Tên bà được ghép từ tên của thôn cha, thôn mẹ thành Vân – Nga. Bà là em gái Dương Tam Kha - nguyên là gia thần của Ngô vương Quyền. Năm 968, từ Thái Bình, Đinh Bộ Lĩnh tiến quan dẹp loạn 12 sứ quân thì Tam Kha đã đem cô em gái xinh đẹp của mình gả cho Đinh Bộ Lĩnh.

Thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) và phong Dương Vân Nga là Hoàng hậu (năm 969). Bà trở thành một trong năm vị hoàng hậu của vua Đinh. Năm 974, bà sinh hoàng tử Đinh Toàn. Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và con trai là Nam Việt Vương Liễn bị Nội nhân Đỗ Thích giết hại, khiến kinh đô Hoa Lư náo động. Trong tình hình khá lộn xộn lúc đó, để tránh cho đất nước vừa được thống nhất lại xảy ra nội loạn, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn đã nhanh chóng cùng một số tướng lĩnh tôn hoàng tử Toàn lên làm vua, Dương hoàng hậu vì vậy được tôn là Hoàng thái hậu.

Con trai mới 5 tuổi làm vua, Hoàng thái hậu phải đứng ra gánh vác việc triều chính dưới sự phụ tá của Lê Hoàn. Nhưng vận mệnh đất nước lại đứng trước nguy cơ nội loạn và sự xâm chiếm của nhà Tống rất cần thiết có một người đủ tài, trí lãnh đạo đất nước. Dương Thái hậu đã sai người đem áo long cồn khoác lên mình Lê Hoàn, mời Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế trong sự đồng thuận của quần thần. Mùa xuân 981, Lê Hoàn thân cầm quân chặn giặc trên sông Bạch Đằng, thắng lớn. Quyết định sáng suốt, kịp thời của Dương Thái hậu đã thực sự đem lại sự bình yên cho đất nước. Tương truyền, nghe tin thắng trận, Dương Thái hậu vui mừng cho dựng cái sập “Sập mây nước kết giao” trên bến sông trước thành Hoa Lư để đón Lê Hoàn. Từ đây bà bắt đầu gửi gắm cuộc đời mình cho vị vua anh hùng đó. Năm 982, bà được phong là Đại Thắng Minh hoàng hậu, chính thức trở thành hoàng hậu đứng đầu trong 5 hoàng hậu của Đại Hành hoàng đế nhà Tiền Lê – một người đàn bà được chọn làm hoàng hậu của hai vua, được sánh vai với hai vị anh hùng nổi danh trong lịch sử, phải chăng điều đó đã khẳng định tài sắc của bà!

Tương truyền đến cuối đời, bà rời cung cấm đến tu hành trong động Am Tiên phía đông kinh thành Hoa Lư đến năm 1000 thì qua đời. Sau khi mất, bà được dân gian tạc tượng thờ cùng hai vị vua Đinh, Lê tại ngôi đền thờ ở kinh đô Hoa Lư. Hiện nay, Dương Thái hậu được dân gian thờ phụng trong đền Lê Đại Hành ở khu di tích cố đô Hoa Lư.

(Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử - Nhà xuất bản Phụ nữ)