Nỗi đau chồng lên nỗi đau, khi đứa cháu nội của mẹ Hoàng Thị Lự, đang là sinh viên năm 2, từ Hà Nội về quê chịu tang bà cũng vĩnh viễn ra đi trong vụ tai nạn lật xe khách ở Ninh Bình khuya 13.6.

Mòn mỏi ngóng con về

Câu chuyện về mẹ Lự đợi con có lẽ là biểu tượng của nỗi đau mất mát, chia li không thể bù đắp do chiến tranh gây ra. Ở tuổi gần đất xa trời, mẹ Lự vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ con và thường hỏi “khi mô thì 2 đứa về?”. Nhưng, mẹ đã không thể đợi con được nữa, trong khi một người con trai mẹ vẫn chưa thể trở về vì chưa tìm được mộ phần, hài cốt.

Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự qua đời: Hơn nửa thế kỷ đợi con... - ảnh 1

Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự

Vợ chồng mẹ Lự có 4 người con trai. Năm 1967, anh Nguyễn Tất Tân (con trai cả, sinh năm 1942) đang làm công nhân ngành than ở Quảng Ninh thì được lệnh tổng động viên vào chiến trường miền Nam. Một năm sau, người em trai là anh Nguyễn Tất Văn cũng lên đường tham gia chiến đấu ở tuổi 17.

Năm 1969, mẹ Lự nhận cùng lúc 2 giấy báo tử cả 2 người con đã hy sinh. Hai anh em ra đi cách nhau chỉ 2 ngày.

Ông Nguyễn Tất Chương, con trai mẹ Lự kể, gia đình nhận 2 giấy báo tử, mẹ Lự như ngã quỵ. Nỗi đau mất con như ăn vào tiềm thức của mẹ Lự từ đó khiến lúc nào mẹ cũng nhắc đến tên của 2 anh.

Trong nhiều năm trời, 2 người con còn lại của mẹ Lự cùng người thân của mẹ đã thông qua một số kênh tìm kiếm tung tích và mộ phần của 2 liệt sĩ, kể cả nhờ nhà ngoại cảm, nhưng đều không có kết quả.

Năm 2019, chị Nguyễn Thị Xuân, cháu gái của mẹ Lự lên mạng xã hội và tình cờ đọc được thông tin tìm thân nhân liệt sĩ Nguyễn Nhật Tân (quê Nghệ An) đã được quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh của luật sư Đỗ Thành Trung (ngụ Vũng Tàu) cung cấp.

Chị Xuân lập tức gọi điện báo cho bố mình rồi kết nối với anh Trung. Sau một thời gian truy cứu thông tin từ các cơ quan chức năng và sự hỗ trợ của anh Trung, gia đình ông Chương xác định đây chính là phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Tất Tân và quyết định đưa hài cốt liệt sĩ về quê an táng.

Khi hài cốt con được đưa về nhà ở xã Tân Sơn, H.Đô Lương, mẹ Lự ngồi trên giường, ôm chầm đón lấy hài cốt con, gọi tên con rồi òa khóc nức nở. Những người có mặt không kìm được xúc động cũng rơi nước mắt, khóc theo.

Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự qua đời: Hơn nửa thế kỷ đợi con... - ảnh 2

Mẹ Lự òa khóc khi đón hài cốt con trai năm 2020

Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử của người mẹ 110 tuổi đón hài cốt con sau 53 năm xa cách được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người rơi lệ.

Ông Nguyễn Tất Chương kể, mẹ Lự thường nhắc đến 2 người con của mẹ đã hy sinh và thường rất buồn, nhất là dịp tết khi con cháu tề tựu đông đủ. “Những lúc ấy, mẹ tôi cứ hỏi còn thằng Tân và thằng Văn ở mô mà chưa về?. Chúng tôi cũng mong mỏi tìm thấy hài cốt của anh tôi, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Chương nói.

Nỗi đau ở lại

Mẹ Lự ra đi ở tuổi 112 vào ngày 13.6 khi hài cốt con trai, liệt sĩ Nguyễn Tất Văn vẫn chưa được tìm thấy. Nhận được tin bà nội mất, ngay trong đêm, anh Nguyễn Tất Ngà (đang học đại học năm thứ 2 tại Hà Nội) đã đón xe khách về quê chịu tang bà.

Đêm 13.6, khi xe khách về đến tỉnh Ninh Bình thì gặp tai nạn, xe bị lật khiến anh Ngà và 3 người khác tử vong.

Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lự qua đời: Hơn nửa thế kỷ đợi con... - ảnh 3

Cháu nội của mẹ Lự tử vong trong vụ lật xe khách

Cách đó ít giờ đồng hồ, Ngà cập nhật hình ảnh đại diện bông hoa sen trắng hình nền đen và bày tỏ tình cảm yêu thương đối với bà trên trang Facebook cá nhân.

Cô giáo từng dạy THCS của Ngà viết trên Facebook của cậu học trò cũ sau khi nghe tin Nguyễn Tất Ngà tử nạn: “Ngà em! Thật sự cô rất bàng hoàng, đau lòng khi nghe tin em đã ra đi! Cô còn nhớ ngày đầu các em chập chững bước vào lớp 6 với những gương mặt non thơ nhưng đầy tình cảm. Cô còn nhớ em là cậu lớp trưởng năng động hoạt bát, cả lớp năm học đó đã tổ chức cho cô một sinh nhật đầy bất ngờ, ấm áp để rồi cô nhớ mãi”.

“Mong em siêu thoát. Mãi nhớ về cậu học trò xinh trai, hoạt bát, giỏi giang, tình nghĩa. Vĩnh biệt em!”, cô giáo viết.

Hai đám tang nối tiếp nhau trong hai ngày. Bà đi trước, cháu đi sau. Nỗi đau chồng lên nỗi đau.

Theo Thanh niên