leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trò chuyện cùng các nhà khoa học được trao Giải thưởng Kovalevskaia 

PV: Kính thưa đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năm 2023, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong những kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trên các lĩnh vực. Điều gì để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng chí?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Có thể nói, năm 2023 là một năm khó khăn và thách thức với Việt Nam bởi đây là giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 cùng với diễn biến mau lẹ, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới. 

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân, nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng: chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được bảo đảm; kinh tế phục hồi và tăng trưởng;

 trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an sinh xã hội được đầu tư và quan tâm rất lớn; đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật; đời sống vật chất, tinh thần và lòng tin của nhân dân được nâng lên. 

Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống, tích cực học tập, nâng cao trình độ, làm chủ khoa học, công nghệ- Ảnh 1.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Trong những kết quả, thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trên các lĩnh vực. Điều để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi trong năm đó là tinh thần nỗ lực, vượt khó, phấn đấu vươn lên của các lực lượng phụ nữ, góp phần xứng đáng vào kết quả chung của đất nước. Có thể kể đến một số đóng góp quan trọng như: 

Trong lĩnh vực chính trị: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng như các nỗ lực nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giữ những trọng trách và qua thực tiễn công tác, đã khẳng định, phát huy được vai trò của mình trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp. 

Đây là kết quả của sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của phụ nữ và công tác phụ nữ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Hội LHPN Việt Nam; đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, tự tin, nhiệt huyết, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân phụ nữ, cán bộ nữ. 

"17 gương mặt Hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững" trong năm 2023 được vinh danh tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực. Họ là nhà khoa học, giáo viên, doanh nhân, quân nhân, bác sỹ, nhà ngoại giao, họa sĩ, kỹ sư, cán bộ phong trào, lãnh đạo cộng đồng,… đã tạo động lực, khuyến khích phụ nữ Việt Nam đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội cũng như trong việc thúc đẩy đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). 

Trong lĩnh vực kinh tế: Trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, rời khỏi thị trường nhưng nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là các mô hình phụ nữ khởi nghiệp đã linh hoạt tìm được cách thích ứng. 

Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 5 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" đã thu hút hơn 2.000 Dự án/ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ tham gia dự thi (tăng 30,67% so với cuộc thi năm 2021). 

Điều đó cho thấy sự đam mê, nhiệt huyết, khát khao, tinh thần đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của phụ nữ đã và đang phát huy nội lực và vai trò của mình góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của địa phương và đất nước. 

Và một điểm tựa vững chắc - sự tiếp sức của Hội LHPN Việt Nam với các hoạt động giúp phụ nữ làm chủ công hiệu sản phẩm OCOP… đã tạo ra sức mạnh mới cho phụ nữ khởi nghiệp. Trong lĩnh vực văn hóa xã hội: Phụ nữ đóng góp trong xây dựng nông thôn mới với những mô hình, cách làm hiệu quả, nhiều miền quê đáng sống với những con đường nở hoa, tuyến đường cây xanh của phụ nữ và những câu lạc bộ dân ca, dân vũ đang làm giàu thêm cho đời sống người dân. 

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa được Hội LHPN các cấp triển khai rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp phụ nữ, nhân dân, có tác dụng thiết thực trong việc cổ vũ, nhân rộng mô hình tiên tiến và góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam. 

Bên cạnh đó, phụ nữ cả nước tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa thông qua duy trì hình ảnh và giá trị Áo dài Việt Nam cũng như các mô hình phát huy các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống. 

Trong lĩnh vực thể thao: Các nữ vận động viên đã có nhiều đóng góp vào thành tích đứng đầu toàn đoàn của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32, điển hình như: Vận động viên Huỳnh Như - "linh hồn" của Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, vận động viên Nguyễn Thị Oanh - "cô gái vàng" đoạt 4 Huy chương Vàng môn điền kinh, Đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam lần đầu tiên vô địch SEA Games 32… 

Đặc biệt, hình ảnh tự hào nhất, xúc động nhất là việc lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup bóng đá nữ với tinh thần thi đấu ngoan cường, quyết tâm cao độ đã đi vào lịch sử thể thao nước nhà. Tiếp sau Đội tuyển bóng đá nữ, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã lọt vào bán kết giải bóng chuyền vô địch châu Á và lọt vào bán kết ASIAD 19.

 Ngoài ra, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng vô địch cúp các câu lạc bộ nữ châu Á 2023, vô địch AVC Challenge Cup 2023 là hai thành tích được cổ vũ và ghi nhận đáng kể.

PV: Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Chủ tịch đánh giá thế nào về những đóng góp cụ thể của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, phong trào phụ nữ và công tác Hội đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030, thể hiện qua một số kết quả nổi bật: 

Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống, tích cực học tập, nâng cao trình độ, làm chủ khoa học, công nghệ- Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 2, 3 từ phải sang) cùng các đại biểu tại sự kiện turyền thông “Khát vọng phát triển của phụ nữvà trẻ em dân tộc thiểu số”.

Thứ nhất, Hội LHPN Việt Nam tập trung phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" với các nội hàm được xác định bám sát các tiêu chí của con người Việt Nam trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. 

Đến nay, phong trào thi đua được thực hiện rộng khắp trong hệ thống Hội, 100% Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị và tổ chức thành viên đã cụ thể hóa nội dung, tiêu chuẩn của phong trào phù hợp với địa phương, thúc đẩy nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. 

