Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi hết tướng Nam Hán, khôi phục nền độc lập, tự xưng là Tiết độ sứ, trông coi mọi việc ở Giao Châu. Bấy giờ, Ngô Quyền đang là nha tướng của Đình Nghệ. Thấy Ngô Quyền là bậc trí dũng lại khôi ngô khỏe mạnh, Đình Nghệ đã gả con gái yêu của mình là Dương Thị Như Ngọc cho ông rồi cho hai vợ chồng vào coi giữ Ái Châu.

Năm 937, một nha tướng của Dương Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn giết chủ tướng để đoạt ngôi. Dương Thị Như Ngọc được tin cha bị hãm hại lập tức cùng Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu ra La Thành trị tội Công Tiễn trả thù cho cha. Công Tiễn sợ không chống nổi Ngô Quyền nên sai người đem của báu sang Nam Hán đế cầu viện. Vua Nam Hán muốn nhân đó đánh chiếm Giao Châu nên cho con trai là Hoằng Thao kéo quân sang giúp Công Tiễn.

Sau khi giết được Công Tiễn và chiếm giữ thành Đại La, được tin Hoằng Thao đem quân kéo vào theo đường sông Bạch Đằng, Ngô Quyền quyết định tổ chức cho quân dân chuẩn bị đón đánh giặc ở cửa sông. Ông cho người đem cọc gỗ lớn vạt nhọn bịt sắt đóng ngầm ở cửa sông rồi chờ thủy triều lên đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến để dụ thuyền địch vào sâu bên trong. Giặc quả nhiên mắc mưu, chờ thủy triều rút, cọc sắt lộ ra, Ngô Quyền mới tung quân ra đánh, thuyền giặc trở lui nhưng va phải cọc nhọn bị chìm đắm quá nửa, quân Hán kẻ chết đuối kẻ vướng tên, Hoằng Thao bị giết chết, quân Nam Hán đại bại. Trong trận chiến, Dương Thị Như Ngọc chỉ huy đội nữ binh tả xung hữu đột cùng chồng đánh tan đội quân xâm lược, đem lại nền độc lập và sự bình yên cho đất nước.

Sau chiến thắng, năm 939 Ngô Quyền xưng vương, Dương Thị Như Ngọc được lập làm Hoàng hậu. Năm 944 Ngô Quyền mất, truyền ngôi cho con là Ngô Xương Ngập, Dương hoàng hậu được tôn gọi là Quốc mẫu. Năm 945, gia thần của Ngô Quyền là Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, Dương Thị Như Ngọc phải đem các con nhỏ là Nam Hưng, Càn Hưng lánh đi. Kể từ đó không còn nghe nói về bà.

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử - Nhà xuất bản Phụ nữ