội LHPN tổ chức tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Truyền thông về phòng chống mua bán người và di cư trái phép là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7” được tổ chức thường niên từ năm 2016, góp phần cụ thể hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người.

Hội LHPN Việt Nam đã phát huy vai trò của tổ chức, tính ưu việt của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại sự kiện truyền thông về phòng chống mua bán người và di cư trái phép

Các cấp Hội Phụ nữ hiện có gần 2 nghìn trang fanpage facebook, hơn 11 nghìn nhóm zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức hoạt động Hội. Các cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội là diễn đàn quan trọng để Hội lắng nghe tâm tư của hội viên, phụ nữ, là nguồn thông tin chính thống cung cấp kiến thức, kỹ năng toàn diện cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, đồng thời tạo hiệu ứng lan toả trong các tầng lớp phụ nữ, cộng đồng xã hội về phòng, chống mua bán người.

Các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về phòng, chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, nội dung hấp dẫn cũng được triển khai, đã thu hút được hàng triệu lượt tiếp cận từ công chúng trên khắp cả nước.

Ngoài ra, Hội LHPN các cấp cũng ưu tiên triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người tại cộng đồng, tư vấn cho phụ nữ có ý định di cư, kết hôn với người nước ngoài, trực tiếp hỗ trợ nạn nhân, xây dựng các mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; hỗ trợ sinh kế tại chỗ để hội viên phụ nữ không nảy sinh ý định di cư hoặc xuất cảnh trái phép đi làm ăn, lao động, kết hôn,… tại nước ngoài.

leftcenterrightdel
 Đa dạng các hoạt động truyền thông

Tại các địa phương, các cấp Hội phụ nữ cũng đã nỗ lực để truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người tại cộng đồng. Riêng tại thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2021-2022, lực lượng chức năng đã giải quyết 8 đơn thư, tin tố giác về việc 8 gia đình có con bị một số đối tượng lừa bán sang làm việc tại Campuchia, phát hiện 1 vụ việc liên quan đến mua bán người trong nội địa, bắt giữ 2 đối tượng phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tại huyện Thủy Nguyên, trong 2 năm 2021 – 2022, tổng số người kết hôn với người nước ngoài là hơn 40 người. Bên cạnh đó, năm 2022, tổng số người di cư lao động là 15 người.

Các hoạt động tuyên truyền về truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người và di cư trái phép cũng được thể hiện một cách sáng tạo, gần gũi nhằm cung cấp thông tin hữu ích, thiết thực thông qua các trò chơi, hình thức “Sân khấu diễn đàn”... Qua đó, hội viên, phụ nữ và nhân dân được trang bị thêm kiến thức về phòng, chống mua bán người và di cư trái phép, nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiệm trọng của tội phạm mua bán người trên không gian mạng, nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người, góp phần thay đổi nhận thức, hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay đẩy lùi nạn mua bán người vì một xã hội an toàn.

leftcenterrightdel
 Hoạt động tuyên truyền về truyền thông, giáo dục phòng ngừa mua bán người và di cư trái phép cũng được thể hiện bằng hình thức “Sân khấu diễn đàn”... 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cũng bày tỏ mong muốn: Mỗi người hãy là một tuyên truyền viên, mỗi gia đình là một “lá chắn” vững chắc góp phần cùng toàn dân, toàn xã hội chung tay phòng chống tội phạm mua bán người”.

Trần Lê