Cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên

Nữ luật sư người Mỹ, bà Nancy Hollander, có một món quà đặc biệt năm 1965. Khi đó, bà là đại biểu trẻ tuổi nhất tham gia phái đoàn gặp mặt ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ tại Jakarta (Indonesia). Đó là một chai rượu. Nhưng bà Nancy Hollander không uống ngay mà để dành tới 10 năm sau mới uống. “Khi đó, tôi nói sẽ chờ khi nào Việt Nam được giải phóng thì tôi sẽ uống. Và tôi đã chờ tới 1975 mới uống chai rượu này để chúc mừng”, bà Nancy Hollander nói trong buổi tọa đàm của sự kiện Khát vọng hòa bình. Sự kiện gồm tọa đàm Vì một nền hòa bình và triển lãm Khát vọng hòa bình, diễn ra ngày 9.1, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.1.1973 - 27.1.2023).

Những người phụ nữ làm nên Hiệp định Paris - ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Paris ngày 27.1.1973

TL TRIỂN LÃM

Sau cuộc gặp mặt đó, bà Nancy Hollander đã tham gia tích cực vào các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ và luôn dành tình cảm đặc biệt cho đất nước Việt Nam và phụ nữ Việt Nam. Năm 2019, bà Nancy Hollander lần đầu tiên đến Việt Nam và có một cuộc gặp gỡ “lịch sử” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người có vai trò đặc biệt trong đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Bà cũng trao tặng bảo tàng 450 tài liệu hiện vật quý từ cuộc gặp mặt giữa phụ nữ Mỹ với phụ nữ hai miền Nam, Bắc Việt Nam tại Jakarta (Indonesia) năm xưa mà bà đã lưu giữ hơn nửa thế kỷ. Trong trưng bày lần này, cuốn sổ bà ghi chép về cuộc gặp mặt năm 1965, các tài liệu chống chiến tranh của phụ nữ Mỹ cũng được giới thiệu.

Cuộc gặp năm 1965 tại Jakarta chính là cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên thông qua nước thứ 3, giữa Tổ chức Phụ nữ đấu tranh cho hòa bình (WSP) với Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam. Phái đoàn này gồm 8 thành viên đến từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở miền Bắc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong tuyên bố chung sau 3 ngày làm việc, cả 3 bên đều đồng ý rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp định Genève, trách nhiệm của phụ nữ Mỹ là phải tạo nên sự tôn trọng nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, phụ nữ Mỹ tổ chức nhiều chiến dịch hoạt động phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình ở Việt Nam.

Triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh phụ nữ Pháp phản đối chiến tranh. Kể từ năm 1965, ngày 8.3 hằng năm là ngày phụ nữ Pháp lựa chọn để tổ chức những buổi thức đêm vì Việt Nam, phản đối Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. “Đêm trắng” đã diễn ra trên khắp nước Pháp. Phụ nữ Pháp đã cùng nhau ký tên vào những bản kiến nghị phản đối Mỹ xâm lược và cử những đoàn đại biểu mang tới các trại lính Mỹ, các lãnh sự Mỹ ở Paris và các tỉnh.

Hình ảnh phụ nữ Nhật ủng hộ Việt Nam cũng xuất hiện trong trưng bày. Hội Phụ nữ Nhật Bản Mới tổ chức làm ống tiền tiết kiệm “Một yên ủng hộ Việt Nam”. Họ cũng phát hành các bưu ảnh, bưu thiếp có nội dung về cuộc kháng chiến của Việt Nam; làm búp bê giấy, búp bê vải, dây hoa giấy mang dòng chữ “Mỹ cút khỏi Việt Nam”… để bán lấy tiền quyên góp ủng hộ Việt Nam.

Chiến thắng ghi dấu phụ nữ

Nhiều hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình được trưng bày trong triển lãm. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cho biết suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán tại Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, báo giới phương Tây đã rất ấn tượng với hình ảnh của “Madam Bình”. Đây là tên các nhà báo phương Tây gọi bà Nguyễn Thị Bình khi đó. “Họ ấn tượng không chỉ bởi hình ảnh một người phụ nữ có phong cách giao tiếp lịch lãm, sang trọng, nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, mà họ còn rất ấn tượng bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi ví von dí dỏm... khiến cho thế giới phải nể trọng”, bà Tuyết cho biết.

Những người phụ nữ làm nên Hiệp định Paris - ảnh 2

Bà Dương Thị Duyên, Trưởng phòng Tin miền Nam, TTXViệt Nam, nữ nhà báo duy nhất trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trong một cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam ngày 2.10.1969

Trong số tư liệu này có hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình đang ký Hiệp định Paris năm 1973. Cũng có ảnh bà Nguyễn Thị Bình đại diện đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, gặp gỡ với báo chí trước khi bước vào bàn đàm phán tại Trung tâm Hội nghị Kleber ở Paris (Pháp) năm 1969. “Bà tham gia các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam”, bà Tuyết cho biết.

Những người phụ nữ khác cũng xuất hiện trong triển lãm, họ là những người chiến đấu vì nền hòa bình, để Hiệp định về lập lại hòa bình được ký kết. Đó là bà Út Tịch với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh”, bà Trương Mỹ Hoa trong nhà tù Côn Đảo với cái tên giả Nguyễn Thị Tâm, bà Võ Thị Thắng với nụ cười chiến thắng, bà Cù Thị Hậu với “tiếng hát những con thoi” - người đã thành Anh hùng Lao động trong phong trào thi đua của các nhà máy xí nghiệp miền Bắc…

Một loạt hình ảnh các chiến sĩ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình cũng được trưng bày tại triển lãm này. Trong số này có các nữ quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan… Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết việc tham gia lực lượng này là một trong những chính sách đối ngoại của Việt Nam, tuyên bố mạnh mẽ và thể hiện hình ảnh một quốc gia có uy tín, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới.

Theo Thanh niên