Đồng thời, thông qua việc thực hiện phong trào thi đua, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện bình đẳng giới. 

Thứ hai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các chủ trương về chuyển đổi số, Hội LHPN các cấp đã tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả khâu đột phá: "Đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin" và "Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh". 

Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định "Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội". Trên cơ sở đó, Hội LHPN xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là giải pháp chiến lược để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. 

Trong 2 năm qua, với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó nổi bật là phối hợp với ngành Công an triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023- 2025, tầm nhìn 2030"; tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án "Hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số đến năm 2030"; 

tăng cường sử dụng các phần mềm điều hành tác nghiệp trong công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội (facebook, zalo…) trong các hoạt động tuyên truyền.

 100% Hội LHPN các tỉnh, thành phố thiết lập và vận hành Cổng thông tin/trang thông tin điện tử với nhiều chuyên trang, chuyên mục phong phú. 

Thứ ba, Hội LHPN Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thông qua việc thực hiện hiệu quả 8 chỉ tiêu Đại hội và 3 nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội, đồng thời từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. 

Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, tích cực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các mục tiêu phát triển của đất nước. 

Thứ tư, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tổ chức cho hội viên, phụ nữ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều hoạt động đối thoại chính sách ở cơ sở, đối thoại giữa phụ nữ với người đứng đầu các cấp trở thành diễn đàn quan trọng để nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về các chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là nơi để hội viên, phụ nữ phản ánh tâm tư, nguyện vọng với các cấp chính quyền.

PV: Năm 2024, các cấp Hội sẽ triển khai đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Xin đồng chí cho biết quan điểm chỉ đạo trong triển khai đánh giá nửa nhiệm kỳ Đại hội.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII, Ban Chấp hành TƯ Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tiến hành đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ, trong đó chỉ đạo tập trung vào những yêu cầu: 

(1) Đánh giá kết quả nổi bật thực hiện Phong trào thi đua, 2 khâu đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm, mức độ đạt 8 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra; tác động hiệu quả của hoạt động Hội đối với đời sống của hội viên, phụ nữ đối với việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị; đánh giá kết quả công tác phối hợp, phát huy vai trò, sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội. 

(2) Đánh giá thực hiện các giải pháp, nêu bật tính sáng tạo, đổi mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; chỉ rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác Hội. 

(3) Phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội; phát hiện những điển hình, cách làm hay, có tác động tốt, có tính lan tỏa trong cộng đồng và xã hội.

PV: Chuyển đổi "xanh", chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà thực tế đang diễn ra mạnh mẽ, với sự tham gia tích cực của phụ nữ. Việc chọn chủ đề năm 2024 là "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội" có ý nghĩa như thế nào với hệ thống Hội cũng như với từng cán bộ, hội viên, phụ nữ, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã xác định 1 trong 2 khâu đột phá là "Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin"; xác định mục tiêu hỗ trợ 1 triệu phụ nữ tiếp cận chuyển đổi số, Chính phủ số. 

Việc xác định chủ đề năm 2024 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới phương thức hoạt động Hội, hỗ trợ nâng cao năng lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số. 

Về phía Trung ương, Hội LHPN xác định: 

(1) Nâng cấp các phần mềm ứng dụng trong hệ thống Hội hướng tới vận hành đồng bộ trong toàn quốc; tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu của toàn hệ thống Hội; tận dụng tối đa hạ tầng số; kết nối, chia sẻ đồng bộ dữ liệu trong hệ thống Hội và các cơ sở dữ liệu liên quan theo phương châm "hạ tầng dùng chung, cơ sở dữ liệu tập trung". 

(2) Thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tích cực tham gia chương trình chuyển đổi số quốc gia, biết sử dụng thuần thục điện thoại thông minh, các phần mềm ứng dụng thông dụng, đẩy mạnh sử dụng thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. 

Về phía hoạt động của địa phương: 

(1) Chỉ đạo các cấp Hội thí điểm các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tập hợp, phát triển hội viên và sinh hoạt Hội; phát huy vai trò của các Cổng thông tin điện tử, fanpage... của Hội trong công tác thông tin, tuyên truyền.

 (2) Xây dựng tài liệu tuyên truyền điện tử; truyền thông trên mạng xã hội; tư vấn, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kỹ năng, năng lực tham gia các hoạt động trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, tiếp cận kỹ năng số tham mưu cơ chế và huy động mọi nguồn lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội. 

(3) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hội viên, tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt trên môi trường mạng. 

PV: Năm 2024 được dự báo sẽ còn nhiều biến động khó lường: xung đột, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đặt ra nhiều thử thách đối với phụ nữ ở nhiều vùng đất trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch có mong đợi gì đối với phụ nữ trong vai trò là một công dân, một biểu tượng của sự gắn kết, một "ngọn lửa" ấm của gia đình?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Bước sang năm 2024, tôi mong rằng phụ nữ Việt Nam sẽ phát huy truyền thống, tiếp tục tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm chủ khoa học, công nghệ để khẳng định mình trong công việc; đồng thời luôn chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình cùng các thành viên khác để giữ được "ngọn lửa" yêu thương trong mỗi gia đình.

PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch. Kính chúc Đồng chí và gia đình năm mới mạnh khoẻ, an khang, thịnh vượng và nhiều thành công mới!

PV (Thực hiện)