Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ", diễn ra trong 2 ngày (4 và 5/11/2021).
Tham dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến có: Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Ngài Jeong Woojin, Tổng Lãnh sự, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Bà Park Mi Hyung, Trưởng Phái đoàn, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM); Ông Cho Han De-og, Giám đốc quốc gia, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc; các vị lãnh đạo của KOICA, Tổ chức Di cư quốc tế IOM, đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức của 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc; các sở/ngành và Hội LHPN các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: Di cư quốc tế có tác động rất đa dạng và đa chiều đối với phụ nữ, bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực. Ở Việt Nam, hằng năm có hàng chục nghìn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Bên cạnh đó, phụ nữ di cư lao động ngoài nước chiếm hơn 30%, di cư trong nước chiếm hơn 50% tổng số người di cư.
Phụ nữ di cư thường được quan tâm bởi những đặc điểm dễ bị tổn thương của họ trong suốt quá trình di cư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những thách thức mà phụ nữ di cư phải đối mặt, trong đó chủ yếu liên quan đến tiếp cận các dịch vụ xã hội. Phát hiện từ báo cáo phân tích trải nghiệm của phụ nữ di cư hồi hương do Hội LHPN Việt Nam và IOM mới thực hiện cho thấy, hầu hết các vấn đề mà phụ nữ hồi hương gặp phải bắt nguồn từ việc họ thiếu nhận thức, thiếu sự chuẩn bị trong quá trình di cư và các hành động dẫn tới việc không được bảo vệ trong thời gian họ ở tại nơi đến, chẳng hạn như: không có giấy tờ tùy thân, không hoàn thành thủ tục ly hôn trước khi trở về Việt Nam. Các vấn đề của phụ nữ di cư, bao gồm cả phụ nữ di cư trở về, càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Chú trọng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ di cư
Để hỗ trợ phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ được tái hòa nhập bền vững, thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả đã được triển khai. Cụ thể, Hội LHPN Việt Nam, với vai trò, nhiệm vụ là tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện chức năng đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam đã chú trọng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; tổ chức các hoạt động, các mô hình hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ; tham gia xây dựng chính sách và thực hiện giám sát, phản biện xã hội luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ.
Văn phòng Dịch vụ một điểm đến đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (gọi tắt là OSSO) do Hội LHPN 5 tỉnh, thành phố thí điểm thành lập - là một trong số các mô hình hiệu quả được Hội xây dựng và vận hành nhằm hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ dễ bị tổn thương, sẽ được chia sẻ tại Hội thảo này. Qua hơn 1 năm vận hành, Văn phòng OSSO đã tiếp cận và tư vấn cho hơn 400 phụ nữ di cư hồi hương với gần 2.000 lượt tiếp cận.
Tại Hàn Quốc cũng đã xây dựng và vận hành một số mô hình hỗ trợ phụ nữ dễ bị tổn thương như các trung tâm hỗ trợ, đường dây nóng, Ngôi nhà Ánh dương... Những mô hình này được thiết kế các dịch vụ phù hợp và dễ tiếp cận đến việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ, chuyển tuyến hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay, phụ nữ di cư còn gặp phải các vấn đề khó khăn liên quan đến pháp lý và thủ tục hành chính mà phụ nữ di cư kết hôn và con cái họ phải đối mặt khi trở về địa phương và những vướng mắc trong cơ chế hiện hành giải quyết các vấn đề của trẻ em theo mẹ hồi hương…
Chính vì vậy, Hội thảo trao đổi về các mô hình và thực tiễn hiệu quả hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương giữa Việt Nam và Hàn Quốc được tổ chức là hội thảo quan trọng để các cơ quan, tổ chức hai nước có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cơ chế, chính sách và học tập nhiều hơn kinh nghiệm thực tiễn hỗ trợ các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương của hai nước.
"Thông qua các nội dung trao đổi, chia sẻ, học tập, kết nối, chúng ta cùng hướng tới những giải pháp, những hành động cụ thể nhằm giải quyết những thách thức đang đặt ra hiện nay và xây dựng các mối quan hệ hợp tác hiệu quả trong hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ di cư. Các bài học kinh nghiệm, những công cụ, kỹ thuật vận hành các mô hình của Hàn Quốc sẽ được nghiên cứu để áp dụng tại Việt Nam nhằm góp phần để cuộc sống của phụ nữ di cư được an toàn hơn.
Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam và IOM đang phối hợp để xây dựng giai đoạn 2 của dự án "Hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc toàn diện nhằm nâng cao tính hòa nhập của phụ nữ di cư và trẻ em của họ tại 6 tỉnh của Việt Nam" đề xuất KOICA tài trợ. Chính vì vậy, kết quả hội thảo này ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hiện có, còn phục vụ cho các mô hình sẽ được thành lập trong thời gian tới, hướng tới hỗ trợ toàn diện cho nhóm phụ nữ di cư và gia đình họ", Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa khẳng định.
Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc cùng trao đổi về các nội dung liên quan đến giấy tờ liên quan đến đăng ký kết hôn và thủ tục ly hôn giữa công dân Việt Nam và Hàn Quốc tại Việt Nam; cơ chế hiện hành giải quyết các vấn đề của trẻ em sinh ra từ những cuộc hôn nhân quốc tế tại Việt Nam; Các vấn đề xuất nhập cảnh và chính sách liên quan đến di cư kết hôn và trẻ em trong các gia đình Việt Nam - Hàn Quốc, tập trung vào những yêu cầu thủ tục pháp lý và hành chính, quy trình đăng ký kết hôn và ly hôn; Hạn chế và nhu cầu về hành chính và tư pháp chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Hàn Quốc để hỗ trợ người di cư, đặc biệt là người di cư vì mục đích kết hôn.
Các hỗ trợ và dịch vụ hiện hành cho phụ nữ trong tình trạng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ di cư vì mục đích kết hôn cũng được chia sẻ tại Hội thảo. Trong đó, các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm và các phương pháp hỗ trợ hiệu quả tại các Văn phòng OSSO và Ngôi nhà Bình yên là các mô hình hỗ trợ phụ nữ và gia đình họ do Hội LHPN Việt Nam vận hành; hợp tác trong tương lai giữa Hội LHPN Việt Nam với Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc; Mạng lưới chuyển tuyến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương giữa các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và Hàn Quốc….
Trần Lê - Ảnh: Tuấn Dũng