Để thúc đẩy bình đẳng giới, tôi xin đề xuất 5 chiến lược cụ thể dưới đây:

Thứ nhất, đó là thay đổi các chuẩn mực văn hóa-xã hội truyền thống sang hướng bình đẳng giới và bao trùm. Đây là trọng tâm để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Cần có các giải pháp đổi mới và truyền thông sáng tạo, chẳng hạn như tuyên truyền các hình mẫu của phụ nữ và nam giới trong vai trò lãnh đạo, vừa đóng góp bình đẳng tại nơi làm việc cũng như ở gia đình. Điều này có thể góp phần thay đổi những định kiến giới. Sự thay đổi này cần được tạo điều kiện thuận lợi bằng việc xây dựng và thực hiện các chính sách và dịch vụ xã hội để hỗ trợ cả phụ nữ và nam giới hoàn thành những thiếu hụt hiện nay về trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Đề xuất 5 chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam - Ảnh 1.

Theo bà Elisa Fernandez Saenz: Cần có các giải pháp đổi mới và truyền thông sáng tạo, chẳng hạn như tuyên truyền các hình mẫu của phụ nữ và nam giới trong vai trò lãnh đạo, vừa đóng góp bình đẳng tại nơi làm việc cũng như ở gia đình

Thứ hai, cần phải có cơ chế giải trình để đảm bảo rằng trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự đại diện của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý được thực hiện; có giải pháp khi hoạt động được xác định là chưa hiệu quả.

Thứ ba, Luật Bình đẳng giới đặt ra các tiêu chuẩn cho Đảng và Nhà nước. Điều quan trọng là cần phải xem xét một cách nghiêm túc các quy định, chính sách có được hoạch định, cấp vốn và thực hiện phù hợp hay không, nhất là về đào tạo, nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng chính trị, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm phụ nữ. Nhằm ngăn chặn và xóa bỏ các hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, chẳng hạn như sự phân biệt về tuổi tác giữa phụ nữ và nam giới khi đào tạo, luân chuyển và trong kế hoạch cơ cấu...

Thứ tư, cần xây dựng thêm một cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả để đạt được các mục tiêu về đại diện của phụ nữ trong chính trường. Cần nhấn mạnh vào trách nhiệm cung cấp dữ liệu phân tích giới tính hàng năm về sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các cơ quan nói chung và trong báo cáo tuyển dụng, đào tạo, lập kế hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm.

Thứ năm, phân bổ ngân sách và thực hiện các hoạt động phát triển năng lực cho phụ nữ, bao gồm chương trình kết nối và cố vấn cho phụ nữ trẻ và phụ nữ dân tộc thiểu số, cần là một phần không thể thiếu của bất kỳ chương trình lãnh đạo nào. Đồng thời, phải thực hiện lồng ghép giới vào các khóa đào tạo, tập huấn cụ thể về bình đẳng giới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương. Hơn nữa, các chương trình đào tạo cho công chức của Bộ Nội vụ phải được nhấn mạnh khả năng đáp ứng của giới trong quá trình ra quyết định và chính sách.

 Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ có ý nghĩa với sự tiến bộ của phụ nữ mà còn là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nhân loại. Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hãy chia sẻ quan điểm, trải nghiệm, bài học thực tế và mong muốn của bạn để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 11/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua email: diendanbaopn@gmail.com

 

Gia Khanh (ghi)