Bà Trần Thị Ngờ, người nữ chiến sĩ đội du kích Hoàng Ngân năm xưa trong buổi lễ Quốc khánh 2/9/2015
Kể lại cho chúng tôi kỷ niệm khó quên về thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào 2/9/1945, ánh mắt của bà rực sáng: “Lúc đó, dù chỉ được nghe qua đài phát thanh nhưng tất cả mọi người đều đứng rất trang nghiêm và ngẩng cao đầu trước thời khắc lịch sử trọng đại của cả dân tộc".
Bà kể, trong ngày 2/9 năm ấy, số lượng người tham gia duyệt binh rất đông, khí thế của mọi người đều hào hùng, hân hoan vì được làm người tự do. Đoàn người míttinh khi đi qua các con phố lớn đều hô vang khầu hiệu.
Cũng chính nhờ cuộc cách mạng của dân tộc, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là đất nước Việt Nam đã bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Độc lập-Tự do. Sau khi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn lịch sử, nhiều người dân đã ôm nhau khóc và không kìm được xúc động trong niềm vui chung ấy.
Lặng đi vài phút, bà tiếp tục câu chuyện với một niềm vinh dự khi kể về lần đầu tiên được tham gia đoàn diễu binh, diễu hành qua lễ đài mừng ngày Quốc khánh.
Đó là vào năm 1955, khi đó bà là một trong những chiến sỹ thi đua xuất sắc của đơn vị du kích Hoàng Ngân (Hưng Yên) và vinh dự được tuyển chọn tham gia trực tiếp lễ diễu binh, diễu hành mừng ngày Quốc khánh cũng như đón Bác về Thủ đô Hà Nội.
"Đây là kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời tôi. Bao nhiêu cảm xúc, háo hức để được tận mặt nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc cứ thôi thúc trong tôi suốt nhiều ngày, tôi đã khóc vì vui mừng trong ngày đó," giọng bà Ngờ rưng rưng vì xúc động.
Được đánh giá là một trong những đội du kích lừng lẫy, đội nữ du kích Hoàng Ngân đã đóng góp nhiều cho kháng chiến và cách mạng. Bà Ngờ tự hào kể về chiến công của những nữ du kích Hoàng Ngân, họ là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân, cùng quân dân trong tỉnh đánh hơn 1.000 trận, lập chiến công lẫy lừng.
Trong đó, hàng trăm nữ du kích đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, tiêu biểu là Anh hùng Bùi Thị Cúc, Trần Thị Tý, Vũ Thị Kính (tức Trần Thị Khang)… Chính họ đã viết lên trang sử vàng chói lọi trong cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc, đánh đuổi kẻ ngoại xâm.
Do lập nhiều thành tích xuất sắc tiêu biểu, một trung đội du kích Hoàng Ngân Hưng Yên được cử tham gia Lễ diễu binh lớn chào mừng Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến và dịp Quốc khánh 2/9/1955.
Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, bà Ngờ tiếp tục tham gia đội du kích bảo vệ Thủ đô và trực tiếp là người tham gia bảo vệ cây cầu Long Biên trong những năm bom Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc.
Dù đã nhiều năm trôi qua, thế nhưng, với những nhân chứng từng sống và chứng kiến các mốc son lịch sử hào hùng của cả dân tộc, ký ức của họ vẫn còn vẹn nguyên và ngày ngày chia sẻ với lớp trẻ về truyền thống ấy.
Chia tay bà, tôi mãi ấn tượng với dòng ký ức đẹp đẽ về những năm tháng sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước của những thế hệ cha ông đi trước.
Theo vietnamplus.vn