leftcenterrightdel
 

Năm 1995, một lần theo đoàn làm phim tài liệu "Nữ tướng Nguyễn Thị Định" ra tận Hải Phòng, tìm lại dấu chân "Bao công thời nay" của bà, tôi thật sự ngỡ ngàng khi gặp lại những nhân vật đã từng được bà minh oan, phục hồi danh dự. Một trong những con người đó là cựu Thiếu tướng Trường Xuân. Tiếc thay, khi chúng tôi đến thì ông đã về Hà Nội. Ngày 5/7/1995, chúng tôi gặp ông trong một khăn nhà nhỏ ở Hà Nội.

Lúc đó, ông Trường Xuân đã ngoài 70, cao lớn, tóc bạc trắng. Khi hỏi chuyện cũ, mắt ông đượm buồn, trầm ngâm nói: "Chị Ba Định quan tâm đến tôi chắc có một nguyên nhân sâu xa. Chị Ba vốn là bộ đội. Tôi cũng là bộ đội. Tôi được gặp chị Ba nhiều lần. Đó là một con người rất có trách nhiệm đối với đồng chí, đồng bào - trách nhiệm thật sự bởi chị đã thể hiện trách nhiệm ấy bằng những điều rất cụ thể, kiên trì làm, tới nơi tới chốn. Trách nhiệm của chị gắn với tình thương yêu đồng đội, đồng chí một cách cao cả, tình thương bao la đối với đồng bào. Không chỉ là một người có trí tuệ, nắm giữ trọng trách quốc gia, chị còn là người phụ nữ đôn hậu. Đó mới thực sự là tài sản quý của đất nước. Trải qua những bầm dập, cay đắng khi bị bắt tù oan, sau này được minh oan, phục hồi, tôi suy ngẫm rất nhiều. Chính sự đôn hậu của chị Ba truyền cho tôi lòng bao dung. Tôi hiểu một cách biện chứng hơn về trường hợp oan sai của mình. Trong quá trình đất nước chuyển đổi, đi lên, bên cạnh những thành tựu cũng không thể tránh được những sai lầm. Trong quá trình phát triển, khó có thể tránh được những sai sót. Nó có tính ngẫu nhiên nhưng vấn đề là sự ngẫu nhiên ấy rơi vào ai?! Hiện nay, Nhà nước ta còn đang hoàn thiện luật pháp thì những sai lầm làm sao tránh khỏi. Tôi có lỗi chăng là quá say mê với tâm huyết của mình mà quên đi những quan hệ ứng xử khác. Những năm cuối thập kỷ 80, chuyện đổi mới còn đang rất mới mẻ. Những việc làm của tôi thời ấy cũng quá mới. Đó là việc đào đường xuyên đảo từ đất liền ra Cát Bà, xây dựng lại sân bay Cát Bi, xây dựng các tuyến biên giới, xây dựng nhà tình nghĩa; lo nhà cửa, đào tạo nghề nghiệp cho các gia đình của đồng chí mình… Tất cả, tôi không vay mà từ công sức, vốn liếng của những người lính cùng với sự hợp tác của người dân địa phương. Trong quá trình thực hiện những công trình lớn như thế không tránh được những sai sót. Nhưng thay vì chúng tôi cần có sự chia sẻ, hỗ trợ thì tôi nhận được bản án tuyên ngày 7/9/1987 với 6 tội danh và mức án 20 năm tù giam: Tội buôn lậu qua biên giới, tội đầu cơ, tội buôn bán hàng cấm, tội đưa hối lộ, tội cố ý làm trái pháp luật, tội tham ô". 

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Thị Định (thứ 2 từ phải sang) thăm hỏi các thương binh nặng tại TPHCM năm 1992 

Ông Trường Xuân kể tiếp: "Nằm trong trại giam Trung ương quân đội, tôi nghe thật cay đắng, nghĩ đời mình cũng thật ba chìm bảy nổi, thật trải nghiệm, bởi được nếm cả mùi nhà tù đế quốc, vừa ở tù Cộng sản. Nghe tin, chị Ba lập tức nghiên cứu hồ sơ, đi thị sát nhà tù. Đó là năm 1988, chị ba lên tận Ba Vì thăm tôi. Chị lắng nghe nỗi niềm của những người tù một cách khách quan. Gặp chị, tôi vô cùng xúc động, chỉ nói được: "Chị yên tâm. Chúng tôi là người đã trải qua thử thách, đã được Đảng giáo dục và rèn luyện. Tôi không bao giờ phản bội lại mình". Chị Ba khuyên tôi bình tĩnh, bởi sự thật sẽ được trả về với sự thật. Rồi chị lặng lẽ đi gặp tất cả những nhân chứng, thu thập thông tin. Chị lắng nghe dư luận quần chúng về tôi. Từ năm 1982, đơn vị tôi đã thực hiện chính sách xây dựng nhà tình nghĩa, sau đó vài năm, việc làm này được nhân lên thành phong trào nở rộ ở địa phương. Chị hiểu được tâm huyết, tầm nhìn chiến lược của những người khởi xướng; hiểu nỗi gian nan, vất vả của người lính thời bình. Có đầy đủ những chứng cứ về trường hợp bị hàm oan của tôi, chị Ba báo cáo với Hội đồng Nhà nước. Sau đó thì tôi được ra khỏi tù, được phục hồi danh dự. Câu chuyện về "bao công thời nay" của chị Ba là như thế…".

Tiễn chúng tôi ra về, ông nói cuộc đời ông không gặp may nhưng lại rất may mắn, vì qua cách ứng xử của bà Nguyễn Thị Định, ông tìm lại niềm tin. Sóng gió qua đi, ông có một tuổi già thanh thản bởi sự bao dung, bởi có được một gia đình thành đạt. Và hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời ông là có được người vợ luôn kiên định với lý tưởng của chồng, vừa tần tảo nuôi con, vừa kiên trì gửi đơn đến các cơ quan chức năng để minh oan cho chồng. Một trong những lá đơn của bà Vũ Thị May, vợ ông, đã đến tay bà Nguyễn Thị Định…

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 – 1992)

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước.

Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938) bà được kết nạp Đảng.

Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước)

Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945. Bà là một trong những người đầu tiên vượt ngàn trùng hiểm nguy và mọi sự kiểm soát gắt gao của địch, cùng anh em cảm tử mở đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vũ khí, đạn dược tiếp viện cho phong trào đấu tranh ở Nam bộ, dấy lên ngọn lửa Đồng Khởi – Bến Tre.

Năm 1961, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam

Năm 1965, bà được cử làm Phó Tổng tư lệnh lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1974, bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), bà là Ủy viên BCH Trung Ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ LĐTB&XH). Từ Tháng 6/1980 đến năm 1992, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1982-1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam – Cuba, Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Bà được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương: Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy hiệu Bác Hồ, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin; Được Đảng và Chính phủ Cuba trao tặng Huân Chương HiRon và nhiều Huân chương khác.

Ngày 26/8/1992, sau một cơn bệnh tim đột ngột, Bà Nguyễn Thị Định đã ra đi vĩnh viễn, thọ 72 tuổi.

Ngày 30/8/1995, bà đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà văn Trầm Hương