Năm 1284, quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Tháng 12 năm đó, giặc ào ào đánh vào khắp các quan ải, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn thấy thế không giữ được phải lui về chống cự. Tháng Giêng năm 1285, tướng giặc là Trấn Nam vương Thoát Hoan tung quân tới đánh. Vua Trần phải rút chạy vào Nghệ An. Trong tình thế cấp bách, triều đình buộc phải họp bàn tìm kế hoãn binh để có thời gian củng cố lực lượng. Kế hoạch cử người sang gặp Thoát Hoan cầu hòa được đa số tán đồng. Ngoài các lễ vật quý giá đưa sang làm quà tặng, triều đình quyết định chọn một công chúa có nhan sắc dâng cho Thoát Hoan để cầu thân. Và trong số các công chúa nhà Trần bấy giờ, người dám chấp nhận hy sinh tuổi trẻ, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng của mình để cứu nạn nước là công chúa An Tư - cô con gái út xinh đẹp của vua Trần Thái Tông.

Ngày mồng 1 tháng 2 năm đó, công chúa An Tư giã biệt mọi người theo đoàn sứ giả vào trại giặc. Kể từ đó không còn nghe nhắc gì về bà. Bà được Thoát Hoan đưa theo về Bắc lúc rút chạy hay đã chết trong đám loạn quân? Không ai biết! Sách An Nam chí lược của Lê Trắc có một đoạn chép “Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”. Phải chăng người con gái ấy chính là công chúa An Tư?

Triều Trần với chiến thắng Nguyên – Mông đã trở thành một triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã thắng một đội quân hùng mạnh làm mưa làm gió khắp Á – Âu bấy giờ. Trong chiến công chung đó có những hy sinh đóng góp thầm lặng của những người phụ nữ, công chúa An Tư là một ví dụ. Đến đầu thế kỷ XX, một số trí thức cổ xúy cho văn hóa dân tộc bắt đầu nhắc nhiều đến công chúa An Tư như một tấm gương hy sinh vì nước. Đến năm 1943, câu chuyện về An Tư công chúa được nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Tưởng viết thành thiên tiểu thuyết An Tư.

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử - NXB Phụ nữ