Tuy nhiên, sự kiện một phụ nữ đứng đầu, giữ vai trò quyết định sự thành bại của một tờ báo thời kỳ đó không phải là duy nhất. Cho đến khi bà Sương Nguyệt Anh mất năm 1922, ngay sau đó đã kịp xuất hiện những ngôi sao khác trong làng báo Sài Gòn, đều là phụ nữ.
Năm 1940, báo Trung Bắc Tân Văn số 18, ra ngày 30.6.1940 có một bài phóng sự ngắn của tác giả Văn Lang gây chú ý cho độc giả miền Bắc, bài Mấy bà quản lý nhà báo trong Nam. Bài báo được quan tâm vì trong tình hình xứ Việt còn đề cao vị trí của người đàn ông trong xã hội, phụ nữ miền Nam đã thể hiện được vai trò và bản lãnh của mình trong nhiều hoạt động, kể cả báo chí, vốn là nghề chuyên theo sát thời sự xã hội và tác động sâu sắc đến mọi tầng lớp.
Tác giả Văn Lang viết: "Hôm đầu năm nay, nhân dịp vào Sài Gòn cổ động cho tuần báo Trung Bắc Chủ nhật, tôi nhận thấy làng báo trong Nam có một cái ưu điểm, một cái đặc sắc mà làng báo Bắc ta đành phải chịu thua. Ấy là việc quản lý nhà báo phần nhiều ở trong tay đàn bà".
Trong số đó, phải kể đến các cái tên sau:
- Bà Thạnh Thị Mậu, tức bà hội đồng Nguyễn Kim Đính:
Từ 1923 đến 1926, ông Nguyễn Kim Đính xuất bản tờ Đông Pháp Thời Báo, đứng về danh nghĩa, còn việc chi xuất tiền bạc, trông nom thầy thợ nhà báo, nhà in, đều bởi một tay bà nữ quản lý Thạnh Thị Mậu là vợ của ông.
Điều độc đáo, theo tác giả là bà Mậu... không biết chữ, nhưng bà biết thưởng văn và tờ báo của bà thuở ấy chuyên trọng về nghị luận hơn là tin tức. Mỗi kỳ báo, viên thư ký phải đọc bài nghị luận cho bà nghe và bình phẩm hay dở. Dưới tài quản lý của bà, nhà in không thể phung phí một tờ giấy, trẻ con bán báo không thể ăn gian xu nào, mà quảng cáo nào trả tiền hay chưa, bà đều ghi nhớ trong trí.
Bà Mậu vốn là người cần kiệm tảo tần, tuy làm bà chủ và là bà Hội đồng, bà vẫn sống tiết kiệm, không khoe khoang danh vọng với ai. Tính cách ấy khiến bà trông nom nhà in và tờ báo thuận lợi được một thời gian. Sau vài năm, công việc ngày càng khó khăn. Ông vỡ nợ. Bà lấy danh nghĩa riêng mà đứng tên nhà in, gánh lấy nợ nần. Sau đó ông Đính về lập một nhà in khác ở Gia Định, rồi lại nợ nần, bà lại gánh tiếp nợ nần và công việc của chồng.
Đến thời kỳ khủng hoảng kinh tế khó khăn mà nhà in của bà vẫn vững vàng.
- Bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ báo Phụ Nữ Tân Văn:
Bà là tay quản lý nhà báo xuất sắc, còn thêm viết bài mỗi tuần và có ít nhiều sáng kiến hay trong việc cổ động cho tờ báo. Báo này đã lập ra học bổng chu cấp cho hai người học trò nghèo sang học bên Pháp trong mấy năm, một người đỗ kỹ sư canh nông và một người đỗ cử nhân khoa học.
- Bà Trần Thiện Quý làm quản lý nhật báo Trung Lập:
Bà Quý cũng tỏ ra là một người khéo nắm giữ một tờ báo lớn. Nữ quản lý này chẳng những trông coi công việc ở báo mà còn thường đến các hãng của người Pháp để xin quảng cáo, giao thiệp với nhà in của người Pháp, năng nổ vô cùng.
- Bà Phan Văn Thiết, bốn năm liên tiếp quản lý ba tờ tuần báo có tiếng là Việt Dân, Thế Giới và Tân Văn:
Trong khi đức phu quân của bà chỉ ngồi trên gác viết bài, nữ quản lý này ở dưới tòa báo, làm việc sổ sách, thơ từ, chi thu tiền bạc, mỗi ngày hai buổi, rất nhanh nhẹn và mẫn cán. Từ nhà buôn, bạn đọc cho tới đại lý, phái viên, nhất thiết giao dịch với bà, chớ không mấy khi gặp mặt ông chủ báo. Mỗi tờ báo bà làm quản lý đều in từ 5.000 đến 10.000 số mỗi tuần, với số xuất bản như thế, công việc của người quản lý không phải là chuyện thảnh thơi nhẹ nhàng.
- Bà Bút Trà, quản lý nhật báo Sài Gòn:
Tác giả Văn Lang cho rằng những ai biết tình hình báo giới Nam Kỳ, đều phải ngợi khen bà Bút Trà, quản lý nhật báo Sài Gòn, được xem là tay quản lý đảm lược nhất và khéo kinh doanh nhất.
Tờ nhật báo Sài Gòn xuất hiện từ đầu năm 1933, với vốn ban đầu độ vài nghìn đồng, cho tới năm 1940 đã đáng giá đến mười vạn và nhiều máy móc, khí cụ nhà in. Có thể nói tờ báo này đứng vào hàng lớn nhất, vững nhất ở Nam Kỳ, tất cả nhờ một tay bà nữ quản lý Bút Trà gây dựng, gìn giữ, mở mang.
Tác giả bài báo viết: "Ai tới thăm nhà báo Sài Gòn, bà tiếp kiến và chuyện trò nói năng rất thạo. Ai tới để lời rao trong báo, chính bà định giá. Ai gọi điện thoại hỏi han việc gì, trong 10 lần, đến 8 - 9 lần chắc chắn gặp bà ở đầu dây...".
Bà Bút Trà từng có công đưa tờ báo vượt khó mấy năm đầu, có lúc gặp khủng hoảng tài chính suýt rã đám, nhưng nhờ một tay bà chống giữ, chuyển nguy ra an, đổi suy làm thịnh, đến lúc đó đã rất vững vàng.
Đã có một giai đoạn, làng báo Sài Gòn tự hào vì đã có những nữ tướng như vậy. Họ chứng minh cho xã hội Việt thời đó còn nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" rằng, phụ nữ có đủ tài năng để có thể đảm đương những công việc lớn trong xã hội.