leftcenterrightdel
 

Xúc động và biết ơn những người con gái đã cống hiến tuổi thanh xuân để góp phần bảo vệ nền hòa bình của dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là cảm xúc của nhiều người khi đọc cuốn truyện ký Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái (Nhà xuất bản Công an Nhân dân) của nhà văn Trầm Hương. Tác phẩm đã được trao giải tư cuộc thi Viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ IV.

Sách gồm 7 chương, mỗi chương đều ngồn ngộn thông tin, chi tiết sinh động về những tháng ngày kiên cường làm nhiệm vụ của các thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C.

Chương 1 trả lời cho thế hệ hôm nay đường 1C là gì và hành trình đi tìm lại ký ức. 1C là tuyến đường nối tiếp đường Trường Sơn, từ vùng Đông Nam Bộ đến hết mũi Cà Mau. Năm 1966, đội thanh niên xung phong của các tỉnh miền Tây Nam Bộ làm công tác vận chuyển vũ khí cho bộ đội miền Tây đánh giặc. Trong hơn 800 người làm nên huyền thoại đường 1C, có đến hai phần ba là những cô gái tuổi từ 15 đến 20.

Trong điều kiện giặc đánh phá ác liệt, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng các cô gái đã kiên cường cõng trên lưng số hàng hóa gấp đôi trọng lượng cơ thể. Mùa mưa sình lầy, những thanh niên xung phong ngày ấy đã đưa cán bộ, chở vũ khí, phương tiện về khắp các chiến trường khu 9, khu 8.

Để cắt đứt tuyến đường huyết mạch, địch dùng máy bay, na-pan, thám báo, biệt kích đánh phá ngày đêm. Ở nơi “sắt thép phải tan chảy” những người con gái đường 1C đã trụ lại và chiến thắng. Hơn 400 thanh niên xung phong 1C đã hy sinh, rất nhiều trong số đó không thể tìm thấy hài cốt.

Nhà văn Trầm Hương đã được gặp gỡ các cựu thanh niên xung phong để lấy thông tin và chưng cất nên tác phẩm dung dị, xúc động. Nhà văn gọi những cô gái vóc dáng nhỏ bé, với bờ vai thanh xuân thuở ấy là “những người con gái không có tuổi”.

Trên những đôi vai cũng nhỏ bé đó, là sức mạnh của khát vọng hòa bình, sức mạnh của lòng quyết tâm chiến thắng. Dù những người con gái có tên Hồng Hạnh, Mười Chiều, Hồng Láng, Phiên, Phấn… đã gửi lại thanh xuân nơi tuyến đường ác liệt, với lòng tri ân của thế hệ hôm nay, cùng ngòi bút của nhà văn, họ đã thành bất tử.

Trong tập truyện ký, nhà văn Trầm Hương đã chú trọng đến cách kể, khơi gợi câu chuyện qua từng giai đoạn, đưa người đọc đi vào từng cảnh huống, từng giai đoạn với những ngày tháng hoạt động gian khổ của lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C.

Tác giả dẫn cảm xúc của độc giả đi từ trạng thái này tới những trạng thái khác. Trong sâu thẳm, tác phẩm đã tô thắm niềm tự hào về sự dũng cảm, tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.

Theo zingnews